Mỹ, Hàn lo sợ sức mạnh quân đội Triều Tiên

15:06, 04/01/2012
|

(VnMedia) - Các nhà phân tích Hàn Quốc tin rằng, quân đội Triều Tiên ngày càng trở nên hùng mạnh hơn dù nền kinh tế nước này đang gặp khó khăn.
 
Chỉ chưa đầy hai tuần sau khi tiếp nhận quyền lực từ tay cha, tân Lãnh đạo Kim Jong Un đã tuyên bố, một trong những ưu tiên hàng đầu của Triều Tiên là tiếp tục phát triển quân đội.
 
Viện Nghiên cứu Kinh tế Triều Tiên có trụ sở ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc, cho biết trong một bản báo cáo rằng, quân số trong lực lượng quân đội Triều Tiên năm 2011 đã lên 1,02 triệu người. Đây là một trong những lực lượng quân đội đông nhất thế giới. Ngoài ra, Bình Nhưỡng còn sở hữu một con số kỷ lục xe tăng, tàu chiến và hệ thống pháo phòng không.
 
"Có một thực tế đáng lo ngại là, nếu nói sức mạnh quân đội Triều Tiên hiện giờ đang mạnh hơn Hàn Quốc thì hoàn toàn không có gì sai. Kết luận này được đưa ra dựa trên những con số được cập nhất mới nhất từ năm 2011", Viện Nghiên cứu Kinh tế Triều Tiên cho biết.
 
Mặc dù Triều Tiên hiện nay sở hữu ít máy bay chiến đấu hơn so với năm 1986 nhưng Lực lượng Không quân nước này đã được củng cố năng lực chiến đấu bằng những chiếc máy bay chiến đấu hàng đầu MiG-29 từ những năm 1990, Viện Nghiên cứu Kinh tế Triều Tiên cho hay. Cũng theo viện này, số lượng tàu ngầm của Bình Nhưỡng trong thời gian qua cũng tăng đáng kể.
 
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, hầu hết các phương tiện chiến đấu trên mặt đất của Triều Tiên hiện giờ đã cũ kỹ và tình trạng thiếu nhiên liệu khiến cho nước này khó có khả năng duy trì bất kỳ một chiến dịch quân sự nào lâu dài.
 
Dù vậy, quân đội Hàn Quốc được cho là đang thua kém quân đội Triều Tiên về nhiều mặt. Riêng về quân số, các lực lượng vũ trang Hàn Quốc hiện giờ chỉ có khoảng 700.000 người. Dù có được bổ sung thêm 28.000 quân Mỹ đang đóng tại Hàn Quốc thì số quân của Hàn Quốc vẫn còn thua xa Triều Tiên.

Ngoài ra, Triều Tiên còn đang đạt được những bước tiến vững chắc trên con đường sản xuất vũ khí hạt nhân và tên lửa.
 
Triều Tiên hiện đang trong quá trình chuyển giao quyền lực sau khi Chủ tịch Kim Jong Il từ trần hôm 17/12/2011. Bình Nhưỡng đã tuyên bố Đại tướng Kim Jong Un là “người kế nhiệm vĩ đại” của Chủ tịch Kim. Nhiều nước, đặc biệt là phương Tây và Hàn Quốc, dưới sự lãnh đạo của Đại tướng Kim Jong Un, mối quan hệ căng thẳng liên Triều sẽ dịu bớt đi. Tuy nhiên, điều mong đợi này cho đến nay vẫn chưa thành hiện thực.
 
Chính quyền mới ở Triều Tiên tuyên bố sẽ không thay đổi chính sách cũng như sẽ không giao thiệp với giới lãnh đạo bảo thủ hiện nay ở Hàn Quốc.
 
Mỹ, Hàn lo đối phó với Triều Tiên
 
Trước diễn biến như trên, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hôm qua (3/1) cho biết, nước này sẽ ký một kế hoạch hành động chung với Washington trong tháng này nhằm đối phó với khả năng xảy ra một cuộc tấn công từ phía Triều Tiên. Đây là kế hoạch đã được hai nước thống nhất từ hồi tháng 10 năm ngoái. Kế hoạch này sẽ bao gồm nhiều cuộc tập trận chung hơn giữa hai nước.
 
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, động thái trên là một phần nỗ lực của nước này nhằm đề cao cảnh giác trước các mối đe dọa từ phía Triều Tiên.
 
"Mối đe dọa về sự khiêu khích của Triều Tiên vẫn còn nguyên khi Đại tướng Kim Jong Un lên cầm quyền. Quân đội chúng tôi sẽ tiêu diệt ý chí gây hấn của kẻ thù bằng cách đáp trả một cách đầy đủ nguồn gốc của mối đe dọa và bất kỳ yếu tố hỗ trợ nào cho đến khi mối đe dọa từ kẻ thù bị xóa sổ hoàn toàn", Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã viết như vậy trong một bản báo cáo gửi cho Tổng thống.
 
Triều Tiên và Hàn Quốc về mặt lý thuyết vẫn đang có chiến tranh với nhau vì cuộc Chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1953 mới chỉ kết thúc bằng một hiệp định ngừng bắn chứ chưa phải là một hiệp định hòa bình.
 
Quan hệ liên Triều từ lâu vốn đã lên xuống thất thường, tuy nhiên, mối quan hệ này bắt đầu leo thang căng thẳng một cách trầm trọng từ tháng 3 năm 2010 khi một tàu chiến của Hàn Quốc bị chìm ở biển Hoàng Hải khiến 46 thủy thủ thiệt mạng. Seoul đổ lỗi cho tàu ngầm Triều Tiên đã phóng ngư lôi đánh chìm tàu của họ, gây ra thảm họa hàng hải lớn nhất trong lịch sử nước này. Dù Bình Nhưỡng đã liên tục bác bỏ cáo buộc đó nhưng Seoul cùng với đồng minh Washington vẫn tung ra một loạt biện pháp trả đũa Triều Tiên.
 
Ngọn lửa căng thẳng giữa Triều Tiên-Hàn Quốc tiếp tục được đốt nóng hơn khi vào tháng 11 cùng năm đó, các binh lính Triều Tiên đã nã hàng chục quả đạn pháo vào một hòn đảo gần biên giới hai nước, làm 4 người chết.
 
Mới đây nhất, hồi cuối tháng 5 năm ngoái, Bình Nhưỡng tuyên bố không quan hệ với chính phủ của Tổng thống Lee Myung-bak và sẽ cắt một số đường liên lạc về quân sự ở bán đảo Triều Tiên.


Kiệt Linh - (theo AP, AFP)

Ý kiến bạn đọc