Cuộc đua chiến đấu cơ tàng hình mạnh nhất

06:17, 13/01/2012
|

(VnMedia) - Cho đến thời điểm này, máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm vẫn là loại chiến đấu cơ hiện đại nhất thế giới với công nghệ tàng hình tránh sóng radar siêu việt và khả năng tác chiến vượt xa các thế hệ chiến đấu cơ trước đó. Thế giới hiện nay chỉ có rất ít cường quốc sở hữu máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5. Nhiều nước khác đang đổ hàng tỉ USD vào nỗ lực phát triển loại siêu máy bay này.
 
Máy bay tàng hình hay còn gọi là phi cơ tàng hình hoặc không hạm tàng hình sở dĩ được đánh giá cao là nhờ khả năng giành ưu thế trên chiến trường và có thể “sống sót” tốt hơn các loại máy bay khác khi đối diện với kẻ thù.
 
Trong bất kỳ một cuộc chiến tranh nào, yếu tố bất ngờ rất quan trọng bởi lực lượng nào tạo được bất ngờ thì lực lượng đó sẽ giành được nhiều lợi thế hơn. Công nghệ tàng hình của máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 giúp nó có thể tạo được yếu tố bất ngờ mỗi lần xuất kích, từ đó giành được thế thượng phong so với đối phương. Công nghệ tàng hình cũng giúp máy bay tránh được sự phát hiện của kẻ thù, giảm thiểu khả năng bị tấn công.
 
Với những đặc tính vượt trội nói trên, máy bay tàng hình thế hệ thứ 5 đang là niềm mơ ước của rất nhiều quốc gia. Tính đến nay, chỉ có Nga, Mỹ và Trung Quốc là có máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5. Tuy nhiên, chỉ duy nhất chiếc chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5 của Mỹ là được chính thức đưa vào hoạt động trong khi loại  máy bay này của Nga và Trung Quốc vẫn còn đang trong quá trình thử nghiệm.
 
1. F-22 Raptor của Mỹ
 
Đứng đầu trong danh sách 10 chiếc máy bay chiến đấu hàng đầu thế giới hiện nay là F-22 Raptor của Mỹ. F-22 là niềm tự hào của người Mỹ bởi nó là chiếc máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5 duy nhất của thế giới được đưa vào hoạt động cho đến thời điểm này và nó cũng là thứ vũ khí đáng gờm đối với bất kỳ quốc gia nào muốn đối đầu với Mỹ.
 

 Ảnh minh họa

F-22 được xem là loại máy bay chiến đấu tinh vi nhất thế giới với khả năng có một không hai là thực hiện sứ mệnh tham chiến không đối không, không đối đất cùng một thời điểm mà gần như không bị hề hấn gì. F-22 Raptor đạt chuẩn chưa từng có về khả năng sống sót ngay cả khi phải đối mặt với hàng loạt mối đe dọa lớn, tinh vi từ trên không lẫn dưới đất. Ngoài nhiệm vụ chiến đấu, F-22 còn có khả năng thực hiện xuất sắc một loạt nhiệm vụ gồm thu thập tin tình báo, do thám, trinh sát và tấn công điện tử. Để đảm bảo tàng hình trước radar đối phương, F-22 giấu kín tên lửa và bom vào khoang trong. Nó gia nhập Không lực Mỹ vào tháng 12/2005.
 
2. T-50 của Nga
 
Tại triển lãm hàng không MAKS-2011 diễn ra hồi tháng 8 năm ngoái, người xem đã có cơ hội được chiêm ngưỡng chiếc chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5 của Nga - Sukhoi T-50.
 
Chiến đấu cơ T-50 là sản phẩm của tập đoàn sản xuất máy bay chiến đấu lừng danh Sukhoi. Nó được ví là báu vật trong những thứ đỉnh cao của ngành hàng không quân sự Nga. Siêu chiến đấu cơ Sukhoi T-50 được cho là sẽ sở hữu nhiều đặc điểm ưu việt như khả năng tàng hình cao, di chuyển với tốc độ siêu thanh, có hệ thống điều khiển điện tử tiên tiến nhất hiện nay, có khả năng tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết, cất cánh từ đường băng ngắn chỉ cần 300-400 mét, và có thể thực hiện đồng thời các cuộc tấn công nhằm vào mục tiêu trên không và dưới mặt đất.
 
 Ảnh minh họa

T-50 là thế hệ máy bay hoàn toàn mới đầu tiên được Nga thiết kế kể từ khi Liên Xô tan rã. Nga đặt mục tiêu đưa phi cơ chiến đấu tàng hình tối tân này vào phục vụ trong Không quân từ năm 2015.
 
Máy bay chiến đấu T-50 của Nga được cho là là đối thủ đáng gờm nhất của mãnh thú F-22 Raptor của Mỹ. Thậm chí, theo một số chuyên gia quân sự, T-50 của Nga còn có một số ưu điểm vượt trội hơn so với tiêm kích tối tân của Mỹ. Ví dụ như, T-50 của Nga có khả năng hoàn thành các thao tác chiến đấu trong mọi chế độ làm việc của động cơ trong khi F-22 của Mỹ lại không có được điều này.
 
T-50 của Nga còn có lợi thế về giá thành khi rẻ hơn gần 3 lần so với F-22 của Mỹ.

3. J-20 của Trung Quốc
 
Trung Quốc đã chính thức gia nhập vào số ít ỏi các cường quốc sở hữu máy bay tàng hình thế hệ thứ 5 của thế giới khi nước này tung những hình ảnh đầu tiên về chiếc chiến đấu cơ J-20 vào đầu năm 2011.
 
Báo chí thế giới dịp đầu năm ngoái đã xôn xao trước tin Trung Quốc lần đầu tiên tiến hành thử nghiệm chiếc máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 – J-20. Nhiều chuyên gia đã bày tỏ sự ngạc nhiên trước việc Trung Quốc phát triển được loại máy bay tối tân này trong thời gian nhanh hơn dự đoán rất nhiều.
 
J-20 được thiết kế có khả năng tàng hình, khó bị phát hiện bằng hệ thống radar. Với thùng chứa nhiên liệu lớn hơn, J-20 có thể đạt tầm bay xa gần 2.000 km mà không cần tiếp nhiên liệu trên không. Ngoài ra, máy bay này cũng có khả năng mang khối lượng lớn vũ khí cho phép tiến hành các cuộc tấn công tầm xa có sức tàn phá lớn hơn.
 
 Ảnh minh họa

J-20 có thể được trang bị các tên lửa tầm xa cũng như có thể tiếp nhiên liệu trên không. J-20 cũng có thể phóng các tên lửa hành trình và mang các khí tài hạng nặng
 
Nhiều nước tỏ ra lo ngại về sự ra đời của máy bay tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm mới J-20 của Trung Quốc. Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự có uy tín đều tin rằng, Trung Quốc còn lâu mới có thể có được một chiếc máy bay chiến đấu tàng hình thực thụ. Thậm chí, có chuyên gia còn thẳng thừng nhận xét, chiến đấu cơ tàng hình của Trung Quốc chỉ là một thứ để phô trương, gây ấn tượng chứ thực sự không có sự phát triển về chất.
 
Chưa hết, J-20 của Trung Quốc còn bị nghi ngờ là được phát triển dựa trên việc bắt chước công nghệ từ một chiếc máy bay F-117 Nighthawk của Mỹ. Về hình dáng, J-20 của Trung Quốc được cho là giống tương tự với hai loại máy bay tàng hình F-22 Raptor của Mỹ và T-50 của Nga. Tuy nhiên, so với T-50 của Nga và F-22 của Mỹ, J-20 được cho là còn thua xa về công nghệ tàng hình và khả năng tiết kiệm nhiên liệu.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc