22 thủy thủ tàu Queen liệu có thể sống sót?

06:55, 07/01/2012
|

(VnMedia) - Đã 12 ngày trôi qua kể từ khi con tàu Vinalines Queen chìm giữa biển khơi hôm 25/12/2011, một thủy thủ đã may mắn trở về trong khi 22 thủy thủ khác vẫn còn mất tích. Theo các chuyên gia, một người trôi nổi trên biển khó sống sót được quá 3 ngày nhưng chúng ta có quyền hy vọng vào những điều kỳ diệu bởi trên thế giới đã từng có không ít những câu chuyện về sự sống sót thần kỳ của con người sau nhiều tuần, nhiều tháng trôi dạt trên biển.
 
Những ngày qua, người dân khắp cả nước rúng động trước tin chiếc tàu Vinalines Queen chở 23 thủy thủ mất tích một cách bí ẩn trên vùng biển gần Philippines - Đài Loan mà không để lại dấu vết gì. Không chỉ người thân đỏ mắt ngóng chờ tin tức về các thủy thủ mà người dân khắp cả nước cũng hướng sự quan tâm rất lớn đến số phận của những con người này. Dù không quen biết hay có mối quan hệ thân thích gì nhưng nhiều người đã thực sự rơi nước mắt trong ngày thủy thủ Đậu Ngọc Hùng may mắn sống sót trở về hôm 4/1. Họ cũng cùng chung nỗi lo lắng và hy vọng 22 thủy thủ còn lại sẽ thoát chết thần kỳ như anh Đậu Ngọc Hùng.
 
Trên thực tế, việc thủy thủ Đậu Ngọc Hùng sống sót sau 5 ngày trôi nổi trên biển đã là một kỳ tích. Theo các chuyên gia, khi gặp nạn trên biển, một người khó lòng sống quá được 3 ngày. Ông Vũ Việt Hùng, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam, từng thừa nhận: “Nếu một người bình thường có bám được vào phao hoặc một thanh gỗ nào đấy mà trôi dạt trên biển thì cũng chỉ sống được khoảng 3 ngày vì sức chịu đựng con người cũng có hạn, lại không có thức ăn, nước uống. Đấy là chưa kể điều kiện thời tiết giá lạnh”.
 
Khoa học chứng minh con người có thể nhịn ăn được một thời gian khá lâu (có thể được tới 8 tuần), tất nhiên là vẫn phải phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, thời tiết và ý chí. Lịch sử từng ghi nhận Gandhi nhịn ăn được tới 21 ngày khi đã ở tuổi 70. Tuy nhiên, chúng ta chỉ có thể nhịn ăn mà vẫn sống được thời gian khá dài với điều kiện được uống nước đầy đủ. Trong trường hợp không có nước uống, mọi việc lại khác hẳn. Theo các nhà khoa học, trong điều kiện bình thường với thời tiết không quá nóng thì con người có thể tồn tại lâu nhất là 3-5 ngày mà không cần uống nước.
 
Như chúng ta đã biết, tiêu thụ ngẫu nhiên một lượng nhỏ nước biển sạch thì không nguy hại nhưng nếu dùng nó như nước ngọt trong một thời gian ngắn có thể gây chết người. Các chuyên gia cho biết, rủi ro tử vong ở những người gặp nạn uống nước biển là 39% so với rủi ro 3% ở những người không uống nước biển. Như vậy, những người gặp nạn trên biển không thể trông chờ vào nguồn nước uống từ biển khơi. Vì thế, nếu không có thực phẩm, nước uống và với thời tiết lạnh như hiện nay, người gặp nạn trên biển khó có thể sống được quá 3 ngày.
 
Nếu căn cứ vào những phân tích khoa học ở trên, 22 thủy thủ của tàu Vinalines Queen hầu như không còn hy vọng sống sót sau khi đã mất tích trên biển suốt 12 ngày qua. Tuy nhiên, chúng ta có quyền hy vọng sự trở về của họ bởi trên thế giới đã từng có không ít những câu chuyện về sự sống sót kỳ diệu của con người sau nhiều tuần, nhiều tháng phải sống trôi nổi, vật vờ giữa biển khơi vô tận.
 
Một trong những câu chuyện thần kỳ nhất trong lịch sử hàng hải thế giới là cuộc trở về ngoạn mục của 3 ngư dân Mexico sau 9 tháng trôi dạt trên sóng nước Đại Tây Dương.
 
Tháng 9 năm 2005, 3 ngư dân vùng San Blas rủ nhau ra khơi săn cá mập trên chiếc thuyền đơn sơ dài 8m. Tai họa ập đến khi thuyền bất ngờ hết xăng giữa vùng nước cách bờ 8.000km. Không ai nghĩ 3 con người bất hạnh ấy có thể sống sót, mà lại sống sót một cách ấn tượng và ngoạn mục nhất trong lịch sử nhân loại thách thức với thiên nhiên.
 
Cá biển sống, thịt chim sống và nước mưa - đó là nguồn thức ăn duy nhất giúp 3 ngư dân Mexico sống sót qua 9 tháng trôi dạt trên sóng nước Đại Tây Dương
 
“Thức ăn của chúng tôi là cá, vịt và mòng biển. Cứ con chim ngờ nghệch nào đậu xuống thuyền là bị tóm ngay. Chúng tôi để nguyên như thế mà ăn, tươi sống”, ông Jesus Vidana, một trong 3 ngư dân sống sót, cho biết.
 
3 ngư dân trên chỉ được cứu sống khi một chiếc thuyền đánh cá Đài Loan phát hiện chiếc thuyền của họ trôi nổi vô phương hướng trên vùng biển giữa đảo Marshall và Kiribati. Lúc đó, sau 9 tháng ròng rã lênh đênh sóng nước, 3 người đàn ông chỉ còn da bọc xương và đói gần chết. Tuy nhiên, ngoài những vết bỏng nắng sưng rộp, tình trạng sức khỏe của họ không có gì đáng lo.
 
Năm 2010, người dân thế giới cũng được dịp thán phục khi 3 thiếu nhiên đã sống sót kỳ diệu sau 50 ngày trôi nổi trên một con thuyền nhôm bé xíu ở Nam Thái Bình Dương nhờ vào việc uống nước mưa, ăn cá và chim mòng biển sống.
 
3 cậu thiếu niên gồm Samuel Pelesa và Filo Filo, đều 15 tuổi, và Edward Nasau, 14 tuổi, đã mất tích ở đảo san hô Atafu thuộc quần đảo Tokelau sau khi tham dự một sự kiện thể thao hàng năm hôm 5/10/2010. Những đứa trẻ này được cho là đã chết sau những nỗ lực tìm kiếm bất thành của Lực lượng Không quân New Zealand. Người dân ở quần đảo Tokelau thậm chí đã làm lễ tang cho 3 cậu bé. Tuy nhiên, chính những cậu bé này lại không chịu đầu hàng trước cái chết.
 
Hôm 24/11/2010, chiếc tàu đánh cá ngừ San Nikuna đã phát hiện một con thuyền nhỏ đang trôi nổi vô định ở khu vực lãnh hải phía đông bắc Fiji và đã kịp thời đến cứu sống 3 cậu thiếu niên. Khi được cứu sống, 3 cậu bé đều đã kiệt sức nhưng tinh thần thì vẫn rất cao.
 
3 cậu thiếu niên đã được đưa lên tàu đánh cá và được chăm sóc y tế cẩn thận. Khi được cứu, 3 cậu bé này đã trôi nổi ở khu vực cách xa nơi họ khởi hành là khoảng 1.300km.
 
Các cậu bé cho biết, chúng chỉ mang theo hai quả dừa khi đi thuyền. Trong thời gian bị lạc, chúng uống nước mưa đọng lại trên thuyền và ăn cá sống mà chúng bắt được. Một lần, các cậu bá đã bắt được một con chim biển đậu trên thuyền và chúng đã ăn ngấu nghiến con chim này. Rất may cho các cậu bé là chiếc tàu cá đã đến kịp thời bởi chúng đã hết nước mưa để uống và đã bắt đầu phải uống nước biển trong suốt 2 ngày liền. Chúng sẽ khó có thể chống chọi nếu tiếp tục phải uống nước biển.
 
Ngoài hai câu chuyện kỳ diệu trên, mới đây, hồi tháng 11 năm ngoái, hai thuỷ thủ đã may mắn sống sót sau hơn 1 tháng lênh đênh trên Thái Bình Dương trước khi trôi dạt tới một đảo san hô biệt lập ở phía nam quần đảo Marshall. Hai thuỷ thủ, một 53 tuổi và một 26 tuổi, đã mất tích khỏi Kiribati hôm 22/10/2011 và bị trôi dạt vào bờ 33 ngày sau đó hôm thứ Năm tại Nimdrik, cách quê hương của họ khoảng 500km.
 
Hai thuỷ thủ, từ đảo quốc láng giềng Kiribati, vẫn ở trong tình trạng ổn định sau thời gian dài lênh đênh trên biển.
 
Cả 3 vụ việc trên đều là những trường hợp sống sót hy hữu trong lịch sử hàng hải thế giới. Ngoài ra, những vụ sống sót kỳ diệu sau 5 đến 10 ngày trôi dạt trên biển không phải là hiếm. Rõ ràng, nếu xét theo những phân tích khoa học, tất cả những trường hợp trên đều không có cơ hội sống sót nhưng họ vẫn sống và vẫn trở về một cách thần kỳ.

Lý giải về những trường hợp này, các chuyên gia tin rằng, việc giải quyết được vấn đề tư tưởng ở những người gặp nạn trên biển là điều quan trọng nhất. Phần đông nạn nhân bị chết vì kinh hoàng, lo sợ dẫn đến điên loạn. Họ chết trước khi nguồn sinh học trong con người thật sự cạn kiệt. Những người gặp nạn trên biển cần phải hiểu, với ý chí và nghị lực, họ có thể làm nên những chuyện phi thường, những điều thần kỳ.
 
3 ngư dân vùng San Blas hay 3 cậu thiếu niên ở quần đảo Tokelau... đã sống sót được sau nhiều ngày trôi dạt trên biển chính là nhờ họ không bao giờ từ bỏ niềm hy vọng cũng như quyết không chịu đầu hàng số phận.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc