(VnMedia) - Triều Tiên hôm qua (29/2) tuyên bố, nước này sẽ ngừng các hoạt động hạt nhân và cho phép các thanh sát viên quốc tế vào giám sát. Trước đó một ngày, Iran nói rằng, việc sản xuất bom nguyên tử là “một tội lỗi lớn”. Hai diễn biến bất ngờ này đang khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: Liệu có phải Iran và Triều Tiên đã khuất phục trước áp lực của các cường quốc phương Tây?
Triều Tiên đồng ý ngừng chương trình hạt nhân
Theo hãng thông tấn chính thức KCNA, CHDCND Triều Tiên hôm qua đã tuyên bố sẽ ngừng các cuộc thử nghiệm hạt nhân, những vụ thử tên lửa và hoạt động làm giàu uranium ở nhà máy Nyongbyon đồng thời cho phép các thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) vào nước này để giám sát.
Động thái trên đã được chính một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Triều Tiên thông báo sau khi nước này và Mỹ có một cuộc đàm phán cấp cao hiệu quả hồi tuần trước.
Ở thủ đô Washington, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng xác nhận, Triều Tiên đã đồng ý tạm ngừng các hoạt động hạt nhân.
"Để cải thiện không khí cho các cuộc đối thoại và để chứng minh cam kết phi hạt nhân hóa của mình, Triều Tiên đã đồng ý tạm ngừng các vụ phóng tên lửa tầm xa, những vụ thử hạt nhân cũng như các hoạt động hạt nhân ở Nyongbyon, trong đó có các hoạt động làm giàu uranium", nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ - bà Victoria Nuland đã cho biết như vậy trong một tuyên bố.
Theo bà này, Bình Nhưỡng cũng đồng ý cho phép các thanh sát viên của IAEA quay lại “theo dõi, giám sát việc nước này ngừng các hoạt động làm giàu uranium ở Nyongbyon đồng thời xác minh việc tháo dỡ lò phản ứng 5-MW và các cơ sở liên quan".
Bất chấp “những quan ngại sâu sắc” liên quan đến cách cư xử của Triều Tiên, bà Nuland cho rằng, thông báo trên phản ánh “một tiến bộ quan trọng" trong tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Phát ngôn viên Nuland cho biết thêm, Mỹ đã đồng ý gặp Triều Tiên để hoàn thành chi tiết việc thực hiện cam kết viện trợ 240.000 tấn lương thực cho người dân Triều Tiên.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết, Washington đã tái khẳng định không có ý định thù địch gì với Bình Nhưỡng và luôn sẵn sàng áp dụng những bước đi để cải thiện mối quan hệ song phương.
Phái đoàn của Triều Tiên và Mỹ đã có cuộc gặp gỡ trong vòng đàm phán cấp cao thứ 3 giữa hai nước hôm 23-24/2 vừa rồi. Tại cuộc gặp diễn ra ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc này, cả Bình Nhưỡng và Washington đều khẳng định, hai nước có lợi ích chung trong việc bảo đảm hòa bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên; củng cố mối quan hệ song phương và thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa thông qua đối thoại, đàm phán.
Iran: Sản xuất vũ khí hạt nhân là “một tội lỗi lớn”
Trước khi Triều Tiên tuyên bố tạm ngừng chương trình hạt nhân đúng một ngày (tức là vào ngày 28/2), Iran đã lên tiếng kêu gọi tiến hành nhiều hơn nữa các cuộc đàm phán với IAEA đồng thời lên án việc sản xuất vũ khí nguyên tử là “một tội lỗi lớn”.
Iran khẳng định chương trình hạt nhân của nước này là vì mục đích hòa bình nhưng các cuộc đàm phán với IAEA đã bị rơi vào bế tắc và phương Tây vẫn không ngừng lo ngại về khả năng quân sự hóa trong các hoạt động hạt nhân của Tehran.
Phát biểu tại Hội nghị Giải trừ Vũ khí ở Geneva, Ngoại trưởng Iran Ali Akbar Salehi cho biết: ông mong đợi các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục diễn ra và rằng ông này lạc quan về viễn cảnh mọi việc sẽ diễn ra theo đúng hướng.
"Tôi muốn tái khẳng định, chúng tôi chẳng thấy có gì là vẻ vang, tự hào hay sức mạnh, quyền lực gì trong việc có được vũ khí hạt nhân. Việc sản xuất loại vũ khí này sẽ đi ngược lại với sắc lệnh tôn giáo do Lãnh tụ tối cao của chúng tôi đưa ra. Theo đó, việc sản xuất, sở hữu, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân đều là bất hợp pháp, vô ích, có hại, nguy hiểm và bị cấm kị bởi nó là một tội lỗi lớn”, ông Salehi phát biểu.
Trong khi tuyên bố hạt nhân của Triều Tiên được các cường quốc hoan nghênh nhiệt thành dù vẫn vấp phải một chút ít hoài nghi thì những phát biểu của Ngoại trưởng Iran đã bị Mỹ thẳng thức bác bỏ.
Bà Laura Kennedy, đại diện của Mỹ tại Hội nghị Giải trừ Vũ khí, cho rằng, những phát biểu của ông Salehi “hoàn toàn đối ngược với việc Iran không tuân theo các nghĩa vụ quốc tế liên quan đến chương trình hạt nhân”.
"Thực sự, Iran đang đi ngược lại những gì họ nói bằng cách mở rộng năng lực làm giàu uranium lên cấp độ tinh khiết gần 20% đồng thời tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động liên quan đến nước nặng và làm giàu uranium. Tất cả đều là những hành động vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”, bà Kennedy nhấn mạnh.
Iran và Triều Tiên từ lâu nay vẫn được đánh giá là hai trong số những điểm nóng nhất của thế giới do chương trình hạt nhân của họ. Các cường quốc phương Tây do Mỹ dẫn đầu liên tục gây sức ép buộc Iran và Triều Tiên phải từ bỏ chương trình hạt nhân của mình. Tuy nhiên, những sức ép của phương Tây trong suốt thời gian dài qua dường như vô hiệu đối với cả Tehran và Bình Nhưỡng. Với diễn biến mới nhất trong hai ngày qua, nhiều người tự hỏi, liệu có phải Iran và Triều Tiên đã khuất phục trước những áp lực của phương Tây. Trên thực tế thì không phải như vậy. Bình Nhưỡng và Tehran vẫn giữ đúng quan điểm của họ. Bình Nhưỡng sẵn sàng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân với một số điều kiện nhất định trong khi Tehran vẫn quyết theo đuổi quyền phát triển hạt nhân vì mục đích dân sự của nước này.
Kiệt Linh -
(theo AFP, Reuters, RIA, THX)
Ý kiến bạn đọc