Hải quân Mỹ sợ vũ khí gì của Iran?

08:40, 18/02/2012
|

(VnMedia) - Khu vực vùng Vịnh “căng như dây đàn” khi tàu tuần tra Iran bám đuổi tàu chiến USS Abraham Lincoln của Mỹ ở tốc độ cao. Ngay sau đó, một chiếc trực thăng hộ tống của Mỹ bay vè vè trên chiếc tàu của Iran và cảnh báo nó không được tiến lại gần. Chiếc tàu tuần tra màu xám, nhỏ hơn rất nhiều so với tàu sân bay Mỹ, cuối cùng đã quay đầu trở lại.
 
Vụ “đụng độ” kiểu như trên giữa tàu Mỹ và tàu Iran liên tục xảy ra trong những tuần gần đây, khiến cho khu vực vùng Vịnh vốn đã nóng lại càng trở nên nóng bỏng hơn.
 
Tàu chiến Mỹ và Iran bám đuổi, theo dõi lẫn nhau khi họ cùng tuần tra khu vực vùng Vịnh trong một cuộc đối đầu liên quan đến chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran. Những diễn biến căng thẳng này làm nhiều người lo sợ có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh.
 
"Tôi theo dõi tàu thuyền Iran cả buổi sáng, buổi trưa và đêm tối. Tôi coi lời đe dọa đóng cửa Eo biển Hormuz của Hải quân Iran là rất nghiêm túc", Chỉ huy lực lượng Hải quân Mỹ ở vùng Vịnh – Phó Đô đốc Mark Fox đã cho biết như vậy tại một cuộc họp báo ở Bahrain hồi đầu tuần này.
 
Hạm đội có tên gọi “Nhóm Tàu sân bay tấn công 9” của Mỹ đã đi qua Eo biển Hormuz bất chấp những lời đe dọa trước đó của Tehran.
 
Chuyến đi 10 ngày qua eo biển Hormuz bắt đầu từ hôm 14/2 là chuyến đi thứ hai của Hạm đội trên đến khu vực trong vòng 2 tháng qua. Theo các quan chức Mỹ cho biết, việc tàu sân bay Mỹ thường xuyên, liên tục đi qua Eo biển Hormuz được thực hiện trên cơ sở là sự cần thiết bởi Hải quân Mỹ đang cố gắng tránh “làm leo thang sự thù địch hay hiểu lầm” từ các hoạt động của họ ở vùng Vịnh.
 
Với 4 chiếc trực thăng bay lượn trên đầu và hai chiếc tàu khu trục dẫn đường, tàu sân bay khổng lồ USS Abraham Lincoln của Mỹ đã đi qua Eo biển Hormuz trong khi ở trên đài quan sát của tàu, khoảng 7 sĩ quan chỉ huy Hải quân, quan chức tình báo và chuyên gia luật pháp cấp cao đang tụ họp trong một phòng nhỏ. Họ theo dõi mọi diễn biến ở vùng Vịnh một cách chăm chú. Chỉ huy hạm đội – Chuẩn Đô đốc Troy Shoemaker phát hiện hai chiếc tàu nhỏ được cho là của những kẻ buôn lậu đang bị những con sóng lớn che lấp.
 
"Mọi việc diễn ra tương đối lặng lẽ. Chúng tôi có một số máy bay do thám, một trực thăng và máy bay không người lái nhưng không có chuyện gì xảy ra trên mặt nước”, ông Shoemaker cho biết, ám chỉ đến hoạt động từ phía Iran.
 
Vị trí địa lý của Eo biển Hormuz – nơi một phần 3 lượng cung cấp dầu mỏ của thế giới đi qua đây, là một thách thức đối với hạm đội có quy mô lớn của Mỹ.
 
Eo biển Hormuz chỉ rộng có 34km ở điểm hẹp nhất của tuyến đường này và khi đi qua Eo biển này, tàu sân bay Mỹ nằm trong tầm bắn của hệ thống phòng vệ tên lửa bờ biển của Hải quân Iran.
 
Cách đây hơn một tháng, Iran đã cảnh báo tàu sân bay USS John C. Stennis của Mỹ không được quay trở lại Vùng Vịnh sau khi nó đi qua Eo biển Hormuz. Tuy nhiên, lời cảnh báo này đã không ngăn cản được tàu USS Abraham Lincoln đi qua tuyến đường biển quan trọng này.
 
Hải quân Mỹ sợ vũ khí gì của Iran?
 
Các chuyên gia quân sự đều đánh giá, Hạm đội thứ 5 của Mỹ đang tuần tra khu vực Vùng Vịnh có hỏa lực áp đảo so với Hải quân Iran. Hạm đội này luôn có ít nhất một siêu tàu sân bay khổng lồ được hộ tống bởi hàng chục máy bay, một hạm đội tàu khu trục và tàu hộ tống.
 
Tuy nhiên, chính những chiếc tàu thuyền nhỏ của Iran lại làm Hải quân Mỹ lo sợ và dè chừng nhất. Phó Đô đốc Fox hồi tuần trước cho biết, Iran đã củng cố lực lượng Hải quân ở vùng Vịnh và đang chuẩn bị những chiếc tàu thuyền có thể được sử dụng trong các cuộc tấn công tự sát.
 
Iran được cho là đã tăng số lượng tàu thuyền nhỏ đóng tại Eo biển Hormuz và những khu vực quanh quần đảo vùng Vịnh. Một số tàu thuyền này có khả năng mang theo cả tên lửa và rocket.

Mặc dù vậy, Mỹ vẫn tỏ ra hết sức tự tin với sức mạnh của Hải quân nước này.
 
5.000 thủy thủ sống trên tàu sân bay cao 20 tầng USS Abraham Lincoln. 15-20 nghìn bữa ăn được chuẩn bị hàng ngày với hàng trăm kg rau, quả, thịt được tiêu thụ mỗi ngày. Đối với nhiều thủy thủ Mỹ, họ không chú ý quá nhiều đến lời đe dọa của Iran. Họ hiểu nhiệm vụ của mình theo một nghĩa đơn giản hơn.
 
"Chúng tôi muốn những chuyến hàng dầu mỏ đến được nơi mà nó cần đến. Chúng tôi muốn mọi người trong khu vực có thể mua được những sản phẩm từ Châu Âu, Mỹ và các khu vực khác trên thế giới", phi công Matt Driskill, 33 tuổi, cho biết.
 
Một ngày sau khi tàu Lincoln đi qua Eo biển Hormuz, không khí trên tàu đã trở nên bớt căng thẳng hơn rất nhiều.
 
Những chiếc máy bay chiến đấu trong tư thế sẵn sàng trên bong tàu trong suốt 24 giờ qua với mũi máy bay hướng đúng về phía Iran để có thể cất cánh trong vòng 15  phút đã được xếp ngay ngắn trở lại. Chỉ huy tàu cho biết, hoạt động này thường xuyên diễn ra mỗi lần hạm đội chuẩn bị đi qua Eo biển. Tuy nhiên, ông này thừa nhận, đó có thể được xem là một hành động phô trương lực lượng.
 
Tuy nhiên, nếu Iran tấn công, Mỹ sẵn sàng đáp trả, ông Shoemaker nhấn mạnh.
 
"Rất có thể họ sẽ hành động để đóng cửa Eo biển Hormuz như đã đe dọa nhưng chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cho điều đó. Chúng tôi có thừa khả năng để đối phó, đáp trả nếu viễn cảnh này xảy ra”, ông Shoemaker nói thêm.
 
Quan hệ giữa Iran với Mỹ từ lâu vốn luôn ở trong trạng thái căng như dây đàn, lúc nào cũng như sắp sửa rơi vào miệng hố chiến tranh, chỉ bởi vì chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran. Tuy nhiên, mối quan hệ căng thẳng này bắt đầu leo lên đến gần đỉnh điểm vào hồi tháng 11 năm ngoái khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tung ra một bản báo cáo gây sốc, trong đó lần đầu tiên cơ quan này cáo buộc Tehran đang bí mật sản xuất bom nguyên tử. Ngay sau đó, tin đồn đã dấy lên về việc Mỹ, Anh và Israel đang lên kế hoạch tấn công Iran. Các cường quốc cũng tăng cường sức ép bằng các biện pháp trừng phạt lên Iran, trong đó có lệnh cấm vận dầu mỏ. Đáp lại, Tehran tuyên bố sẽ trả đũa bằng cách đóng cửa Eo biển Hormuz – một trong những tuyến đường biển chiến lược quan trọng nhất thế giới.


Kiệt Linh - (theo Reuters, AFP)

Ý kiến bạn đọc