Kim Jong Un hay Putin, ai "nổi" hơn ai?

06:13, 27/01/2012
|

(VnMedia) - Năm 2012 sẽ là năm đặc biệt của nhiều chính khách thế giới. Một số gương mặt mới sẽ lộ diện. Một số gương mặt vừa nổi lên năm 2011 sẽ có dịp chứng tỏ bản thân trong năm mới. Trong khi đó, những gương mặt cũ sẽ phải tự thay đổi mình theo hướng mới nếu muốn tiếp tục duy trì vị thế của mình.
 
Theo dự đoán, trong năm 2012, những chính khách thu hút sự quan tâm của dư luận nhiều nhất sẽ là Thủ tướng Vladimir Putin, Tổng thống Barack Obama, tân Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và nữ Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra. 4 cái tên này chắc chắn sẽ là những cái tên "hot" nhất trên chính trường trong năm tới nhưng ai sẽ "nổi" hơn ai sẽ phải đợi thời gian trả lời.
 
Thủ tướng Putin lại tỏa sáng trên chính trường Nga
 
Năm Nhâm Thìn được dự báo sẽ là năm tỏa sáng của Thủ tướng quyền lực Vladimir Putin.
 
Thủ tướng Putin là một trong những vị chính khách duy trì độ “hot” lâu nhất trên chính trường. Suốt hơn 10 năm qua, ông này luôn thu hút sự quan tâm lớn không chỉ của người dân Nga mà cả người dân thế giới. Trong năm nay, độ “hot” của ông Putin sẽ còn lớn hơn nữa bởi ông sẽ tham gia cuộc đua tái tranh cử vào chức vụ tổng thống Nga.
 
Cuộc đua vào điện Kremlin sắp tới được cho là sẽ rất kịch tính và hấp dẫn bởi ứng cử viên mạnh nhất là Thủ tướng Putin đang đối mặt với sự sụt giảm về uy tín lớn. Liệu ông Putin có phải nếm mùi thất bại lần đầu tiên trong cuộc đời sự nghiệp đầy huy hoàng của ông hay không?
 
Uy tín của Thủ tướng Putin bắt đầu sụt giảm kể từ hồi tháng 9 năm ngoái khi ông bất ngờ tuyên bố sẽ hoán đổi vị trí với Tổng thống Dmitry Medvedev. Mọi việc càng trở nên xấu đi với ông Putin sau cuộc bầu cử Duma Quốc gia Nga diễn ra hôm 4/12/2011. Nhiều người cáo buộc cuộc bầu cử này có gian lận theo hướng có lợi cho Đảng Nước Nga thống nhất của Thủ tướng Putin. Hàng loạt các cuộc biểu tình rầm rộ và quy mô diễn ra sau đó đã khiến cho uy tín của ông Putin sụt giảm mạnh, có lúc xuống tới mức thấp kỷ lục.
 
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích đều tin rằng, cuộc đua với 6 đối thủ sắp tới của ông Putin chỉ mang tính biểu tượng bởi chiến thắng gần như nằm chắc trong tay ông này. Một số nhà phân tích thậm chí còn ví cuộc đối đầu giữa ông Putin với 6 đối thủ là cuộc đấu giữa voi với châu chấu.
 
Sau cuộc bầu cử vào tháng 3, ông Putin sẽ lên cầm quyền ở nước Nga. Chắc chắn, người dân Nga và cả người dân thế giới đều háo hức chờ đón xem ông Putin sẽ làm gì cho nước Nga và ông sẽ hoạt động như nào trên chính trường thế giới.
 
Tổng thống Obama “vượt chướng ngại vật”
 
Từng được tung hô, chào đón như một vị thánh khi ông Barack Obama bước chân vào Nhà Trắng hồi đầu năm 2009. Tuy nhiên, gần đây, tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Obama liên tục sụt giảm mạnh. Liệu có phải người dân Mỹ đã chán ngán với ông Obama và nếu thế thì liệu ông này có phải chịu một thất bại cay đắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới hay không.
 

 Ảnh minh họa

Rõ ràng, người dân Mỹ đang thất vọng về vị chính khách da màu mà họ đã từng đặt rất nhiều kỳ vọng. Điều này được thể hiện qua tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Obama ngày càng sụt giảm. Đáng chú ý, trong cuộc thăm dò dư luận của Associated Press-GfK hồi tháng 12 năm ngoái, có tới hơn một nửa dân chúng Mỹ (52%) cho rằng, ông Obama nên bị đánh bại trong cuộc bầu cử tổng thống nhiệm kỳ tới trong khi 43% người ủng hộ ông tái đắc cử nhiệm kỳ hai.
 
Tuy nhiên, tương lai không phải là quá u ám đối với ông Obama. Mặc dù hơn một nửa công chúng Mỹ đang muốn “loại” ông Obama ra khỏi Nhà Trắng nhưng ông này vẫn đang vượt qua các đối thủ nặng ký khác như Mitt Romney và Newt Gingrich về tỉ lệ ủng hộ của người dân. Ông Obama được tin là vẫn nắm giữ khả năng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới nhiều hơn các đối thủ còn lại. Công chúng Mỹ có thể thất vọng về Tổng thống Obama nhưng họ cũng chẳng nhìn thấy ứng cử viên nào hơn ông. Thách thức lớn nhất đối với ông Obama lúc này là làm sao giải quyết tốt cuộc khủng hoảng kinh tế mà nước Mỹ đang đối mặt. Kinh tế sẽ là vấn đề then chốt quyết định ông Obama có tái đắc cử hay không?
 
Tin mừng cho ông Obama là nền kinh tế Mỹ được đánh giá là đang dần khởi sắc dù có phần chậm chạp. Bản thân nhiều người Mỹ cũng tin rằng nền kinh tế đất nước họ đang tốt lên. Đây sẽ là cú huých cho ông Obama trong con đường tiếp tục chinh phục đỉnh cao quyền lực.
 
Con đường chông gai của nữ Thủ tướng Thái Lan
 
Một trong những sự kiện chính trị thu hút sự chú ý lớn nhất của báo giới và dư luận thế giới trong năm qua chính là sự tỏa sáng bất ngờ của nữ chính khách Thái Lan trẻ trung, xinh đẹp Yingluck Shinawatra.

Dù là chính khách còn non trẻ trên chính trường nhưng với lợi thế là vẻ ngoài xinh đẹp, khả năng thu hút, thuyết phục đám đông tốt và đặc biệt là nhờ vào uy tín của anh trai Thaksin, bà Yingluck, 44 tuổi, đã dẫn dắt thành công đảng Pheu Thai của mình đến với chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử hồi tháng 7. Nhờ đó, nữ chính khách Yingluck đã trở thành Thủ tướng thứ 28 và là nữ Thủ tướng đầu tiên của đất nước Thái Lan.
 
 Ảnh minh họa

Khi mới lên cầm quyền, nữ Thủ tướng trẻ Yingluck đối mặt với rất nhiều hoài nghi về kinh nghiệm, năng lực chính trị và khả năng dẫn dắt đất nước của bà. Tuy nhiên, chỉ trong vài tháng cầm quyền, bà Yingluck đã dần gạt bỏ được những hoài nghi này. Đó là nhờ vào sự tận tâm, nỗ lực của nữ Thủ tướng trong cuộc chiến đấu chống lại trận lũ lụt kinh hoàng nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây ở đất nước Thái Lan. Theo cuộc khảo sát ngày 14/11 của tờ Bangkok Post, đa số người dân Thái Lan (75%) tin rằng không chính trị gia nào xử lý tốt hơn bà Yingluck trong cuộc khủng hoảng lũ lụt kéo dài nhiều tuần ở Thái Lan vừa qua.
 
Tuy nhiên, con đường phía trước của bà Yingluck còn rất nhiều chông gai. Năm 2012 được cho sẽ là năm mà nữ Thủ tướng Yingluck sẽ có cuộc đối đầu sinh tử với phe đối lập cũng là “kẻ thù” của anh trai bà.
 
Ngay đầu năm mới, Đảng Dân chủ đối lập chính ở Thái Lan đã đệ đơn đề nghị truất quyền Thủ tướng Yingluck và Ngoại trưởng Surapong Tovichakchaikul vì việc đã tái cấp hộ chiếu cho cựu Thủ tướng Thaksin Shinwatra. Đây mới chỉ là màn khơi mào cho một cuộc chiến cam go, kéo dài giữa một bên là nữ Thủ tướng Yingluck và những người ủng hộ ông Thaksin và bên kia là những người chống Thaksin.
 
Bí ẩn tân Lãnh đạo Kim Jong Un
 
Có lẽ, một trong những chính khách thu hút sự chú ý lớn nhất của người dân thế giới trong năm 2012 sẽ là tân Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Lên cầm quyền ở tuổi còn quá trẻ, chưa đầy 30 tuổi, Đại tướng Kim Jong Un là một hệ số bí ẩn của thế giới. Mọi con mắt sẽ đổ dồn về phía vị lãnh đạo trẻ tuổi này.
 
Hôm 19/12/2011, cả đất nước Triều Tiên rúng động trước tin Nhà lãnh đạo kính yêu Kim Jong Il của họ đột ngột từ trần cách đó 2 ngày vì bị nhồi máu cơ tim trên một chuyến tàu khi ông đang có chuyến thị sát bên ngoài thủ đô Bình Nhưỡng. Vài giờ sau đó, báo chí Triều Tiên đồng loạt gọi con trai út của Chủ tịch Kim – Đại tướng 4 sao Kim Jong Un là “người kế nhiệm vĩ đại” đồng thời kêu gọi 24 triệu dân Triều Tiên đoàn kết, ủng hộ Nhà lãnh đạo mới.
 
 Ảnh minh họa

Đã có nhiều người tỏ ra hoài nghi về khả năng lãnh đạo của vị tướng trẻ chưa đầy 30 tuổi Kim Jong Un. Họ lo ngại tình hình Triều Tiên có thể sẽ bất ổn sau sự ra đi của Chủ tịch Kim. Tuy nhiên, tình hình ở đất nước Triều Tiên rõ ràng rất ổn định bởi quân đội nước này đã tuyên bố trung thành và ủng hộ Đại tướng Kim Jong Un ngay sau khi thông báo về cái chết của Chủ tịch Kim được đưa ra.
 
"Sẽ không có chuyện xảy ra một cuộc đảo chính quân sự ở Triều Tiên bởi quân đội đã thề trung thành với Kim Jong Un”, nguồn tin thân cận với Bình Nhưỡng và Bắc Kinh khẳng định.
 
Với việc Đại tướng Kim Jong Un vừa được dân chúng Triều Tiên ủng hộ vừa nhận được lời tuyên thệ trung thành của quân đội thì đất nước Triều Tiên không có lý gì rơi vào tình trạng bất ổn. Hơn nữa, Đại tướng Kim Jong Un còn được hậu thuẫn mạnh mẽ bởi các quan chức cấp cao khác trong chính phủ, trong đó có người em gái của Chủ tịch Kim - Kim Kyong Hui và chồng của bà này Jang Song-thaek.
 
Quyền lực của Đại tướng Kim Jong Un được củng cố thêm bởi sự ủng hộ của Trung Quốc – đồng minh lớn nhất và quan trọng nhất của Triều Tiên. Trung Quốc đã kêu gọi nhân dân Triều Tiên đoàn kết, ủng hộ Đại tướng Kim Jong Un.
 
Năm 2012 sẽ là năm tân Lãnh đạo Kim Jong Un khẳng định bản thân. Người ta cũng chờ đợi xem ông sẽ lãnh đạo đất nước có một đội quân lớn hàng đầu thế giới như thế nào khi ở độ tuổi trẻ như hiện nay. Nhiều người cũng muốn chờ xem ông sẽ có chính sách gì mới, khác so với người cha quyền lực Kim Jong Il vừa qua đời của ông này. 


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc