(VnMedia) - Hội nghị khu vực Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 31 của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) sáng thứ 2 (12/3) đã khai mạc tại Hà Nội. Mối quan hệ giữa giá lương thực tăng và không ổn định; an ninh lương thực, đói nghèo và cạn kiệt tài nguyên sẽ là mối quan tâm chính hội nghị lần này.
Hội nghị có sự tham gia của các Bộ trưởng nông nghiệp, các quan chức cấp cao và đại diện tổ chức xã hội từ 40 quốc gia trong khu vực.
Theo FAO, chỉ số giá lương thực thế giới tháng trước lại tăng gần một 1%, đây là lần tăng đầu tiên trong vòng sáu tháng qua. FAO và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự đoán rằng giá cả hàng hóa chủ lực của thế giới sẽ tăng mạnh vào cuối thập kỷ này: giá gạo được dự báo tăng 40%, ngô 48%, lúa mì 27 % và hạt giống 36%.
Khu vực châu Á-Thái Bình Dương là nơi có 578 triệu người bị đói và suy dinh dưỡng, chiếm 62% tổng số 925 triệu người nghèo đói của thế giới. Dân số ngày càng tăng, lượng đất canh tác ít ỏi còn lại ở châu Á, và giá dầu thô tăng cao như hiện nay, có thể tác động nghiêm trọng đến tình trạng suy dinh dưỡng, đói nghèo ở Châu Á. Thêm vào đó những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tiếp tục gia tăng mối nguy hiểm tiềm năng đối với an ninh lương thực, ổn định xã hội và chính trị.
FAO cũng cho rằng tăng trưởng bền vững trong sản xuất nông nghiệp và thúc đẩy tiếp cận lương thực của người nghèo là những chiến lược song song có thể giải quyết những vấn đề này.
Giám đốc khu vực của FAO Hiroyuki Konuma cho biết cần phải sản xuất nhiều lương thực hơn tại châu Á-Thái Bình Dương để phục vụ số dân ngày càng tăng trong khu vực. Nguồn cung cấp dồi dào và sẵn có các loại thực phẩm bổ dưỡng và an toàn kết hợp với nhận thức về dinh dưỡng và giáo dục sẽ tăng cường an ninh lương thực.
Hiện nay các chính phủ và đối tác quốc tế đang giảm hỗ trợ và đầu tư dành cho nông nghiệp. Chính vì vậy việc kêu gọi vận động gia tăng đầu tư trong nông nghiệp và an ninh lương thực cũng là một vấn đề rất được quan tâm tại hội nghị lần này.
Lệ Quyên
Ý kiến bạn đọc