Đô đốc Mỹ lo ngại về tình hình Biển Đông

11:02, 18/01/2012
|

(VnMedia) - Chỉ huy hàng đầu của Lực lượng Hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương mới đây đã bày tỏ lo ngại về khả năng những tranh chấp ở khu vực Biển Đông có thể leo thang thành những cuộc đối đầu lớn hơn và nghiêm trọng hơn.
 
Đô đốc Patrick Walsh hôm qua (17/1) cho biết, rất có thể sẽ xảy ra một vụ việc làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông nghiêm trọng hơn nhiều so với vụ va chạm tàu thuyền giữa Trung Quốc và Nhật Bản gần quần đảo Senkaku hay còn gọi là Điếu Ngư năm 2010.
 
"Vụ việc đó sẽ nhanh chóng leo thang từ một thứ mang tính địa phương, có thể kiểm soát và kiềm chế thành một thứ xung đột giữa các quốc gia với nhau", Đô đốc Walsh đã dự đoán như vậy trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin AP tại trụ sở của ông đúng vài ngày trước khi ông này nghỉ hưu và trao lại quyền chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cho một người khác.
 
Theo ông Walsh, Biển Đông - nơi rất nhiều tàu thuyền đi lại, trong đó có cả những tàu chở dầu từ vùng Vịnh Persia đến các quốc gia Đông Á, quan trọng có tính sống còn đối với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
 
"Dù bạn tiếp cận bằng cách thức nào, việc bảo đảm an ninh và ổn định ở Biển Đông là cực kỳ quan trọng. Nó là mấu chốt quan trọng cho tất cả các hoạt động kinh tế. Bất kỳ sự cản trở nào ở khu vực đều sẽ gây ra một vấn đề thực sự”, ông Walsh nói thêm.
 
Hiện có 5 quốc gia và một vùng lãnh thổ đang tranh cãi về chủ quyền ở khu vực Biển Đông trong đó có Việt Nam, Brunei, Trung Quốc, Malaysia, Philippine và Vùng lãnh thổ Đài Loan.
 
Đô đốc Walsh đã nhắc lại vụ việc cách đây 2 năm khi tàu cá Trung Quốc va chạm với một tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản. Nhật Bản đã bắt giữ thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc. Đáp trả lại, Bắc Kinh đã cắt đứt các mối quan hệ tiếp xúc cấp bộ trưởng với Tokyo đồng thời hoãn các cuộc đàm phán về dự án phát triển các mỏ khí đốt tự nhiên dưới lòng biển. Trung Quốc còn chặn đứng nguồn cung cấp đất hiếm được sử dụng trong ngành sản xuất công nghệ cao cho Nhật Bản. Nhiều cuộc biểu tình chống Nhật Bản đã xảy ra khắp đất nước Trung Quốc.
 
Dưới sức ép mạnh mẽ của Bắc Kinh, Nhật Bản đã phải phóng thích thuyền trưởng tàu Trung Quốc.
 
Đô đốc Walsh cho biết, rất nhiều căng thẳng đã nảy sinh từ đe dọa cấm vận xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản của Trung Quốc.
 
"Vụ va chạm tàu thuyền giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã leo thang nhanh chóng như vậy. Nó đã thổi bùng tinh thần dân tộc ở cả hai nước. Đó là điều làm tôi lo ngại”, ông Walsh cho hay.
 
Theo dự kiến, Đô đốc Walsh sẽ trao lại quyền chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương cho Phó Đô đốc Cecil Haney trong một buổi lễ diễn ra ở Trân Châu Cảng vào ngày thứ Sáu tới (20/1).


Kiệt Linh - (theo AP)

Ý kiến bạn đọc