(VnMedia) - Mỹ và các cường quốc phương Tây đang chờ đợi câu trả lời của Tổng thống Syria Bashar al-Assad cho những đề xuất mà cựu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan đưa ra cho ông này hôm 11/3 vừa rồi.
Ông Kofi Annan cuối tuần qua đã đến Syria với tư cách là phái viên của Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Ả-rập nhằm tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở đất nước Trung Đông.
Theo lời ông Annan, trước khi rời thủ đô Damascus hôm 11/3, ông này đã đưa ra “những đề xuất cụ thể” cho Tổng thống Assad về việc chấm dứt các vụ bắn giết ở Syria và đảm bảo cho các phái đoàn nhân đạo tiếp cận những thành phố nổi dậy.
Tổng thống Assad sẽ có 48 giờ (tức là đến ngày hôm nay 13/3) để hồi đáp những đề xuất hoà bình mà cựu Tổng thư ký Annan đưa ra.
Các quan chức ngoại giao cấp cao phương Tây mong đợi, ông Assad sẽ đưa ra câu trả lời trong sáng ngày hôm nay.
"Tôi kêu gọi Tổng thống Assad hành động nhanh chóng để có câu trả lời cho những đề xuất được phái viên của chúng tôi đưa ra. Tôi kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hãy đoàn kết mạnh mẽ trong sứ mệnh chấm dứt bạo lực và ủng hộ nhiệm vụ của ông Annan nhằm giúp Syria thoát ra khỏi bờ vực của một thảm hoạ nghiêm trọng”, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã phát biểu như vậy trong cuộc họp ngày hôm qua (12/3).
Mỹ, Nga tiếp tục đối đầu căng thẳng vì Syria
Trong khi tình hình Syria chưa có lối thoát thì Nga với Mỹ và phương Tây vẫn tiếp tục đối đầu căng thẳng về cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng này.
Ngày hôm qua, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã có một phiên họp đặc biệt về vấn đề Syria. Tại cuộc họp này, Mỹ, Anh, Pháp và Đức tiếp tục kêu gọi Nga, Trung Quốc nhất trí với một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về việc lên án tình trạng bạo lực đẫm máu ở Syria hiện nay.
Tuy nhiên, Nga tiếp tục bác bỏ những lời kêu gọi của các cường quốc phương Tây. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, “tối hậu thư” của phương Tây sẽ chẳng có tác dụng gì.
Theo ông Lavrov. NATO đã “vi phạm nghiêm trọng” sự uỷ thác của Liên Hợp Quốc trong sứ mệnh bảo vệ dân thường ở Libya hồi năm ngoái sau khi phe nổi dậy vùng lên lật đổ và giết hại Tổng thống Muammar Gaddafi.
"Không nghi ngờ gì nữa, dù thế nào chính quyền Syria cũng phải chịu trách nhiệm lớn về tình hình hiện nay. Tuy nhiên, không ích gì để nói về việc ai khơi mào cho tình trạng bạo lực đó”, ông Lavrov cho biết. Ông này nhấn mạnh, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nên ép tất cả các bên “chấm dứt ngay lập tức mọi hành động bạo lực” thay vì chỉ ép Tổng thống Assad.
Nga và Trung Quốc đã hai lần dùng quyền phủ quyết bác bỏ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm lên án chính quyền của Tổng thống Assad. Cả hai nước này tin rằng, nghị quyết của Liên Hợp Quốc không công bằng và chỉ tìm cách thay đổi thế chế ở Syria.
Cũng trong cuộc họp ngày hôm qua, Mỹ, Anh và Pháp tiếp tục lên án gay gắt Tổng thống Assad.
"Thật khó hiểu là trong khi ông Assad đang đón tiếp cựu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan thì quân đội Syria tiếp tục thực hiện một cuộc tấn công mới vào Idlib và tiếp tục bắn phá ở Hama, Homs, Rastan," Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho biết.
Vũ trang cho phe nổi dậy Syria
Cuộc khủng hoảng ở đất nước Syria có dấu hiệu leo thang nghiêm trọng khi một phát ngôn viên của Hội đồng Quốc gia Syria mới đây đã lên tiếng kêu gọi sự can thiệp của nước ngoài, đồng thời cho biết phe đối lập đã thành lập một cơ quan để chuyển vũ khí cho các lực lượng nổi dậy dưới sự giúp đỡ của các chính phủ nước ngoài. Người phát ngôn này không cho biết tên những nước giúp vũ trang cho phe nổi dậy Libya cũng như vị trí cơ quan cung cấp vũ khí.
Trước đó, Ả-rập Xê-út và Qatar đã kêu gọi vũ trang cho phe nổi dậy chống lại Tổng thống Assad.
"Chúng tôi yêu cầu các nước Ả-rập và phương Tây can thiệp vào đất nước chúng tôi để bảo vệ dân thường", ông George Sabra thuộc Hội đồng Quốc gia Syria (SNC) cho biết.
"Chúng tôi yêu cầu thành lập những hành lang và khu vực nhân đạo an toàn để bảo vệ dân thường. Chúng tôi yêu cầu thực hiện lệnh cấm bay trên toàn lãnh thổ Syria để ngăn không cho chính quyền của Tổng thống Assad tiếp tục thực hiện các vụ thảm sát”, ông Sabra nói thêm.
Cuộc nổi dậy chống lại Tổng thống Assad đã bắt đầu nổ ra từ hồi đầu năm ngoái và kéo dài suốt hơn 1 năm qua mà chưa có bất kỳ dấu hiệu kết thúc nào. Trong thời gian này, đã có gần 8.000 người thiệt mạng trong các vụ đụng độ, giao tranh giữa quân đội Syria và lực lượng nổi dậy.
Mặc dù tăng cường gây sức ép nhằm buộc Tổng thống Assad phải ra đi nhưng phương Tây phải thừa nhận, ông Assad vẫn nắm chắc quyền kiểm soát đất nước trong tay. Lý do là Tổng thống Assad được hậu thuẫn bởi một lực lượng quân đội hùng mạnh gồm 330.000 binh lính và vẫn có được lòng trung thành của giới chức cầm quyền trong nước. Trong khi đó, phe nổi dậy Syria là một tập hợp lỏng lẻo gồm khoảng 20.000 binh lính và mâu thuẫn sâu sắc với nhau.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc