4 lý do NATO chưa nổ súng đánh Syria

17:19, 19/02/2012
|

(VnMedia) - Trong bối cảnh nhiều nước phương Tây đang sôi sục và tỏ ra dần mất kiên nhẫn với chính quyền của Tổng thống Al-assad và khi nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ đang đặt “mọi giải pháp” (trong đó có cả giải pháp quân sự) lên bàn để cân nhắc nhằm giải quyết những bất ổn đang tồn đọng ở Syria, nhiều người đã đặt ra một câu hỏi rằng: Liệu có lặp lại một Libya thứ hai ở Syria?

 

Washington , hôm thứ Ba tuần trước, Thượng nghị sỹ John McCain cho rằng Mỹ “cần xem xét mọi lựa chọn trong đó có cả việc vũ trang cho phe nổi dậy để chấm dứt tình trạng dân thường bị đàn áp ở Syria ”.

 

Trong khi đó, nhiều quốc gia đặc biệt là các quốc gia Ả-Rập đã đưa ra các biện pháp ngoại giao cứng rắn khi đồng loạt rút các nhà ngoại giao của nước mình ở Syria về nước, đồng thời trục xuất các đại sứ cũng như nhân viên ngoại giao của Syria ra khỏi đất nước mình.

 

Một loạt các biện pháp trừng trị mạnh tay cũng đã giáng xuống chính quyền của Tổng thống al-Assad nhưng dường như cũng chẳng phát huy tác dụng đối với một quốc gia không hề lệ thuộc vào nền thương mại quốc tế để “sống sót” như Syria.

 

So sánh với tình hình ở Libya khoảng gần 1 năm về trước thì tình thế ở Syria có nhiều khác biệt. Và bởi vậy, một kịch bản như ở Libya khó có thể lặp lại ở Syria .

 

Tình thế khác biệt

 

Chúng ta có thể nhận thấy rằng khi Tổng thống Libya lúc ấy là Đại tá Muammar Gaddafi đang có ý định mở một cuộc tấn công nhằm vào xào huyệt của phe nổi dậy ở Benghazi, thì các cường quốc trên thế giới đã “quy tập lại” dưới cái ô là Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc để thông qua một nghị quyết cho phép mở chiến dịch can thiệp quân sự quốc tế nhằm ngăn chặn tình trạng đổ máu ở Libya.

 

Khi ấy, Pháp và Anh là hai quốc gia đưa ra đề xuất thông qua Nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc dưới sự ủng hộ nhiệt tình của Mỹ.

 

Với tỷ số 10 phiếu thuận – 0 phiếu chống, 5 phiếu trắng, nghị quyết 1973 được thông qua nhanh chóng, và một ngày hôm sau, liên quân dưới sự chỉ đạo của Anh, Pháp, Mỹ,… và thế giới A- Rập thiết lập vùng cấm bay bằng máy bay hiện đại và tên lửa hành trình Tomahawk, khai hỏa cho một chiến dịch quân sự khốc liệt kéo dài hơn 6 tháng ở quốc gia Bắc Phi này.

 

Hai quốc gia bỏ phiếu trắng khi ấy chính là Nga và Trung Quốc.

 

Tuy nhiên, trở về với thực tại cuộc bất ổn ở Syria hiện nay, Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc đã không thể thông qua một nghị quyết gây sức ép đối với Tổng thống al-Assad khi không thể đạt được sự đồng thuận của tất cả các nước thành viên.

 

Lần này, hai quốc gia sử dụng quyền phủ quyết đối với nghị quyết này, không ai khác vẫn là Nga và Trung Quốc.

 

Như vậy, các quan chức NATO cũng có thể thấy rõ rằng khối liên minh quân sự này sẽ không thể hành động theo kiểu quân sự, ví như thiết lập một vùng cấm bay như ở Libya với Syria nếu không có “ô dù” của Liên Hợp quốc.

 

Bên cạnh đó, ngay cả khi không xét đến yếu tố “đồng thuận quốc tế” thì cũng có nhiều lý do cho thấy một cuộc chiến tương tự ở Libya sẽ vấp phải nhiều trắc trở nếu nó xảy ra ở Syria .

 

Địa lý và sức mạnh quân sự

 

Ta có thể thấy hầu hết các mục tiêu chính phủ ở Libya đều nằm gần bở biển Địa Trung Hải, quá dễ để lực lượng quân sự của NATO đóng tại các căn cứ không quân ở Italia “với tới”.

 

Ấy thế mà, các oanh tạc cơ của NATO cũng phải thực hiện tới 21.000 cuộc không kích trong vòng hơn 6 tháng mới thiết lập được vùng cấm bay, và phá hủy được các trung tâm chỉ huy của Libya.

 

Trong khi đó, so sánh về sức mạnh quân sự, thì quân đội Syria được trang bị những loại vũ khí “khủng” hơn nhiều so với những loại vũ khí đã lỗi thời có từ thời Xô-Viết cũ mà chính phủ Libya khi đó sở hữu.

 

Các quốc gia láng giềng

 

Sẽ có rất ít quốc gia láng giềng của Syria chấp nhận cho NATO sử dụng lãnh thổ của mình làm “bàn đạp” để tấn công Syria .

 

Tiếp giáp Syria là các quốc gia như Iraq, Li-băng, Palestine, các quốc gia vốn đang đau đầu về tình trạng bất ổn, bạo lực phe phái chính trong đất nước của mình, vì vậy, việc họ không tiếp tay cho NATO sử dụng lãnh thổ của mình để tấn công Syria là một điều không khó hình dung.

 

Đấy là chưa kể tới việc lực lượng chiến binh Hezbollah, liên minh thân cận của Syria vẫn có tầm ảnh hưởng rất lớn ở Li-băng.
 

Cận kề Syria còn có Jordan . Tuy nhiên, sự hiện diện của quân đội nước ngoài trên lãnh thổ của Jordan có thể sẽ gây hậu quả khó lường cho nhà nước quân chủ lập hiến vốn cũng đang phải đối mặt với quá nhiều bất ổn trong nước này.

 

Còn sử dụng lãnh thổ Israel làm bàn đạp cho chiến dịch quân sự nhằm vào Syria, có thể sẽ gây tác động “trái chiều” khi nhiều quốc gia hiểu nhầm về mục đích thực sự của NATO.

 

Chỉ còn lại Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO, quốc gia đã gần như mất hẳn kiên nhẫn với Tổng thống al-Assad.

 

Hồi tháng trước, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ đã so sánh Tổng thống Syria với cựu Tổng thống Serbian – Slobodan Milosevic. Và mới hôm thứ 3 vừa qua, Thủ tướng nước này – ông Recep Tayyip Erdogan cảnh báo ông al-Assad rằng: “Gieo gió ắt sẽ gặp bão”.

 

Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều căn cứ quân sự gần biên giới với Syria , vị trí lý tưởng cho một chiến dịch quân sự nhằm vào Syria .

 

Tuy nhiên, ngay dù vậy, đối với Thổ Nhĩ Kỳ, việc cho phép NATO sử dụng lãnh thổ của mình làm “bàn đạp” cũng sẽ gặp nhiều rủi ro, trong đó có việc dòng người tị nạn sẽ “mượn gió bẻ măng” ồ ạt tiền vào Thổ Nhĩ Kỳ. Đấy là còn chưa kể đến việc để trả đũa, Damascus sẽ tiếp tay cho các nhóm khủng bố người Kurd hoạt động “thả phanh” ở Thổ Nhĩ Kỳ.

 

Địa hình hiểm trở

 

Trong khi Libya là một vùng sa mạc bằng phẳng, thì địa hình ở Syria lại hiểm trở hơn rất nhiều.

 

Phần lớn các đường biên giới phía bắc của Syria với Thổ Nhĩ Kỳ và Li-băng đều là những khu vực núi non hiểm trở với rất ít những tuyến đường lớn. Bởi vậy, đưa quân và yểm trợ vào Syria sẽ trở thành một cơn ác mộng kinh hoàng đối với NATO.


Đan Khanh

Ý kiến bạn đọc