Kể từ sau chiến tranh Lạnh kết thúc, câu hỏi lớn nhất về địa chính trị vẫn là câu hỏi về việc trật tự thế giới mới sẽ được thiết lập thế nào.
Một trật tự thế giới mới là kết quả tích lũy trong nhiều năm của các mối quan hệ ở tầm chiến lược của các trung tâm quyền lực lớn, trước hết là tương quan về chính trị, kinh tế và quân sự của các siêu cường, các hiệp ước quân sự và chính trị.
Nhiều học giả đưa ra giả thuyết rằng trật tự thế giới cho 50 - 100 năm tới sẽ là tương quan của bốn trụ cột, đó là Mỹ (và các đồng minh chiến lược của Mỹ), Trung Quốc, Nga (bao gồm cả khu vực không gian hậu Xôviết mà Nga giữ được ảnh hưởng) và nhóm các nước đang trỗi dậy (bao gồm hơn 20 nền kinh tế sẽ trỗi dậy trong 20-50 năm tới, trong đó có cả Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia và Việt Nam).
Thủ tướng Nga Putin (trái) giúp khôi phục vị thế nước Nga trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của ông, song sự trở lại ghế Tổng thống của ông đang gặp nhiều thách thức. |
Năm 2012, như một sự trùng hợp của lịch sử, cả ở Nga, Trung Quốc và Mỹ đều sẽ diễn ra cuộc chuyển giao quyền lực, chứng kiến những đổi thay to lớn và điều đó sẽ ảnh hưởng đến tham vọng chính trị và vị trí của các nước này trên chính trường quốc tế.
Sức mạnh nổi lên của Trung Quốc, sự phục hồi của Nga tiếp tục làm cho Mỹ bận tâm. Nhưng quan trọng không kém, mỗi nước đều đối mặt với những vấn đề khổng lồ về kinh tế, nhất là sau cuộc khủng hoảng nợ công tại Mỹ và các biến động lớn về kinh tế, tài chính trên toàn thế giới.
Riêng về nhóm nước mới trỗi dậy, theo dự báo của Ngân hàng Goldman Sachs, trong vòng 30-40 năm nữa, các nước mới trỗi dậy sẽ là các thế lực kinh tế lớn, đóng góp hơn 50% GDP của thế giới và sẽ lớn hơn tổng GDP của Mỹ (theo kết quả năm 2011, cả 4 nước BRIC - gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc - lọt vào top 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới).
Trong khi kinh tế thế giới vẫn chia thành ba cực, với nhiều yếu tố bất ổn do ba cỗ xe chạy theo ba hướng khác nhau, trong khi Mỹ và các quốc gia Châu Âu đang lâm vào khủng hoảng thì các nền kinh tế đang trỗi dậy lại có sự phát triển tương đối ổn định và ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong sự phát triển của thế giới và các khu vực.
Có rất nhiều kiểu đánh giá khác nhau về danh sách các quốc gia mới trỗi dậy. Cũng với đánh giá của Goldman Sachs, thì ngoài bốn nước BRIC sẽ có 11 nước tiếp theo, trong đó có cả Việt Nam.
Một đánh giá khác thì đưa Việt Nam vào danh sách 6 quốc gia mới trỗi dậy. Nhiều đánh giá cho rằng, danh sách các nền kinh tế mới trỗi dậy có 28 nước (bao gồm cả Việt Nam).
Vấn đề lớn nhất của các quốc gia mới trỗi dậy là sự phát triển quá nóng sẽ kéo theo những hệ lụy của nó, cũng như những phụ thuộc của họ vào các nền kinh tế lớn, tuy nhiên mỗi quốc gia sẽ có chính sách riêng để đối phó với vấn đề này.
Dù tiêu chí để xếp danh sách các nước mới trỗi dậy có thể khác nhau, nhưng không ai phủ nhận vai trò to lớn và ngày càng phát triển trong tương lai của khối các quốc gia này.
Điều đó đồng nghĩa với việc, cỗ xe “tam mã” của kinh tế thế giới nay đã trở thành “tứ mã”. Cục diện chính trị và kinh tế thế giới sẽ có thêm một đối trọng, đây là nhân tố quan trọng tạo nên một trụ cột cho trật tự thế giới mới, đa phương hơn, đa dạng hơn và dân chủ hơn.
Cách đây đúng 50 năm, tháng 10 năm 1962, tại thời điểm căng thẳng nhất của chiến tranh lạnh, thế giới đã đứng trước bờ vực chiến tranh hạt nhân, khi nguyên thủ hai nước Mỹ và Nga gần như đặt tay vào nút bấm hạt nhân. Năm 2012 này, nhân loại tin tưởng rằng với cục diện chính trị mới, thế giới sẽ không phải nín thở chờ phán quyết cực đoan của một, hai siêu cường.
Dù kết quả bầu cử ở ba siêu cường có thế nào thì nhân loại vẫn tin rằng, xu thế hòa bình, hòa hoãn vẫn thắng thế, các mưu đồ “xưng hùng, xưng bá” sẽ phá sản như đã từng xảy ra trong lịch sử. Trật tự thế giới mới sẽ nghiêng về đa phương, đa cực, dân chủ và hòa hợp.
Với truyền thống yêu hòa bình và quan điểm độc lập tự chủ, Việt Nam bước vào năm 2012 với tư thế mới trên trường quốc tế, xứng đáng với vị thế của một quốc gia đang trỗi dậy.
Ý kiến bạn đọc