Iran lần đầu ra đòn trả đũa các cường quốc

07:48, 20/02/2012
|

(VnMedia) - Iran hôm qua (19/2) đã ra lệnh ngừng xuất khẩu dầu mỏ sang hai cường quốc Châu Âu là Anh và Pháp. Đây được xem là đòn trả đũa đầu tiên của Iran sau khi Liên minh Châu Âu (EU) thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với nước CH Hồi giáo.

 

Hồi tháng trước, EU đã làm Tehran nổi giận khi quyết định áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ đối với nước này bắt đầu từ ngày 1/7 tới. Iran – nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ 5 của thế giới, đã phản ứng với quyết định của EU bằng việc đe dọa sẽ đóng cửa Eo biển Hormuz – một trong những tuyến đường biển chiến lược quan trọng nhất thế giới.

 

Tuy nhiên, hôm qua, Bộ Dầu mỏ Iran đã đi một nước cờ mạnh bạo hơn khi thông báo sẽ ngừng xuất khẩu dầu mỏ sang cả Anh và Pháp.

 

"Hoạt động xuất khẩu dầu mỏ cho các công ty của Anh và Pháp sẽ bị ngừng lại. Chúng tôi sẽ bán dầu mỏ của mình cho các khách hàng mới", phát ngôn viên của Bộ Dầu mỏ Iran – ông Alireza Nikzad đã tuyên bố như vậy trên website của bộ.

 

Đòn trả đũa bất ngờ trên của Iran đã cho thấy sự thách thức của nước này với phương Tây nhưng nó chỉ có tính chất biểu tượng bởi cả Pháp và Anh đều không phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu dầu mỏ từ Iran .

 

Ủy ban Châu Âu cho biết, họ sẽ không bị thiếu dầu mỏ nếu Iran ngừng các hoạt động xuất khẩu sang khu vực bởi liên minh này có đủ nguồn dự trữ cần thiết trong khoảng 120 ngày nữa.

 

Các nguồn tin công nghiệp cũng cho hay, những nhà nhập khẩu dầu mỏ Châu Âu đã cắt giảm lớn số lượng dầu mỏ mua từ Iran nhiều tháng trước khi EU thông qua lệnh trừng phạt. Hãng Total của Pháp đã ngừng nhập khẩu dầu mỏ của Iran . Tuy nhiên, cũng có một số nước Châu Âu sẽ phải chịu hậu quả nặng nề nếu bị cắt nguồn cung cấp dầu mỏ từ nước CH Hồi giáo, trong đó có Hy Lạp.

 

Hy vọng mới

 

Song song với những hành động, lời nói thể hiện sự thách thức và quyết liệt, Iran mới đây cũng mở ra hy vọng mới trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân liên quan đến họ bằng cách bày tỏ sự sẵn sàng quay trở lại bàn đàm phán.

 

Các nước phương Tây đều đang lạc quan vui mừng trước triển vọng về những cuộc đàm phán mới với Tehran, đặc biệt là sau khi nước CH Hồi giáo gửi một bức thư cho người đứng đầu về chính sách đối ngoại của EU – bà Catherine Ashton hồi tuần trước. Trong bức thư này, Iran cam kết sẽ đưa ra “những sáng kiến mới” nhằm giải quyết cuộc đối đầu liên quan đến chương trình hạt nhân giữa họ với phương Tây.

 

"Trong những cuộc đàm phán tới, chúng tôi sẽ tìm cách giải quyết vấn đề hạt nhân hiện nay của Iran để cả hai bên đều có lợi", đài truyền hình Iran dẫn lời Ngoại trưởng Ali Akbar Salehi hôm qua cho biết.

 

Một phái đoàn gồm 5 thành viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tối qua đã bay tới Tehran để thảo luận về vấn đề đàm phán hạt nhân. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao phương Tây không dám đặt quá nhiều hy vọng về một bước đột phá lớn trong cuộc gặp kéo dài hai ngày sắp tới giữa phái đoàn IAEA với giới lãnh đạo Iran .

 

Mặc dù vậy, kết quả của các cuộc thảo luận trong tuần này rất quan trọng và nó sẽ được cộng đồng thế giới theo dõi sát sao. Kết quả cuộc gặp giữa IAEA và chính quyền Iran hoặc có thể giúp giảm căng thẳng hoặc có thể làm leo thang cuộc đối đầu giữa phương Tây với Tehran .

 

Quan hệ giữa Iran với các cường quốc phương Tây từ lâu vốn luôn ở trong trạng thái căng thẳng vì chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước CH Hồi giáo. Sự căng thẳng này bắt đầu leo lên đến gần đỉnh điểm từ hồi tháng 11 năm ngoái khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tung ra một bản báo cáo gây sốc, trong đó lần đầu tiên cơ quan này cáo buộc Tehran đang bí mật sản xuất bom nguyên tử. Thông tin gây chấn động này ngay lập tức trở thành “mồi lửa” kích cho ngọn lửa âm ỉ ở khu vực Trung Đông bùng cháy dữ dội. Ngay lập tức sau đó, tin đồn dấy lên về việc Mỹ, Anh và Israel đang lên kế hoạch tấn công Iran .


Những diễn biến căng thẳng trong quan hệ Iran-phương Tây tiếp tục diễn ra liên tiếp suốt từ cuối năm 2011 đến những ngày đầu năm 2012 này. Chưa lúc nào mà người ta lại lo ngại về sự bùng nổ của một cuộc chiến tranh ở Iran như thời điểm hiện tại.

 

Tuy nhiên, mối lo ngại về một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Iran đã giảm đi đáng kể trong mấy ngày gần đây khi các quan chức Mỹ và Châu Âu đều lên tiếng bày tỏ sự thận trọng về phương án đánh Iran . Một sĩ quan quân sự hàng đầu của Mỹ cho biết, một cuộc tấn công quân sự vào thời điểm này là quá sớm bởi vẫn chưa rõ là Tehran có sử dụng năng lực hạt nhân của mình để chế tạo bom nguyên tử hay không.

 

Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh William Hague hôm qua nhận định, sẽ là "thiếu sáng suốt" nếu Israel tấn công Iran vì chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này.

 

Ngoại trưởng Hague cho rằng nước CH Hồi giao "đang ngày càng tỏ ra thiện chí, sẵn sàng suy ngẫm nghiêm túc về các hành động phi pháp ở các khu vực khác của thế giới." Ông này cũng nhấn mạnh: "Tôi không nghĩ là khôn ngoan nếu Israel tấn công quân sự nhằm vào Iran ở thời điểm này ... Tôi cho rằng Israel, cũng như bất kỳ nước nào trên thế giới này, nên tạo cơ hội thực sự cho đường hướng mà chúng ta đã thông qua, đó là các lệnh trừng phạt kinh tế cứng rắn và tăng cường sức ép ngoại giao, đồng thời tỏ rõ tinh thần sẵn sàng đàm phán với Iran."


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc