(VnMedia) - Quân đội Syria hôm qua (23/2) tiếp tục bắn phá dữ dội các quận của người Hồi giáo dòng Sunni thuộc thành phố nóng bỏng Homs. Các cuộc bắn phá này đã kéo dài liên tiếp sang ngày thứ 20 bất chấp việc các cường quốc phương Tây đang ngày càng tỏ ra mất kiên nhẫn với chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad.
Một loạt xe tăng của chính phủ đã tiến sâu vào hai quận Inshaat và Baba Amro. Đây là thành trì chính của quân nổi dậy thuộc Quân đội Syria Tự do. Hai thành phố này đã phải hứng chịu các cuộc bắn phá kinh khủng nhất trong thời gian qua ở thành Homs.
Xe tăng của quân đội đã bắn cơn mưa rocket, đạn pháo và đạn súng cối vào Inshaat và Baba Amro, buộc lực lượng nổi dậy ở đây phải lui về cố thủ.
Theo người đứng đầu Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria – ông Rami Abdel Rahman cho biết: "Baba Amro cùng với nhiều khu vực thuộc quận Inshaat đã bị bắn phá dữ dội suốt từ 7h sáng ngày hôm qua. Ngoài ra, lực lượng quân đội Syria còn nã đạn súng cối liên tiếp vào khu vực quận Khaldiyeh”.
Một nhà hoạt động có tên là Hadi Abdullah từ bên trong thành phố Homs cho AFP biết: “Chúng tôi đã nghe thấy hàng loạt tiếng nổ kinh hoàng làm rung chuyển cả thành phố”.
Các đoạn băng hình do những nhà hoạt động ở Homs ghi lại được cho thấy, sau gần 3 tuần bị bao vây, bắn phá, quanq cảnh ở thành phố lớn thứ 3 Syria chẳng khác gì một bãi chiến trường với nhiều tòa nhà bị tàn phá nặng nề, những con đường vắng hoe, lạnh lẽo. Đâu đó xuất hiện các bác sĩ đang điều trị cho hàng chục nạn nhân bị thương ở những bệnh viện tạm thời.
Các cuộc bắn phá của quân chính phủ vào thành phố Homs diễn ra trong bối cảnh các cường quốc phương Tây đang rất tức giận về số người chết trong đợt cuộc tấn công ngày hôm trước leo lên hơn 80 người, trong đó có 2 nhà báo phương Tây.
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy hôm qua cáo buộc, quân chính phủ Syria đã cố tình nhằm vào các nhà báo phương Tây. Ông này cho rằng, chính quyền của Tổng thống Assad “phải ra đi” ngay lập tức.
Đáp lại, chính quyền Syria đã bác bỏ những cáo buộc cho rằng họ phải chịu trách nhiệm về cái chết của hai nhà báo phương Tây. Theo Damascus, các nhà báo đó phải tự chịu trách nhiệm về bản thân khi tự ý xâm nhập vào lãnh thổ Syria.
Viễn cảnh mờ mịt
Khi Syria tăng cường đàn áp cái mà họ gọi là những nhóm vũ trang thì cộng đồng quốc tế cũng gia tăng sức ép kinh tế và ngoại giao lên nước này. Các nhà phân tích nhận định, tình hình ở Syria dường như ngày một xấu đi và “chưa thấy có bất kỳ ánh sáng nào cuối đường hầm” cho cuộc khủng hoảng chính trị ở đất nước Trung Đông này.
Trong gần 3 tuần qua, trong khi chính phủ Syria hối hả chạy đua với thời gian để khôi phục an ninh và sự ổn định bằng cách đàn áp những nhóm được cho là có vũ trang thì phe đối lập thể hiện thái độ thách thức bằng kế hoạch tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp vào ngày 26/2 tới.
Trong khi đó, các nước ở thế giới Ả-rập cũng như phương Tây đe dọa sẽ thắt chặt các biện pháp trừng phạt về kinh tế và ngoại giao đối với Syria đồng thời hậu thuẫn cho phe đối lập nước này. Các biện pháp của họ bao gồm rút đại sứ ra khỏi Syria và tổ chức một cuộc họp quốc tế được gọi là “Bạn bè của Syria” ở Tunisia. Cuộc họp dự kiến diễn ra trong ngày hôm nay (24/2) sẽ có sự tham gia của Mỹ, các nước Châu Âu, Ả-rập, nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ của Syria và một số nước khác. Mục đích của cuộc họp này là kêu gọi Tổng thống Assad ngừng các cuộc bạo lực và từ bỏ quyền lực. Cuộc họp cũng nhằm củng cố mối đoàn kết giữa phe nhóm đối lập Syria, tạo thành một lực lượng mạnh chống lại Tổng thống Assad.
Theo các nhà phân tích, tình trạng bất ổn kéo dài 11 tháng qua ở Syria đang ngày một xấu đi vì sự can thiệp từ phía Mỹ và các nước Châu Âu, Ả-rập. Cuộc đối đầu giữa các phe nhóm, lực lượng khác nhau bên trong và bên ngoài Syria ngày càng trở nên quyết liệt. Viễn cảnh viễn cảnh tháo gỡ cuộc khủng hoảng ở Syria vì thế mà vẫn đang rất mờ mịt. Tình hình ở Syria khác hoàn toàn so với ở Libya. Trong khi phe đối lập ở Libya là một lực lượng mạnh và có tổ chức thì phe đối lập ở Syria lại lỏng lẻo, mâu thuẫn nhau. Các cuộc tấn công của phe đối lập Libya bắt đầu được tiến hành từ các thành phố rồi tiến tới thủ đô.
Hiện tại, Tổng thống Assad vẫn đang nằm quyền kiểm soát chắc chắn hai thành phố quan trọng là thủ đô Damascus và thành phố Aleppo. Ông này cũng nhận được sự ủng hộ của những người Hồi giáo dòng Shiite và những người lo ngại về khả năng người Israel lợi dụng tình hình.
Tình hình càng trở nên bi quan khi các cường quốc không thể đạt được một thỏa thuận về cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng Syria.
Liên quan đến hội nghị “Bạn bè của Syria”, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, nếu không có sự tham gia của chính phủ Syria, cuộc họp “một bên” sẽ không giúp giải quyết được bất kỳ chuyện gì.
Nga là nước ủng hộ mạnh mẽ cho một cuộc đối thoại quốc gia giữa chính phủ Syria và phe đối lập mà không cần bất kỳ điều kiện nào. Nga tuyên bố sẽ không để Syria biến thành Libya thứ hai. Còn Iran – nước đồng minh thân thiết của Syria, thì khẳng định với cách tiếp cận như hiện nay, phương Tây đừng hy vọng giải quyết cuộc khủng hoảng ở đất nước Trung Đông bởi sự ổn định ở nước này chỉ có thể đạt được thông qua đối thoại, đàm phán.
Kiệt Linh -
(tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc