Hải quân Iran khua súng trêu ngươi tàu Mỹ

07:41, 14/01/2012
|

(VnMedia) - Một quan chức quân sự cấp cao Mỹ hôm qua (13/1) cho biết, các xuồng cao tốc có trang bị vũ khí của Lực lượng Hải quân Iran gần đây đã 2 lần quấy nhiễu tàu chiến Mỹ ở khu vực Eo biển Hormuz.
 
Vụ đầu tiên diễn ra vào tuần trước khi tàu vận tải đổ bộ USS New Orleans đang đi qua Eo biển Hormuz vào vùng Vịnh Persian. 3 chiếc xuồng cao tốc của Hải quân Iran đã đuổi theo và áp sát tàu của Mỹ trong khoảng cách chỉ 450m, CNN dẫn lời các quan chức Mỹ cho hay.
 
Vụ việc thứ hai cũng diễn ra tương tự nhưng với tàu USCGC Adak của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ. Lần này, vụ quấy nhiễu diễn ra ở ngoài khơi biển Kuwait.
 
Theo CNN, khi những chiếc xuồng cao tốc của Iran áp sát tàu USCGC Adak, các thủy thủ Mỹ đã nhìn thấy những người trên tàu Iran khua súng trường AK-47 và một khẩu súng hạng nặng nhằm vào họ.
 
"Tôi có thể xác nhận, đã có hành động quấy nhiễu, dọa dẫm", một quan chức cấp cao Mỹ đã khẳng định như vậy với hãng tin AFP.
 
Căng thẳng Mỹ-Iran đang leo thang nghiêm trọng trong những tuần gần đây do phương Tây tìm cách áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào nước CH Hồi giáo và một loạt diễn biến xảy ra trong tuần này. Trong đó có vụ Iran tuyên án tử hình một gián điệp Mỹ và vụ một nhà khoa học hạt nhân của Iran bị ám sát.
 
Tehran đã đáp trả những lời đe dọa của phương Tây về một lệnh cấm vấn dầu mỏ đối với họ bằng cảnh báo sẽ đóng cửa Eo biển Hormuz – một trong những tuyến đường biển chiến lược quan trọng nhất thế giới với khoảng 1/3 nguồn cung cấp dầu mỏ đi qua nơi này.
 
Mỹ tiếp tục đe dọa Iran
 
Căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Iran leo thang từng ngày. Hôm qua, chính quyền Tổng thống Barack Obama cho biết, họ tiếp tục cảnh báo Iran thông qua các kênh công khai và bí mật về việc không được đóng cửa Eo biển Hormuz.
 
Dù các quan chức Mỹ không nói rõ Mỹ sẽ làm gì nếu Iran đóng cửa Eo biển Hormuz nhưng giới quân sự ở Washington tuyên bố Mỹ đã sẵn sàng cho một cuộc đối đầu hải quân có thể xảy ra.
 
“Chúng ta phải chắc chắn rằng chúng ta có thể đương đầu với bất kỳ tình huống nào và tất cả mọi sự lựa chọn đều được đặt lên bàn”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta hôm 12/1 đã trả lời như vậy khi được một người lính hỏi về nguy cơ xảy ra chiến tranh với Iran.
 
Các quan chức Mỹ coi việc đóng cửa Eo biển Hormuz là “lằn ranh đỏ” và Tehran cần phải suy nghĩ kỹ 2 lần trước khi có bất kỳ động thái gì ở khu vực này.
 
Vì nhiều lý do, nguy cơ về một cuộc xung đột công khai với Tehran chưa lúc nào lại cao như lúc này kể từ khi ông Barack Obama lên nhậm chức hồi đầu năm 2009 với cam kết sẽ xóa bỏ sự thù địch kéo dài 30 năm nay giữa Mỹ và Iran. Một cuộc xung đột xảy ra sẽ là một thất bại trong chính sách của Mỹ với Iran và nó chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng chiến thắng của ông Obama trong nỗ lực tái tranh cử nhiệm kỳ mới trong năm nay.
 
Mỹ vẫn hy vọng, sức ép từ cộng đồng quốc tế sẽ thuyết phục Iran từ bỏ chương trình hạt nhân gây tranh cãi. Tuy nhiên, chính quyền nước CH Hồi giáo không hề tỏ ra chùn bước. Càng bị dồn ép, Iran càng tỏ rõ quyết tâm. Chắc chắn, Iran sẽ không sẵn sàng từ bỏ một dự án mà họ coi là niềm tự hào quốc gia. Sở hữu một quả bom hạt nhân hoặc khả năng chế tạo nhanh chóng loại vũ khí hủy diệt này sẽ giúp Iran có lợi thế hơn trong các cuộc giao dịch sau này với phương Tây.
 
Đối với các cường quốc phương Tây do Mỹ dẫn đầu, thời gian để gây sức ép với Iran không còn nhiều bởi nước này đã đạt được những bước tiến lớn trên con đường phát triển vũ khí hạt nhân. Đây là lý do khiến thời gian gần đây, các nước phương Tây liên tục gây sức ép dồn dập lên Tehran với hy vọng nước này sẽ từ bỏ các tham vọng hạt nhân. Tuy nhiên, Iran vẫn tiếp tục khẳng định chương trình hạt nhân của họ là vì mục đích hòa bình và vì thế, họ sẽ tiếp tục theo đuổi chương trình này.
 
Nếu nhìn vào những diễn biến đã và đang xảy ra trong mối quan hệ giữa Iran và phương Tây gần đây thì ai cũng có thể tin rằng, chiến tranh là điều không thể tránh khỏi. Niềm tin này càng được củng cố khi quân đội Mỹ hôm 11/1 tuyên bố, một nhóm tàu sân bay tấn công mới của nước này vừa đến vùng Biển Ả-rập và một nhóm tàu khác đang trên đường đến khu vực. Dù Mỹ phủ nhận các động thái quân sự này có liên quan đến căng thẳng gần đây với Iran nhưng việc điều động tàu chiến của Mỹ trong thời điểm căng thẳng bùng phát này khiến người ta không thể không nghi ngờ Mỹ sắp đánh Iran.
 
Tuy nhiên, có nhiều lý do để chiến tranh không xảy ra ở khu vực Trung Đông trong thời gian trước mắt. Một trong những lý do quan trọng nhất là Tổng thống Mỹ Barack Obama chắc chắn không muốn châm ngòi cho một cuộc chiến tranh mới ngay trước thềm cuộc bầu cử quan trọng vào năm nay.


Kiệt Linh - (theo AP, AFP)

Ý kiến bạn đọc