(VnMedia) - Ngay sau khi CHDCND Triều Tiên công bố thông tin về kế hoạch phóng một tên lửa tầm xa đưa vệ tinh vào vũ đạo trong tháng 4 tới, các nước đã nhanh chóng có phản ứng trước động thái mà họ xem là rất đáng lo ngại này.
>>Triều Tiên phóng tên lửa tầm xa, thách thức cường quốc
Hàn Quốc là một trong những nước có phản ứng nhanh nhất với thông báo của Triều Tiên. Seoul tuyên bố, việc Bình Nhưỡng phóng tên lửa tầm xa đưa vệ tinh vào quỹ đạo trong tháng 4 tới là một hành động vi phạm nghiêm trọng nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc được thông qua sau vụ thử tên lửa năm 2009 của Triều Tiên. Hàn Quốc cho rằng, vụ phóng tên lửa sắp tới là một mối đe doạ đối với an ninh khu vực.
"Nếu Triều Tiên thực sự phóng vệ tinh như nước này thông báo, đó sẽ là hành động vi phạm trắng trợn Nghị quyết 1874 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Nghị quyết này đã cấm Triều Tiên thực hiện mọi vụ phóng sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo", Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết trong một tuyên bố đưa ra ngày hôm nay (16/3).
"Đó sẽ là một hành động khiêu khích nghiêm trọng, đe doạ an ninh và hoà bình trên bán đảo Triều Tiên cũng như ở khu vực Đông Bắc Á", Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết thêm.
Sau Hàn Quốc, Nhật Bản cũng nhanh chóng phản ứng với thông tin phóng vệ tinh của Triều Tiên. Một quan chức cấp cao trong Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho rằng, vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên vào tháng tới sẽ là hành động vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Vị quan chức này đã nói với hãng thông tấn Jiji rằng, Nhật Bản sẽ sớm thảo luận vấn đề này với phía Mỹ và Hàn Quốc.
Trước đó, Triều Tiên thông báo, nước này sẽ phóng tên lửa tầm xa đưa một vệ tinh lên quỹ đạo trong khoảng thời gian từ 12/4 đến 16/4 tới nhằm kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố Lãnh đạo Kim Nhật Thành.
Thông báo này được đưa ra chỉ vài tuần sau khi Bình Nhưỡng vừa đồng ý tạm ngừng các vụ thử tên lửa tầm xa để đổi lấy 240.000 tấn lương thực viện trợ từ Mỹ.
Vụ phóng tên lửa sắp tới của Triều Tiên nếu được thực hiện chắc chắn sẽ gây ra một cơn sóng gió mới trong quan hệ giữa nước này với Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Cách đây 3 năm, cũng đúng vào thời điểm tháng 4, Bình Nhưỡng từng thực hiện một vụ phóng tên lửa đưa vệ tinh vào quỹ đạo. Động thái này của Triều Tiên đã vấp phải sự lên án gay gắt của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Và ngay sau đó, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã ra một nghị quyết cấm Triều Tiên thực hiện các hoạt động hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc không tin Triều Tiên muốn phóng vệ tinh lên quỹ đạo mà họ cho rằng, đó chỉ là một vỏ bọc để nước này thử công nghệ tên lửa tầm xa. Đây là lý do khiến 3 nước trên thường phản ứng rất mạnh trước những vụ phóng vệ tinh của Bình Nhưỡng.
Triều Tiên củng cố hình ảnh quân sự?
Bình Nhưỡng được cho là đang có kế hoạch tổ chức một loạt hoạt động kỷ niệm lớn để mừng ngày sinh nhật cố Lãnh đạo Kim Nhật Thành – 15/4, trong đó có vụ phóng vệ tinh. Một số nguồn tin cho biết, giới lãnh đạo Triều Tiên có ý định nhân dịp này sẽ giới thiệu hình ảnh về Triều Tiên như một quốc gia “mạnh mẽ và thịnh vượng”.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích đưa ra lời giải thích khác cho vụ phóng vệ tinh sắp tới của Triều Tiên. Theo nhà phân tích Park Young-ho thuộc Viện Thống nhất Quốc gia Triều Tiên, “đối với thế giới bên ngoài, vụ phóng vệ tinh thực ra là một vụ thử tên lửa tầm xa. Hành động này có thể được hiểu là một phương tiện của Bình Nhưỡng nhằm gây áp lực lên Mỹ trong các cuộc đàm phán. Nó cũng là hoạt động ăn mừng ngày sinh nhật cố Lãnh đạo Kim Nhật Thành đồng thời cũng là cơ hội để giới lãnh đạo mới ở Triều Tiên kỷ niệm một thời kỳ mới”.
Tân Lãnh đạo Triều Tiên – Đại tướng Kim Jong Un đã tiếp nhận quyền lực từ người cha Kim Jong Il từ tháng 12 năm ngoái. Kể từ đó đến nay, ông này luôn thể hiện quyết tâm theo đuổi chính sách ưu tiên quân sự mà cha ông đã đề ra. Chỉ trong mấy tháng qua, Đại tướng trẻ Kim Jong Un đã nhiều lần thực hiện các chuyến đi thị sát các đơn vị quân đội và trực tiếp đến thị sát một cuộc tập trận của hải-lục-không quân.
Triều Tiên sở hữu một trong những lực lượng quân đội hùng hậu nhất thế giới. Nước này cũng sở hữu một kho tên lửa đáng nể, gồm những tên lửa tầm ngắn, tầm trung và tầm xa. Được biết, tên lửa tầm trung của Triều Tiên có thể huỷ diệt những mục tiêu ở cách xa 3.000km. Triều Tiên cũng đang phát triển tên lửa tầm xa Taepodong-2 có tầm bắn ước tính lên tới hơn 6.000km.
Ý kiến bạn đọc