Liệu Nga có bảo vệ Syria đến cùng?

18:55, 02/02/2012
|

(VnMedia) - Nga và phương Tây đang có cuộc đối đầu nảy lửa liên quan đến vấn đề Syria. Trong khi phương Tây do Mỹ dẫn đầu đang tìm cách thông qua một nghị quyết buộc Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ chức thì Nga lại phản đối quyết liệt động thái này. Moscow có nhiều lý do để ra sức bảo vệ chính quyền của Tổng thống Assad trước sức ép dồn dập từ các cường quốc phương Tây. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra lúc này là liệu Nga có quyết bảo vệ ông Assad đến cùng hay không?
 
Vì sao Nga bảo vệ Syria?
 
Cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày hôm nay (2/2) về vấn đề Syria được dự báo sẽ là cuộc đối đầu nảy lửa giữa một bên là Nga với sự ủng hộ lặng lẽ của Trung Quốc và bên kia là các cường quốc phương Tây do Mỹ dẫn đầu.
 
Phương Tây đã sẵn sàng bỏ phiếu thông qua một nghị quyết do Liên đoàn Ả-rập đề xuất. Theo đó, Tổng thống Syria Bashar al-Assad sẽ phải chấp nhận ngừng bắn và từ chức vì sự đoàn kết dân tộc. Tuy nhiên, nghị quyết này sẽ không thể được thông qua do vấp phải sự ngáng trở chủ yếu từ phía Moscow.
 
Ngay từ trước khi cuộc bỏ phiếu ngày hôm nay diễn ra, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc – ông Vitaly I. Churkin đã thẳng thừng tuyên bố, đề xuất của Liên đoàn Ả-rập “sẽ không có cơ hội” được thực hiện bởi Nga sẽ phủ quyết những quyết định “không thể chấp nhận” về Syria tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Đây là hành động mới nhất trong một loạt những động thái ủng hộ của chính phủ Nga dành cho Tổng thống Assad trong suốt thời gian dài vừa qua.
 
Ngay từ khi các cuộc biểu tình chống chính phủ Syria nổ ra từ hồi đầu năm ngoái, Nga đã luôn ở tư thế đối đầu với các cường quốc, đặc biệt là Mỹ trong vấn đề xử lý cuộc khủng hoảng chính trị ở quốc gia Trung Đông này. Trong khi Washington cùng các đồng minh liên tục gây sức ép đòi chính phủ của Tổng thống Assad phải từ chức thì Moscow lại ủng hộ mạnh mẽ cho chính quyền này và kiên quyết phản đối mọi sự can thiệp của phương Tây. Nga tuyên bố sẽ không để các cường quốc phương Tây biến Syria thành Libya thứ hai.
 
Không chỉ ủng hộ bằng lời nói, Nga còn có rất nhiều hành động cụ thể để “chống lưng” cho chính quyền của Tổng thống Assad. Hồi cuối năm ngoái, Nga đã điều một loạt tàu chiến và vũ khí tối tân đến vùng lãnh hải gần Syria. Ngoài ra, có tin Moscow còn cung cấp một loạt hệ thống phòng không hiện đại S-300 cũng như các hệ thống radar đến cho Syria. Gần đây, tin đồn dấy lên là Nga còn chở hàng chục tấn vũ khí đến cho Syria.
 
Vì sao Nga lại sẵn sàng đối mặt với các cường quốc chỉ để bảo vệ đất nước Syria? Có nhiều lý do để Moscow làm điều này. Nguyên nhân hàng đầu và quan trọng nhất là Nga không thể đánh mất một trong những đồng minh quan trọng và hiếm hoi của nước này ở khu vực Trung Đông. Nếu để mất “sân sau” này, Moscow sẽ mất rất nhiều lợi ích. Thứ nhất, Nga sẽ không còn giữ được ảnh hưởng và vị thế ở Trung Đông. Thứ hai, Syria là khách hàng vũ khí lớn hàng đầu của Nga. Nếu quay lưng lại với Syria, Nga sẽ mất nhiều hợp đồng vũ khí béo bở. Chưa hết, Syria còn là nơi Nga có một căn cứ hải quân quan trọng tại bờ biển Địa Trung Hải.
 
Ngoài lý do không thể đánh mất đồng minh quan trọng, việc Nga kiên quyết bảo vệ chính quyền của Tổng thống Assad còn vì Nga sắp bước vào một cuộc bầu cử quan trọng. Trước mỗi kỳ bầu cử, cũng giống như ở các nước khác, các ứng cử viên thường chọn một vấn đề đối ngoại gây chú ý để thu hút sự ủng hộ của cử tri. Ứng cử viên sáng giá nhất của cuộc bầu cử tổng thống Nga sắp tới là Thủ tướng Vladimir Putin – người vốn luôn có lập trường cứng rắn đối với phương Tây. Ông Putin chắc chắn muốn thông qua việc bảo vệ Syria  trước sức ép của phương Tây để thể hiện vị thế và ảnh hưởng của nước Nga trên trường quốc tế. Giới lãnh đạo ở Moscow muốn cho phương Tây thấy rằng họ không thể tiếp tục phớt lờ tiếng nói của nước Nga như trước đây và rằng phương Tây cũng không thể dễ dàng đánh đổ đồng minh của Nga.
 
Liệu Nga có bảo vệ chính quyền của Tổng thống Assad đến cùng?
 
Theo giới chuyên gia, cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây hiện  nay mang dáng dấp của cuộc Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, nó không phải là một “cuộc chiến một mất một còn”  như cuộc đối đầu giữa hai cực cách đây hơn 2 thập kỷ.

Trong cuộc đối đầu mới nhất, cả Nga và phương Tây đều không muốn “đi đến tận cùng” với nhau. Những cuộc thỏa thuận, mặc cả vẫn đang được tiến hành bên trong hậu trường để đảm bảo mối quan hệ giữa Nga và phương Tây không bị phá hỏng trong khi lợi ích của họ vẫn được đảm bảo.
 
Chính phủ của Tổng thống Assad được dự báo sẽ khó tránh khỏi số phận bi đát. Chỉ có điều ngày đó sẽ không đến sớm. Trong bối cảnh các cường quốc phương Tây không thể can thiệp bằng hành động quân sự và những mâu thuẫn tồn tại trong trong phe đối lập Syria, chính quyền của Tổng thống Assad không khó để có thể giành chiến thắng trong cuộc đối đầu quân sự với phe đối lập trong thời gian trước mắt. Tuy nhiên, về lâu về dài, ông này sẽ khó trụ nổi trước các cuộc biểu tình chống đối liên tiếp của hàng nghìn người. Chưa kể là nếu có thể “đè bẹp” được phe đối lập (viễn cảnh rất khó xảy ra) thì ông Assad cũng khó lòng mà phục hồi được nền kinh tế. Đói nghèo lan rộng là một trong những nguyên nhân chính gây ra làn sóng chống đối chính quyền nổ ra từ hồi tháng 3 năm ngoái đến giờ. Chỉ có những sự giúp đỡ hào phóng từ nước ngoài mới có thể giúp Syria phục hồi được nền kinh tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh bị cô lập như hiện nay, Syria chỉ có thể trông chờ vào nhà tài trợ duy nhất là Iran. Thế nhưng, Iran cũng đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn trong cuộc đối đầu với phương Tây.
 
Một khi mà nền kinh tế tiếp tục rơi tự do thì số phận của chính quyền ông Assad càng trở nên mong manh hơn. Rõ ràng, số phận của một chính quyền được quyết định chủ yếu ở người dân. Hiểu được tình thế này, Nga cũng không thể “đánh cược” lợi ích của mình để bảo vệ chính quyền của Tổng thống Assad đến cùng.
 
Một kịch bản được nhiều chuyên gia dự đoán nhất là, phe đối lập Syria có thể sẽ có những cuộc mặc cả ngầm với Nga để nước này rút sự ủng hộ đối với Tổng thống Assad. Theo đó, phe đối lập Syria có thể cam kết cho Nga tiếp tục duy trì căn cứ hải quân trên lãnh thổ của họ đồng thời hai bên vẫn giữ mối quan hệ gắn bó như trước kia. Như vậy, Syria vẫn là thị trường vũ khí lớn của Nga. Nếu kịch bản này diễn ra, Nga vẫn sẽ giữ được mối lợi từ Syria và đồng thời lại không phải đối đầu với phương Tây.
 
Tuy nhiên, trong khi các cuộc mặc cả, thỏa thuận đang diễn ra thì tình hình bạo lực đẫm máu ở đất nước Syria được cho là sẽ tiếp tục diễn ra và không có dấu hiệu suy giảm.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc