(VnMedia) - Mỹ đang ấp ủ kế hoạch thiết lập hệ thống lá chắn tên lửa đối phó với các tên lửa đạn đạo ở khu vực Châu Á. Hệ thống này sẽ giống tương tự với hệ thống ở Châu Âu, một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc hôm qua (26/3) đã tiết lộ như vậy.
Mỹ được cho là đang thúc đẩy kế hoạch triển khai hệ thống lá chắn tên lửa ở Châu Á. Nước này đã và đang tiến hành song song hai cơ chế đối thoại ba bên gồm Mỹ-Nhật Bản-Australia và Mỹ-Nhật Bản-Hàn Quốc nhằm bàn bạc về việc triển khai các lá chắn tên lửa ở đây, bà Madelyn Creedon, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về các vấn đề chiến lược toàn cầu, cho biết.
Những lá chắn tên lửa như trên sẽ giúp các nước láng giềng đối phó với mối đe doạ từ Iran và Triều Tiên, đồng thời giúp bảo vệ Mỹ khỏi bất kỳ tên lửa tầm xa nào trong tương lai mà hai nước Triều Tiên, Iran có thể phát triển được, bà Creedon đã nói như vậy tại một hội nghị do Cơ quan Phát triển Tên lửa của Lầu Năm Góc tổ chức.
Mô hình hệ thống phòng thủ tên lửa ở Châu Á sẽ giống tương tự với lá chắn tên lửa mà Mỹ đang định dựng lên ở Châu Âu. Theo kế hoạch, lá chắn tên lửa của Mỹ ở Châu Âu sẽ bao gồm các tên lửa đánh chặn ở Ba Lan và Rumani, một hệ thống radar ở Thổ Nhĩ Kỳ và một loạt tàu khu trục được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân Aegis ở Tây Ban Nha.
Các kế hoạch thiết lập lá chắn tên lửa của Mỹ nói trên có thể sẽ khiến quan hệ giữa cường quốc số 1 thế giới với Nga và Trung Quốc trở nên phức tạp bởi cả hai nước này đều lo ngại những hệ thống lá chắn tên lửa như thế sẽ làm phương hại đến an ninh của họ. Bất chấp việc Washington liên tục khẳng định, các hệ thống lá chắn tên lửa của họ được thiết kế chỉ nhằm đối với với những nước như Iran và Triều Tiên, nỗi lo ngại của Nga và Trung Quốc không hề giảm đi chút nào.
Moscow lo ngại, sau những lần được nâng cấp như kế hoạch được đặt ra, lá chắn tên lửa của Mỹ ở Châu Âu đến năm 2020 có thể sẽ đủ mạnh để làm phương hại đến lực lượng răn đe hạt nhân của Nga. Nga đe doạ sẽ triển khai các tên lửa chiến thuật để đối phó với lá chắn tên lửa Mỹ.
Trung Quốc có thể sẽ phản ứng mạnh hơn Nga đối với kế hoạch thiết lập lá chắn tên lửa của Mỹ ở khu vực sân sau của nước này, ông Riki Ellison, một người ủng hộ mạnh mẽ các kế hoạch lá chắn tên lửa của Mỹ và có mối quan hệ thân thiết với các quan chức trong Lầu Năm Góc, cho biết.
Bắc Kinh “sẽ tấn công kế hoạch lá chắn tên lửa của Mỹ ở Châu Á mạnh mẽ và quyết liệt hơn phản ứng của Nga với kế hoạch lá chắn tên lửa ở Châu Âu”. Chính vì thế, ông Ellison tin rằng, kế hoạch thiết lập lá chắn tên lửa của Mỹ ở Châu Á chỉ là một ý tưởng hay về mặt lý thuyết nhưng chắc chắn sẽ gặp nhiều vấn đề rắc rối trên thực tế.
Phản ứng cứng rắn của Trung Quốc đối với kế hoạch lá chắn tên lửa của Mỹ ở Châu Á là điều hoàn toàn dễ hiểu bởi quan hệ giữa hai siêu cường này gần đây đã “cơm không lành canh không ngọt” vì những hoạt động “dương oai diễu võ” của Mỹ ở Châu Á trong thời gian vừa qua.
Bắt đầu từ cuối năm ngoái, Mỹ bắt đầu thực hiện một loạt bước đi để thể hiện mong muốn quay trở lại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của nước này, trong đó có rất nhiều động thái quân sự. Nổi bật là Tổng thống Obama trong chuyến thăm Australia hồi năm ngoái đã chính thức thông báo kế hoạch triển khai hàng nghìn quân đến xứ sở chuột túi trong vài năm tới. Cũng vào thời điểm đó, Ngoại trưởng Hillary trong khi ở thăm Philippines đã cam kết sẽ bảo vệ nước này trong một cuộc tranh chấp lãnh hải ở khu vực. Cam kết này rõ ràng ám chỉ đến Trung Quốc bởi giữa nước này với Philippines đang có cuộc tranh chấp lãnh hải ở khu vực Biển Đông. Mỹ còn tuyên bố sẽ triển khai một loạt tàu chiến đến Singapore, Thái Lan, Philippine...
Trung Quốc tin rằng, những động thái trên của Mỹ là nhằm bao vây, kiềm chế nước này. Vì thế, quan hệ giữa hai siêu cường Mỹ-Trung đang từ trạng thái hợp tác suôn sẻ chuyển thành đối đầu gay gắt với nhau.
Ngoài các kế hoạch lá chắn tên lửa ở Châu Âu, Châu Á, Washington còn có ý định dựng lên một hệ thống “chia sẻ thông tin và tăng tính tương tác” giữa các nước thành viên của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh gồm Ả-rập Xê-út, Kuwait, Bahrain, Qatar, Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất và Oman khi những nước này có được khả năng phòng thủ tên lửa lớn hơn.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc