Phương Tây giận dữ, Syria sắp bị tấn công?

06:43, 04/03/2012
|

(VnMedia) - Các nhà lãnh đạo phương Tây đang ngày càng mong muốn lật đổ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar Assad. Điều này được thể hiện qua những phát biểu đầy giận dữ và mang tính đe dọa của giới lãnh đạo Mỹ, Anh, Pháp.... được đưa ra liên tiếp gần đây.

 

Sự tức giận của Mỹ và phương Tây đối với Tổng thống Assad đang dâng lên cao sau khi xuất hiện những thông tin về việc nhiều phóng viên nước ngoài bị giết hại hoặc bị thương trong các cuộc tấn công và bao vây của quân chính phủ Syria nhằm vào thành phố nóng bỏng Homs. Các quan chức phương Tây dường như đang lợi dụng điều đó làm cái cớ để công khai kêu gọi lật đổ ông Assad và chính phủ của ông này. Hơn nữa, những phát biểu, chỉ trích ngày một gay gắt của giới lãnh đạo phương Tây nhằm vào Tổng thống Assad khiến nhiều người tin rằng, Mỹ và đồng minh đang muốn tái diễn kịch bản Libya thứ hai tại Syria.

 

Thủ tướng Anh: Tổng thống Syria sắp đối mặt với “ngày đền tội”

 

Thủ tướng Anh David Cameron ngày 2/3 cam kết sẽ bắt chính phủ Syria phải đối mặt với “ngày đền tội” nếu tiếp tục giết hại dân thường. Ông Cameron cáo buộc Tổng thống Assad đã có những hành động “dã man như thời trung cổ” đồng thời kêu gọi Nga, Trung ủng hộ việc lật đổ chính quyền Syria .

 

Trách nhiệm đối với “những hành động dã man thời trung cổ” ở Syria chỉ thuộc duy nhất về giới lãnh đạo nước này. “Chúng tôi sẽ buộc những kẻ chịu trách nhiệm phải đền tội. Tôi có một thông điệp rõ ràng cho giới cầm quyền ở Syria là: Hãy lựa chọn, quay đầu lại nếu không họ sẽ phải đối mặt với công lý”, Thủ tướng Cameron đã phát biểu như vậy tại một hội nghị thượng đỉnh của Liên minh Châu Âu (EU) diễn ra tại Brussels , Bỉ ngày hôm qua.

 

Ông Cameron cho rằng, chính quyền của Tổng thống Assad đang giết hại dân thường và lịch sử thành phố Homs đang bị viết lại bằng máu của các công dân. “Tôi muốn nói với Nga và Trung Quốc – hãy nhìn kỹ vào nỗi thống khổ của Syria và cân nhắc lại về việc ủng hộ chính quyền tội phạm này”.

 

London đang rút toàn bộ các nhân viên ngoại giao của nước này ra khỏi Syria .

 

Pháp muốn “các nhà độc tài phải trả giá”

 

Khi hai phóng viên Pháp Edith Bouvier và William Daniels được sơ tán khỏi thành phố Homs và được đưa trở về thủ đô Paris an toàn, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã tuyên bố rằng, “các nhà độc tài ở bất kỳ đâu trên thế giới nên biết rằng họ sẽ phải chịu trách nhiệm về những tội ác mà họ đã gây ra”.

 

Ông Sarkozy cũng thông báo, Pháp sẽ đóng cửa đại sứ quán nước này tại thủ đô Damascus .

 

Số phận của Tổng thống Assad “được tính bằng ngày”

 

Cùng với Thủ tướng Anh và Tổng thống Pháp, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đưa ra những cảnh báo không kém phần quyết liệt với chính quyền Syria .

 

Trong cuộc trả lời phỏng vấn tạp chí Atlantic Monthly ngày hôm qua, ông Obama tuyên bố, số phận của ông Assad “chỉ còn được tính bằng ngày” và rằng Mỹ đang nỗ lực đẩy nhanh tiến trình đưa Syria tiến lên nền dân chủ.

 

“Theo tính toán của tôi, số phận của ông Assad đang được tính bằng ngày. Hiện tại, vấn đề không phải là ông ta có bị lật đổ hay không mà chỉ là khi nào. Liệu chúng ta có thể đẩy nhanh việc này hay không ư? Chúng tôi đang hợp tác với cộng đồng quốc tế để đạt được điều đó”, ông Obama nhấn mạnh.

 

Tổng thống Mỹ đã không ngại ngần công khai so sánh tình hình ở Syria với tình hình ở Libya cách đây vài tháng. Ông này nói rằng, tình hình ở Syria phức tạp và khó khăn hơn ở Libya đồng thời bày tỏ sự lấy làm tiếc về việc “những nước như Nga lại ngăn cản Liên Hợp Quốc hành động”.

 

Thay đổi chính quyền Syria là mục tiêu chính được đưa ra trong 2 nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, cả hai nghị quyết này đã vấp phải sự phản đối của hai thành viên thường trực quan trọng là Nga và Trung Quốc. Moscow và Bắc Kinh tin rằng, cộng đồng quốc tế không thể cứ thích thì lật đổ chính phủ ở các nước. Theo hai nước này, chỉ có người dân Syria mới có quyền quyết định những việc xảy ra ở nước họ. Nga, Trung ủng hộ việc kêu gọi cả chính phủ và phe đối lập Syria ngừng bắn chứ không chỉ nhằm vào một mình chính phủ của ông Assad như Mỹ và phương Tây muốn.


Rõ ràng, trong bất kỳ cuộc xung đột nào, việc các nước đứng về một bên chống lại bên kia sẽ chỉ làm cho tình hình thêm trầm trọng và khiến cho cơ hội đối thoại khó có thể xảy ra. Trong khi đó, để giải quyết các cuộc xung đột thì cách tốt nhất luôn là thông qua đàm phán, đối thoại.
 

Quan điểm của phương Tây về Tổng thống Assad

 

Giới lãnh đạo phương Tây đang cố phân loại phe trắng và đen trong cuộc xung đột ở Syria , trong đó Tổng thống Assad luôn bị đẩy về bên bóng tối. Tuy nhiên, trong khi Washington và Brussels không ngừng lên án chính phủ của Tổng thống Assad thì các nhân chứng có mặt ở thành phố Homs cũng đang kể những câu chuyện ớn lạnh về các cuộc thảm sát do những chiến binh đối lập gây ra. Phe nổi dậy được cho là cũng đang thực hiện những vụ bắt cóc và giết hại bất kỳ người nào mà họ chọn.

 

Quân đội Syria Tự do thuộc phe nổi dậy đã phong tỏa không cho những chiếc xe cứu thương của Hội Chữ Thập đỏ vào khu vực của họ, trì hoãn những cuộc sơ tán và trong nhiều trường hợp khi hàng viện trợ đến nơi, không có sự bảo đảm rằng số hàng này đến được tay người dân.

 

Khi số người thiệt mạng trong cuộc nổi dậy kéo dài gần 1 năm qua ở đất nước Syria đang nhảy lên con số 7.500 người thì càng có nhiều người tố cáo rằng, phe nổi dậy cũng góp phần không nhỏ trong cái chết của hàng nghìn người vô tội này.


Kiệt Linh - (theo RT)

Ý kiến bạn đọc