Nga, Trung nổi giận với nữ Ngoại trưởng Mỹ

06:35, 28/02/2012
|

(VnMedia) - Nga và Trung Quốc hôm qua (27/2) đã đồng loạt phản ứng một cách tức giận trước những chỉ trích gần đây của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton về lập trường của 2 nước này trong vấn đề Syria.

Trong khi Trung Quốc gọi những lời lẽ lên án của bà Hillary là “không thể chấp nhận” thì Nga đả kích kịch liệt lập trường “bất cần đạo lý” của Mỹ trong vấn đề Syria.
 
Trước đó, hôm 24/2, Ngoại trưởng Hillary đã dùng những lời lẽ hết sức nặng nề để chỉ trích Nga và Trung Quốc về việc đã bác bỏ những hành động của Liên Hợp Quốc nhằm chấm dứt tình trạng đổ máu ở Syria.
 
"Thật là đau đớn khi chứng kiến hai thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc dùng quyền phủ quyết của họ trong khi những người dân ngoài kia đang bị giết hại. Nạn nhân gồm cả phụ nữ, trẻ em và những thanh niên trẻ dũng cảm. Những ngôi nhà bị phá hủy. Đó là hành động đáng khinh và tôi đang tự hỏi họ đứng về phía nào? Họ chắc chắn không đứng về phía người dân Syria", bà Hillary nói.
 
Nữ Ngoại trưởng Mỹ còn nói thêm: “Nga, Trung phải hiểu rằng, họ đang đi ngược lại với nguyện vọng không chỉ của người dân Syria mà còn của cả cuộc Cách mạng Mùa xuân Ả-rập”.
 
Phản ứng trước những lời chỉ trích trên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi đó là những phát biểu “hoàn toàn không thể chấp nhận được” trong khi một tờ báo hàng đầu của Trung Quốc cho rằng, sau chiến tranh Iraq, Washington đã trở nên “siêu ngạo mạn” khi tự nhận đại diện cho người dân Ả-rập.
 
"Đây là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được với chúng tôi. Trung Quốc luôn xác định lập trường của mình về vấn đề Syria xuất phát từ hòa bình và sự ổn định ở Trung Đông cũng như dựa trên việc bảo vệ lợi ích lâu dài và cơ bản của người dân Syria và người dân Ả-rập", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc – ông Hong Lei đã phát biểu như vậy tại một cuộc họp báo thường kỳ.
 
Trong khi đó, tờ People's Daily, tờ báo hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhận xét: “Động cơ của Mỹ đằng sau việc tự nhận mình là ‘người bảo vệ’ cho nhân dân Ả-rập không khó để hiểu. Vấn đề là họ dựa vào cơ sở đạo đức nào mà lại có thái độ kẻ cả, bề trên, tự phụ, siêu ngạo mạn và quá tự tin đến như vậy? Thậm chí bây giờ, bạo lực vẫn tiếp diễn một cách không ngừng ở Iraq và dân thường ở đất nước này vẫn không được hưởng an ninh. Riêng ví dụ ở Iraq thôi cũng đủ để chúng ta đặt một dấu chấm hỏi lớn về sự thành thật và hiệu quả của chính sách Mỹ”.
 
Về phần mình, Thủ tướng Nga Vladimir Putin đã lên án gay gắt lập trường “bất cần đạo lý” của phương Tây trong vấn đề Syria đồng thời kiên quyết bảo vệ quyết định của Moscow trong việc cùng Bắc Kinh phủ quyết hai nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về Syria.

Vị chính khách quyền lực Putin cáo buộc phương Tây “thiếu kiên nhẫn trong việc tìm kiếm một giải pháp cân bằng và thích hợp” cho vấn đề Syria. Giải pháp đó cũng phải yêu cầu cả phe đối lập ở Syria ngừng bắn, rút quân ra khỏi những điểm nóng như thành phố Homs.

Ông Putin – người có nhiều khả năng sẽ trở thành Tổng thống Nga vào tháng sau, tuyên bố sẽ không cho phép tái diễn “một kịch bản Libya” thứ hai ở Syria, nói rằng một sự can thiệp quân sự của phương Tây vào đất nước Ả-rập sẽ không mang lại nền dân chủ mà còn làm phương hại đến uy tín và quyền lực của tổ chức Liên Hợp Quốc.
 
“Rút ra được một bài học cay đắng từ Libya, chúng tôi quyết định bác bỏ nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Những nghị quyết kiểu đó có thể được hiểu là một hành động bật đèn xanh cho phương Tây can thiệp quân sự vào các tiến trình nội bộ của đất nước Syria”, ông Putin nói thêm.
 
Nhà lãnh đạo nước Nga cũng cảnh báo, việc Mỹ và các nước khác tiến đánh Syria bất chấp việc Nga và Trung Quốc đã bác bỏ nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ làm phương hại đến hệ thống an ninh toàn cầu bởi đó là hành động phủ nhận vai trò trung tâm của Liên Hợp Quốc.
 
Nga và Trung Quốc đang lập một liên minh phản đối bất kỳ hành động can thiệp nào của nước ngoài vào cuộc khủng hoảng hiện nay ở đất nước Syria. Hiện tại, Nga và Trung Quốc không thể hiện dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ ủng hộ kế hoạch đưa lực lượng gìn giữ hòa bình vào đất nước Trung Đông.

Trước đó, hồi tháng 1 và đầu tháng 2, Moscow và Bắc Kinh đã dùng quyền phủ quyết bác bỏ hai nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc kêu gọi Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ chức. Mới đây, hồi cuối tuần trước, Nga và Trung Quốc đã từ chối tham dự hội nghị quốc tế mang tên “Bạn bè của Syria”. Cuộc họp ở Tunisia với sự tham gia của các các nước phương Tây và Ả-rập là nhằm để tìm cách gây áp lực hơn nữa đối với Tổng thống Assad.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc