Trung Quốc đang quay lưng lại với Iran?

06:39, 22/01/2012
|

(VnMedia) - Trong chuyến thăm vùng Vịnh Persian mới đây, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã lên tiếng cảnh báo Iran không được theo đuổi vũ khí hạt nhân đồng thời ký hàng loạt thỏa thuận với những nước đối đầu với nước CH Hồi giáo. Nhiều người đang đặt câu hỏi, liệu có phải Trung Quốc đang quay lưng lại với Iran – đồng minh và cũng là đối tác thương mại lớn của nước này?

 

Tình thế tiến thoái lưỡng nan của Trung Quốc

 

Trong một nỗ lực nhằm tăng cường dồn ép và gây áp lực hơn nữa đối với Iran để nước này từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân gây tranh cãi, phương Tây do Mỹ dẫn đầu đang thực hiện một chiến dịch đồng bộ nhằm áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ lên Iran . Và Trung Quốc đang bị đẩy vào tình thế tiến thoái lưỡng nan trong vấn đề này.

 

Với tư cách là đối tác thương mại lớn nhất và cũng là khách hàng nhập khẩu dầu thô hàng đầu của Iran (khoảng 20% sản lượng dầu thô xuất khẩu của Iran được xuất sang Trung Quốc), Trung Quốc đóng vai trò quan trọng rất lớn trong nỗ lực trừng phạt Tehran của phương Tây. Để có thể gây sức ép thành công buộc Iran phải từ bỏ chương trình hạt nhân, phương Tây cần phải có sự ủng hộ từ phía Trung Quốc.

 

Khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner đến Bắc Kinh hồi đầu tháng này nhằm thuyết phục giới lãnh đạo Trung Quốc ủng hộ kế hoạch “bóp nghẹt” ngành dầu mỏ Iran, câu trả lời mà ông Geithner nhận được từ Bắc Kinh là không. Đây là câu trả lời có thể được dự đoán từ trước. Trung Quốc không dễ gì đánh mất một đồng minh và đối tác quan trọng như Iran . Là nhà cung cấp dầu mỏ lớn thứ 3 của Trung Quốc với khoảng 500.000 thùng dầu/1 ngày, Iran là một phần thiết yếu trong bài toán khó giải về năng lượng của Trung Quốc.

 

Mất nguồn cung cấp dầu mỏ từ Iran, Trung Quốc chắc chắn sẽ phải đối mặt với một cú sốc tức thì trừ khi các nước sản xuất dầu mỏ khác chịu nhảy vào “đền bù” phần thiếu hụt này.

 

Ngoài ra, các công ty dầu mỏ Trung Quốc cũng đã ký hàng loạt hợp đồng dầu mỏ trị giá nhiều chục tỉ USD với các đối tác Iran . Nếu Bắc Kinh theo phương Tây trừng phạt Iran thì nước này có nguy cơ mất những hợp đồng béo bở nói trên.

 

Vì thế, phản ứng của Bắc Kinh chắc chắn sẽ là phản đối lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Iran .

 

Tuy nhiên, nhiều người gần đây cảm thấy khó hiểu khi Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo trong chuyến thăm vùng Vịnh tuần này đã lên tiếng cảnh báo Iran không được theo đuổi vũ khí hạt nhân đồng thời ký hàng loạt thỏa thuận với những nước đối đầu với nước CH Hồi giáo. Nhiều người đang đặt câu hỏi, liệu có phải Trung Quốc đã sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế của mình để quay lưng lại với Iran ?

 

Trung Quốc quay lưng lại với Iran ?

 

Rõ ràng, Trung Quốc không bao giờ muốn làm phật lòng Iran bởi những lợi ích kinh tế to lớn mà nước này có được từ nước CH Hồi giáo. Tuy nhiên, làm thế nào mà Trung Quốc bảo vệ được lợi ích của mình trong một tình huống khó khăn và nhều nguy cơ như lúc này?

 

Quan hệ với Iran rất quan trọng với Trung Quốc nhưng điều đó không có nghĩa là quan hệ giữa Trung Quốc với phương Tây, đặc biệt là Mỹ, và với các nước ở vùng Vịnh, lại không quan trọng.

 

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Trung Quốc (sau EU), vì thế, nước này có rất nhiều cách để làm cho Trung Quốc cảm thấy khó chịu nếu Bắc Kinh cố tình muốn phá hỏng nỗ lực gây sức ép buộc Iran từ bỏ chương trình hạt nhân của phương Tây.

 

Tình hình sẽ trở nên phức tạp hơn nếu Trung Quốc tính đến lập trường phản ứng gay gắt của Ả-rập Xê-út đối với chương trình hạt nhân Iran . Nếu ủng hộ Iran , Trung Quốc sẽ chọc giận Ả-rập Xê-út – nước cung cấp nguồn dầu mỏ lớn nhất cho họ. Đó là chưa kể đến những ảnh hưởng chính trị từ phương Tây và các nước vùng Vịnh phản đối Iran có vũ khí hạt nhân.

 

Chính vì những nhân tố trên, Trung Quốc hiểu rằng, họ không thể phớt lờ hoàn toàn những áp lực từ phương Tây và tiếp tục giao dịch với Iran như bình thường được.

 

Lập trường mà Bắc Kinh áp dụng hiện nay trong vấn đề Iran là lập trường nước đôi với mục tiêu cao nhất là bảo vệ được các lợi ích của nước này trên nhiều mặt trận.

 

Để tránh làm Iran tức giận, Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì lập trường phản đối lệnh cấm vận dầu mỏ và tiếp tục tuyên bố ủng hộ quyền của Tehran trong việc theo đuổi chương trình hạt nhân vì mục đích dân sự.

 

Trong khi đó, để xoa dịu Mỹ, phương Tây và các nước vùng Vịnh như Ả-rập Xê-út, Qatar, Các tiểu Vương quốc Ả-rập thống nhất... Trung Quốc đã thể hiện một loạt động thái trong chuyến thăm vùng Vịnh tuần này. Theo đó, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã lên tiếng “kịch liệt phản đối Iran phát triển và sở hữu vũ khí hạt nhân”. Ông Ôn Gia Bảo cũng cảnh báo Tehran không được đóng cửa Eo biển Hormuz – một trong những tuyến đường biển quan trọng nhất thế giới.

 

Ngoài ra, Trung Quốc cũng được cho là đang cắt giảm dần nguồn nhập khẩu dầu thô từ Iran để chứng tỏ rằng họ không phải là nước “phá bĩnh” kế hoạch gây sức ép của phương Tây đối với Iran. Theo nguồn tin từ Washington Post, trong tháng 1, Trung Quốc đã cắt giảm nhập khẩu dầu thô của Iran từ 550.000 thùng/ngày xuống còn 285.000 thùng.


Hải Yến

Ý kiến bạn đọc