Phương Tây nhận thất bại trước Tổng thống Syria

07:01, 08/03/2012
|

(VnMedia) - Các nhà ngoại giao cấp cao phương Tây hôm qua (7/3) thừa nhận, phe nổi dậy Syria không đủ khả năng để đánh bại Tổng thống Bashar al-Assad trong khi phương Tây lại không có được một “cơ chế rõ ràng” để lật đổ chính quyền của ông này.
 
Bất chấp việc các nước Châu Âu, Mỹ và hầu hết thế giới Ả-rập đang gia tăng sức ép tối đa lên chính quyền của ông Assad, giới chức ngoại giao cấp cao ở những nước này đều tin rằng, trước mắt, không có viễn cảnh về sự sụp đổ của chính quyền Syria.
 
Theo các quan chức cấp cao của phương Tây và Liên đoàn Ả-rập, chính quyền Syria sẽ không thể bị sụp đổ từ bên trong bởi Tổng thống Assad vẫn nhận được sự ủng hộ rộng khắp của hầu hết giới cầm quyền, thành phần “quý tộc” của đất nước trong khi phe đối lập rất yếu.
 
Bản thân ông Assad cũng hiểu rõ và tự tin vào sự sống sót của mình sau “cơn bão” chính trị hiện nay. “Chính quyền nghĩ rằng, họ có thể giành chiến thắng. Họ nhìn mọi thứ qua lăng kính an ninh”, ông Simon Collis, Đại sứ Anh tại Syria, cho biết.
 
Các quan chức cấp cao phương Tây đã nhìn thấy thực tế rằng, lực lượng nổi dậy chống lại Tổng thống Assad còn lâu mới tập hợp được một đội quân đủ mạnh để có thể đối đầu với chính quyền Syria. Bất chấp có việc xảy ra hàng loạt những vụ đào ngũ trong quân đội Syria gần đây, hầu hết sĩ quan, binh lính trong quân đội vẫn trung thành với ông Assad.
 
Số binh lính đào ngũ ước tính khoảng 10.000 người chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong quân đội gồm 220.000 người của Syria. Những binh lính đào ngũ thường chỉ thuộc cấp thấp, không phải là các sĩ quan cấp cao. Không giống như cuộc nổi dậy ở Libya chống lại Tổng thống Muammar Gaddafi, ở Syria hoàn toàn không có sự đào ngũ của toàn bộ những đơn vị quân đội.
 
Quân đội Syria Tự do – một phong trào đối lập vũ trang cũng là lực lượng nổi dậy chính chống lại ông Assad, không có đủ vũ khí, không có một bộ máy chỉ huy đủ năng lực và lãnh đạo của lực lượng này đang thổi phồng về con số chiến binh mà họ có. Mặc dù Ả-rập Xê-út công khai kêu gọi vũ trang cho Quân đội Syria Tự do nhưng lực lượng này vẫn thiếu vũ khí và phương Tây bác bỏ khả năng cung cấp vũ khí cho họ.
 
Không chỉ giới ngoại giao thừa nhận khó lật đổ chính quyền của ông Assad, các nhà phân tích cũng tin vào điều này. Ông Toby Dodge, một chuyên gia về Trung Đông thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, hôm qua cũng đưa ra nhận định, phe nổi dậy Syria còn lâu mới có thể “hạ” được quân của Tổng thống Assad.
 
Phe nổi dậy Syria hiện tại chỉ có thể là một tác nhân gây “khó chịu” cho chính quyền chứ chưa thể trở thành mối đe dọa, ông Dodge cho biết.
 
Ngoài việc có được lợi thế về sức mạnh quân đội, về sự ủng hộ trong nước, Tổng thống Assad còn hưởng lợi từ sự hậu thuẫn về mặt ngoại giao của Nga và Trung Quốc cũng như sự cung cấp trực tiếp vũ khí, tiền bạc, kinh nghiệm chiến đấu từ đồng minh láng giềng Iran.
 
Hai nước láng giềng khác là Iraq và Li-băng không thực thi các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Syria. Thậm chí cả Thổ Nhĩ Kỳ, nước chỉ trích mạnh mẽ Syria, cũng kiềm chế không áp dụng tất cả các biện pháp nhằm “thắt chặt thòng lọng về kinh tế” xung quanh đất nước Trung Đông đang chìm trong khủng hoảng này.
 
Với những thực tế được đưa ra ở trên, các nhà ngoại giao phương Tây không thể loại trừ khả năng chính quyền của ông Assad sẽ tiếp tục đứng vững.
 
Phương Tây sẽ can thiệp quân sự vào Syria?
 
Thừa nhận thực tế chính quyền Syria không thể bị đánh bại từ bên trong, liệu có phải phương Tây đang tìm cách “dọn đường” cho một chiến dịch can thiệp quân sự vào đây?
 
Mặc dù Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 5/3 đã phát biểu, việc can thiệp quân sự vào Syria là “một sai lầm”, giới tướng lĩnh nước này vẫn đang bàn bạc khả năng tiến đánh Syria.
 
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta và Tướng Martin Dempsey hôm qua thừa nhận, can thiệp quân sự vào Syria sẽ rất mạo hiểm và phức tạp nhưng đó là một khả năng, một lựa chọn trong tương lai của Mỹ. Hai quan chức quân sự hàng đầu của Mỹ tin rằng, biện pháp quân sự nên được cân nhắc nhưng Mỹ không nên hành động một mình.
 
Ông Panetta tin rằng, nếu cần phải tiến hành một chiến dịch không kích Syria như đã từng làm ở Libya, Mỹ nên là một phần trong một liên minh quốc tế.
 
Ông chủ Lầu Năm Góc đã nhắc đến vai trò của Nga trong cuộc khủng hoảng ở Syria. Theo ông này, Moscow nắm trong tay tất cả các công cụ có thể gây sức ép với Tổng thống Assad.
 
“Không nghi ngờ gì nữa, Nga có thể đóng một vai trò rất quan trọng trong việc gây áp lực với ông Assad. Họ có một cảng ở đó, họ có ảnh hưởng ở đó và họ có những giao dịch ở đó. Không may là lập trường của họ lại phản đối nghị quyết của  Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”, ông Panetta đã phát biểu như vậy.
 
Trong khi tình hình ở đất nước Syria vẫn diễn biến ngày một phức tạp và căng thẳng thì các cường quốc thế giới lại không thể tìm được tiếng nói chung trong việc xử lý cuộc khủng hoảng này. Mỹ cùng với các đồng minh phương Tây muốn lật đổ chính phủ của Tổng thống Assad, cáo buộc chính quyền này đã “đàn áp dã man” người biểu tình.
 
Ở phía đối lập, Nga và Trung Quốc phản đối cách xử lý thiên vị, một chiều, thiếu khách quan của phương Tây đối với Syria. Theo hai cường quốc này, không chỉ mình chính quyền Syria có lỗi trong các cuộc bạo lực đẫm máu hiện nay mà cả phe đối lập cũng có phần. Nhiều nhân chứng cho biết, họ đã chứng kiến những vụ thảm sát do lực lượng chiến binh nổi dậy gây ra ở đất nước Syria. Chính vì thế, Moscow và Bắc Kinh đã liên tiếp phủ quyết 2 nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trong đó chỉ nhằm lên án chính quyền Syria và kêu gọi Tổng thống Assad từ chức. Rõ ràng, việc đứng về một bên trong bất kỳ cuộc xung đột nào cũng chỉ làm cho tình hình thêm nghiêm trọng.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc