Nga gửi cảnh báo lạnh lùng đến Tổng thống Syria

06:52, 26/03/2012
|

(VnMedia) - Tổng thống Nga Dmitry Medvedev hôm qua (25/3) đã lên tiếng cảnh báo, nỗ lực của cựu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan sẽ là cơ hội cuối cùng cho Syria tránh một cuộc nội chiến nếu không nước này sẽ phải chịu những hậu quả thảm khốc. Lời cảnh báo lạnh lùng này dường như được ông Medvedev nhằm trực tiếp vào Tổng thống đang gặp khó của Syria – Bashar al-Assad.
 
Ông chủ điện Kremlin tuyên bố, nếu Damascus phớt lờ kế hoạch hòa bình của cựu Tổng thư ký Kofi Anna thì nước này sẽ không tránh khỏi những hậu quả thảm khốc.
 
"Kế hoạch đó có thể là cơ hội cuối cùng để Syria tránh một cuộc nội chiến kéo dài và đẫm máu", ông Medvedev đã phát biểu như vậy với ông Annan tại một cuộc gặp gỡ diễn ra tại sân bay Vnukovo 2 ở thủ đô Moscow trước khi Nhà lãnh đạo nước Nga lên đường đến Seoul dự hội nghị thượng đỉnh hạt nhân.
 
Song song với việc gửi lời cảnh báo đến chính quyền Tổng thống Assad, Nhà lãnh đạo nước Nga cũng bày tỏ sự ủng hộ tuyệt đối với kế hoạch hòa bình của ông Annan. Cựu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc là phái viên của Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Ả-rập về vấn đề Syria.
 
"Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ ông ở mọi cấp độ mà chúng tôi có thể. Chúng tôi rất hy vọng, những nỗ lực của ông sẽ đạt được một kết quả tích cực”, Tổng thống Medvedev nói với phái viên Annan.
 
Đáp lại, cựu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc bày tỏ mong đợi Nga sẽ đóng một vai trò “tích cực” trong việc bảo đảm cả hai phe trong cuộc xung đột ở Syria tuân theo những yêu cầu được đưa ra trong sáng kiến hòa bình 6 điểm được Liên Hợp Quốc ủng hộ.
 
Kế hoạch hòa bình 6 điểm của ông Annan gồm có việc kêu gọi Tổng thổng Assad rút quân; ngừng sử dụng vũ khí hạng nặng ở các thành phố nổi dậy; thực hiện mỗi ngày tạm ngừng các hành động thù địch trong 2 giờ đồng hồ cho những hoạt động viện trợ nhân đạo được thực hiện; cho phép tiếp cận mọi khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột; thực hiện một lệnh ngừng bắn có sự giám sát của Liên Hợp Quốc; và phóng thích những tù nhân bị bắt giữ trong cuộc nổi dậy chống chính quyền trong một năm qua.
 
Trước đó, Trung Quốc hồi giữa tuần trước cũng đã bày tỏ sự ủng hộ đối với nhiệm vụ của ông Annan ở Syria.
 
Nga và Trung Quốc suốt thời gian qua luôn ủng hộ đồng minh truyền thống Syria. Vì vậy, hai nước này luôn ở thế đối đầu với các cường quốc phương Tây trong việc xử lý cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng ở đất nước Syria. Moscow và Bắc Kinh đã dùng quyền phủ quyết bác bỏ hai nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm lên án Damascus. Moscow và Bắc Kinh cũng bác bỏ những lời kêu gọi của phương Tây và các nước Ả-rập đòi Tổng thống Assad từ chức.
 
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, Nga và Trung Quốc đã tỏ ra mất dần kiên nhẫn với Tổng thống Assad. Hai nước này đã có nhiều dấu hiệu cho thấy, sự ủng hộ của họ với chính quyền Tổng thống Assad đang ngày một giảm dần đi. Một trong những dấu hiệu đó là hôm 21/3 vừa rồi, Nga và Trung Quốc đã bất ngờ ủng hộ cái gọi là “tuyên bố chủ tịch” về vấn đề Syria. Đây là một văn bản không có tính ràng buộc nhưng nó đã thể hiện sự nhất trí hiếm hoi trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc liên quan đến cuộc khủng hoảng Syria.
 
Tuyên bố chủ tịch của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc kêu gọi Tổng thống Assad và phe nối lập cùng hợp tác với phái viên Annan “để hướng tới việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng hiện nay ở Syria đồng thời thực hiện đầy đủ và ngay lập tức kế hoạch hòa bình 6 điểm được ông Annan đưa ra ban đầu".
 
Gần đây nhất, Nga đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ chính quyền của Tổng thống Assad. Theo Moscow, ông Assad đã “mắc rất nhiều sai lầm” trong việc xử lý, đối phó với những cuộc biểu tình hòa bình đầu tiên, khiến cho những cuộc biểu tình này leo thang thành bạo lực. Moscow cũng tỏ ra bực tức về việc ông Assad thường xuyên từ chối lắng nghe những gợi ý, đề xuất của Nga về hướng giải quyết cuộc khủng hoảng ở đất nước Trung Đông.
 
Việc Nga và Trung Quốc có thái độ cứng rắn hơn với chính quyền Tổng thống Syria đã khiến các cường quốc phương Tây rất vui mừng. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rõ rằng, việc Nga, Trung ủng hộ tuyên bố chủ tịch của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc không hề đi ngược với lập trường mà hai nước này vẫn giữ lâu nay trong vấn đề Syria. Hai nước này muốn giải quyết cuộc khủng hoảng Syria thông qua các biện pháp đối thoại, hòa bình và một giải pháp nào cũng cần phải có sự công bằng giữa các phe nhóm ở Syria.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc