Tổng thống nào sẽ ra đi trong năm 2012?

06:23, 30/01/2012
|

(VnMedia) - Năm 2012 được dự báo là năm của những thay đổi lớn trên chính trường thế giới. Một số Tổng thống sẽ phải ra đi nhường chỗ cho những bộ mặt mới. Tuy nhiên, có tổng thống phải ra đi trong cay đắng, có tổng thống ra đi trong tiếc nuối vì chưa hoàn thành ước mơ của mình trong khi có tổng thống ra đi chỉ đơn giản bởi vì họ đã hết nhiệm kỳ.
 
Tổng thống Syria sẽ ra đi trong cay đắng?
 
Có lẽ, Tổng thống Syria Ashar al-Assad là người phải đối diện với số phận mong manh nhất trong các nhà lãnh đạo thế giới trong năm nay. Con đường phía trước của Tổng thống Assad được dự báo sẽ vô cùng chông gai và ông có thể bị đánh đổ bất kỳ lúc nào. Lý do là không chỉ phải lo đối phó với những cuộc biểu tình rầm rộ, đẫm máu liên tiếp ở trong nước, ông Assad còn đối mặt với sức ép ngày một tăng và dồn dập từ các nước phương Tây đòi ông này phải từ chức.
 
Chính quyền Tổng thống Assad bắt đầu lao đao, điêu đứng khi đất nước Syria bị cuốn vào “cơn địa chấn” mang tên Cuộc Cách mạng Mùa xuân Ả-rập. Cơn địa chấn này đã bùng lên ở thế giới Ả-rập từ đầu năm Tân Mão và với sức mạnh như vũ bão, nó đã cuốn trôi một loạt chính quyền ở Tunisia, Ai Cập và Libya trong năm 2011. Dù chưa lật đổ được chính quyền của  Tổng thống Assad nhưng cơn địa chấn gây ra từ Cuộc Cách mạng Mùa xuân Ả-rập đang khiến cho đất nước Syria chao đảo, lung lay tới tận gốc rễ.
 

 Ảnh minh họa

Các cuộc biểu tình, bạo lực chống chính phủ tiếp tục diễn ra với mức độ ngày một quyết liệt hơn, đẫm máu hơn. Khi chính quyền của Tổng thống Assad càng ra tay đàn áp mạnh mẽ thì các cuộc biểu tình càng bùng lên dữ dội hơn. Mỗi ngày có hàng chục người chết. Tính từ khi các cuộc biểu tình nổ ra ở Syria từ hồi năm ngoái đến nay, đã có hàng chục nghìn người thiệt mạng. Syria thực sự đang bên bờ vực của một cuộc nội chiến "huynh đệ tương tàn". Tình hình càng trở nên xấu đi đối với Tổng thống Assad khi các cường quốc phương Tây đứng về phe đối lập kêu gọi ông từ chức. Họ còn dùng cả các biện pháp trừng phạt để dồn ép ông Assad. Trong bối cảnh như thế này, sớm hay muộn, ông Assad cũng sẽ bị đánh bật ra khỏi chiếc ghế tổng thống.
 
Sở dĩ, ông Assad còn trụ vững được trên chiếc ghế tổng thống Syria cho đến thời điểm này một phần là nhờ vào sự hậu thuẫn từ phía Nga. Moscow hiện tại vẫn đang ủng hộ mạnh mẽ cho chính quyền của ông Assad. Tuy nhiên, số phận của ông Assad không phải do Nga quyết định mà phụ thuộc phần lớn vào người dân Syria. Nếu không xử lý tốt các vấn đề trong nước, viễn cảnh mà Tổng thống Assad phải ra đi trong cay đắng là điều không tránh khỏi.
 
Tổng thống Obama: Thách thức phía trước
 
Tháng 11 này, ông Obama sẽ kết thúc nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên đầy khó khăn của mình. Tuy nhiên, ông sẽ tham gia tái tranh cử với hy vọng tiếp tục ở lại Nhà Trắng nhằm hoàn thành nốt những cam kết và mong ước mà ông đưa ra trước đó. Kết thúc nhiệm kỳ và ra đi là điều hết sức bình thường đối với bất kỳ nhà lãnh đạo thế giới nào. Tuy nhiên, nếu phải ra đi vào thời điểm này thì đó là một điều vừa đáng buồn vừa đáng tiếc cho ông Obama.
 
Từng được tung hô, chào đón như một vị thánh khi ông Barack Obama bước chân vào Nhà Trắng hồi đầu năm 2009. Nếu phải ra đi chỉ sau một nhiệm kỳ làm tổng thống với những dấu ấn và thành tích chưa mấy rõ nét thì liệu lịch sử sẽ viết gì về vị Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ? Để không trở thành một tổng thống mờ nhạt trong lịch sử nước Mỹ, ông Obama chắc chắn sẽ “quyết chiến” để giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới. 
 
 Ảnh minh họa

Tuy nhiên, gần đây, tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Obama đang liên tục sụt giảm mạnh. Việc người dân Mỹ có phần thất vọng về ông Obama là điều đã rõ nhưng liệu sự thất vọng đó có lớn đến mức đủ buộc ông Obama phải chịu một thất bại cay đắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới hay không. Nhiều người đã tỏ ra lo lắng cho tương lai của vị tổng thống da màu đầu tiên của họ khi có những thời điểm ông Obama đã tụt sau đối thủ lớn nhất của Đảng Cộng hòa Mitt Romney trong các cuộc thăm dò dư luận.
 
Tuy nhiên, tương lai không phải là quá u ám đối với ông Obama. Công chúng Mỹ có thể thất vọng về Tổng thống Obama nhưng họ cũng chẳng nhìn thấy ứng cử viên nào hơn ông. Phần lớn các cuộc thăm dò dư luận đều cho kết quả, ông Obama vẫn đang đứng đầu trong số các ứng cử viên tiềm năng. Hơn nữa, những tin mừng về sự khởi sắc của nền kinh tế Mỹ gần đây sẽ là cú huých cho ông Obama trong đường đua tái tranh cử sắp tới.
 
Chủ tịch Hồ Cẩm Đào kết thúc hai nhiệm kỳ lãnh đạo Trung Quốc
 
Một trong những sự kiện được dự báo thu hút sự chú ý lớn nhất của dư luận thế giới trong năm nay chính là cuộc chuyển giao quyền lực ở đất nước Trung Quốc – cường quốc số 2 thế giới. Sau hai nhiệm kỳ cầm quyền, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào sẽ rút khỏi vị trí quyền lực nhất của ông là Tổng Bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc vào tháng 10 hoặc tháng 11 tới. Và một thế hệ lãnh đạo mới trẻ trung hơn sẽ lên tiếp quản quyền lực.
 
 Ảnh minh họa

10 năm lãnh đạo đất nước là quá đủ đối với một chính khách. Và chắc rằng, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào không có gì phải tiếc nuối khi rời chính trường. Ông đã có đủ thời gian để thực hiện những tham vọng, những kế hoạch xây dựng đất nước Trung Quốc. Dưới thời Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, Trung Quốc đã lớn mạnh hơn rất nhiều nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn hơn.
 
Tổng thống Nicolas Sarkozy liệu có phải ra đi trong tiếc nuối?
 
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy được cho cũng là người phải đối diện với số phận mong manh trong năm nay bởi ông có thể phải ra đi sau một nhiệm kỳ lãnh đạo không mấy thành công.
 
Tự nhận mình là người bảo vệ nước Pháp, ông Sarkozy đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2007 và thẳng tiến vào Cung điện Elysee Palace nhờ vào những cam kết đem đến cho người dân Pháp an ninh, công việc và sự thịnh vượng.
 
Tuy nhiên, 5 năm sau, một môi trường kinh tế đang suy thoái được đánh dấu bởi tỉ lệ thất nghiệp cao và sức mua yếu ở nước Pháp đang khiến người ta hoài nghi về khả năng ông Sarkozy tái đắc cử nhiệm kỳ 2.
 
 Ảnh minh họa

Nếu những người ủng hộ cho rằng vị tổng thống 57 tuổi của họ đang nỗ lực đưa ra “hàng loạt phương thuốc chữa trị” các vấn đề gây ra từ cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực và toàn cầu thì những người phản đối ông lại cho rằng Pháp đang là điểm nóng của cuộc khủng hoảng vì chính sách thất bại của ông Sarkozy. Họ tin rằng, ông Sarkozy đã không tìm được con đường đúng đắn để nước Pháp tiến tới sự thịnh vượng.
 
Nếu nhìn vào những con số và những diễn biến gần đây ở Pháp, chẳng có gì có thể đảm bảo cho chiến thắng của Tổng thống Sarkozy. Rõ ràng, ông Sarkozy đang ở thế rất chênh vênh dù ông vẫn được đánh giá là ứng cử viên sáng giá. Nhiều người thậm chí còn dự đoán, ông Sarkozy có khả năng phải chịu thất bại trước đối thủ tiềm năng của Đảng Xã hội François Hollande.
 
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, Tổng thống Sarkozy đang có những bước hồi phục khá ngoạn mục nên việc ông đảo ngược tình thế trong cuộc bầu cử sắp tới hoàn toàn là chuyện có thể.
 
Có thể nói, cuộc bầu cử ở Pháp sắp tới hứa hẹn chứa đựng nhiều yếu tố kịch tính và đầy bất ngờ bởi chuyện đi hay ở của Tổng thống Sarkozy vẫn còn là một ẩn số khó giải.
 
Tổng thống Medvedev rời điện Kremlin
 
Giống như Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev sẽ rời điện Kremlin trong năm nay đơn giản chỉ bởi vì ông đã hoàn thành nhiệm kỳ lãnh đạo của mình.
 
Tổng thống Medvedev đã có 4 năm cầm quyền tương đối thành công khi dẫn dắt nước Nga chống chọi và đương đầu với cuộc khủng hoảng tài chính thế giới tốt hơn nhiều so với các nước khác. Thế và lực của nước Nga dưới thời ông Medvedev cũng tiếp tục được phát triển. Sự thành công của Tổng thống Medvedev thể hiện ở việc tỉ lệ người dân ủng hộ ông này luôn cao. Ông chủ điện Kremlin được nhận xét là một người thông minh, sắc sảo và giao tiếp tốt. Giấu sau vẻ bề ngoài điềm đạm và có phần hiền lành, ông Medvedev là một nhà lãnh đạo rất cứng rắn và quyết liệt.
 
 Ảnh minh họa

Nếu tiếp tục ra tái tranh cử nhiệm kỳ tới, ông Medvedev hoàn toàn có khả năng giành chiến thắng. Tuy nhiên, ông đã quyết định “nhường bước” cho “người thầy” cũng là người tiền nhiệm của ông – Thủ tướng Vladimir Putin. Theo đó, Thủ tướng Putin sẽ tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử sắp tới. Với chiến thắng dường như nắm chắc trong tay, ông Putin sẽ trở thành Tổng thống và ông Medvedev sẽ được bầu làm Thủ tướng sau đó.
 
Với tài năng lãnh đạo, sự thông minh, sắc sảo và cả sức trẻ, ông Medvedev được dự báo sẽ còn tiếp tục tỏa sáng trên chính trường nước Nga. Rất có thể, ông sẽ trở lại điện Kremlin trong 6 hoặc 12 năm sau.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc