Obama: Từ đỉnh cao rơi xuống vực thẳm?

06:13, 27/01/2012
|

(VnMedia) - Theo những cuộc thăm dò dư luận trong thời gian gần đây, tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Barack Obama liên tục sụt giảm mạnh. Liệu đây có phải là dấu hiệu cho thấy, người Mỹ đã thất vọng và chán ngán với vị tổng thống mà họ từng tung hô, chào đón như một vị thánh khi ông này bước chân vào Nhà Trắng hồi đầu năm 2009. Nếu Tổng thống Obama thực sự làm người dân Mỹ thất vọng thì ông có nguy cơ sẽ phải chịu một thất bại cay đắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.
 
Từ đỉnh cao...
 
Có lẽ, người dân thế giới giờ đây vẫn chưa thể quên được thời khắc lịch sử khi ông Obama nhậm chức Tổng thống Mỹ dù nó đã xảy ra cách đây 3 năm. Nhiều người có khi vẫn còn nhớ đến từng chi tiết. Ông Obama đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 44 của nước Mỹ trước biển người nghìn nghịt ở phía dưới đang phát sốt, phát cuồng vì nhà lãnh đạo mới của họ dù thời tiết lúc đó vô cùng giá lạnh, có lúc xuống mức -7 độ C.
 
Ước tính, có khoảng 2 triệu người đổ về thủ đô Washington D.C để được chứng kiến thời khắc lịch sử mà họ chưa bao giờ tin là có thể xảy ra – đó là sự kiện Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ - cường quốc số 1 của thế giới, nhậm chức.
 
Không chỉ người dân Mỹ “phát sốt” vì Tổng thống Obama mà người dân khắp thế giới cũng háo hức, cũng vui mừng, nô nức chào đón, mở tiệc ăn mừng sự kiện ông Obama nhậm chức. Tại sao một vị chính khách da màu trông khá bình dị và chưa nhiều tiếng tăm như ông Obama lại có thể tạo ra một “cơn sốt” lan khắp thế giới một cách đáng kinh ngạc như vậy? 
 
Không chỉ là người da màu đầu tiên được nắm giữ ngôi vị Tổng thống tại nước Mỹ, ông Obama còn là người giành được số phiếu bầu cao nhất trong lịch sử bầu cử của cường quốc này. Ông Obama đắc cử vào Thượng viện Mỹ với 70% phiếu bầu, trở thành thượng nghị sĩ gốc Phi thứ năm trong lịch sử Mỹ và là người Mỹ gốc Phi duy nhất phục vụ trong Thượng viện. Ông đã thắng cử với 53% số phiếu phổ thông và 365 phiếu đại cử tri, đánh bại đối thủ chính là ứng cử viên Đảng Cộng hòa, ông John McCain, người chỉ nhận được 46% số phiếu phổ thông và 163 phiếu đại cử tri.
 
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2008 diễn ra trong lúc nước Mỹ đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ nghiêm trọng, đời sống người dân khốn khó và uy tín của nước Mỹ tiếp tục giảm sút mạnh bởi chính sách ngoại giao cứng rắn của chính quyền Tổng thống Bush. Hơn lúc nào hết, người dân Mỹ khao khát có một sự thay đổi. Trong bối cảnh ấy, với khẩu hiệu tranh cử “Thay đổi” (Change - we can believe in), ông Barack Obama đã đánh trúng lòng mong mỏi của các cử tri Mỹ. Với một chiến dịch tranh cử nhạy bén, thông minh, được tổ chức tốt; một khoản tiền tranh cử kỷ lục và một môi trường chính trị thuận lợi, ông Obama đã dễ dàng giành chiến thắng để tiến thẳng lên vị trí đỉnh cao quyền lực. Không những thế, ông còn giành được rất nhiều tình cảm cũng như sự kỳ vọng của người dân.
 
... rơi xuống vực thẳm?
 
3 năm đã trôi qua kể từ khi ông Obama nhậm chức. Giờ đây, mọi việc với ông Obama không còn tươi sáng như lúc trước. Thay vì được tung hô, ca ngợi, Tổng thống Obama giờ đây đang phải đối mặt với rất nhiều lời chỉ trích. Người dân Mỹ dường như đang thất vọng rất lớn về vị chính khách mà họ đã từng đặt quá nhiều kỳ vọng. Điều này được thể hiện qua tỉ lệ ủng hộ Tổng thống Obama ngày càng sụt giảm. Đáng chú ý, trong cuộc thăm dò dư luận của Associated Press-GfK hồi tháng 12 năm ngoái, có tới hơn một nửa dân chúng Mỹ (52%) cho rằng, ông Obama nên bị đánh bại trong cuộc bầu cử tổng thống nhiệm kỳ tới trong khi 43% người ủng hộ ông tái đắc cử nhiệm kỳ hai. Liệu có phải Tổng thống Obama đang rơi xuống vực thẳm và ông sẽ phải đối mặt với một thất bại thảm hại trong cuộc đua vào Nhà Trắng sắp tới?
 
Theo hầu hết các nhà phân tích, câu trả lời là “không”. Mặc dù hơn một nửa công chúng Mỹ đang muốn “loại” ông Obama ra khỏi Nhà Trắng nhưng ông này vẫn đang vượt qua các đối thủ nặng ký khác như Mitt Romney và Newt Gingrich về tỉ lệ ủng hộ của người dân. Ông Obama được tin là vẫn nắm giữ khả năng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới nhiều hơn các đối thủ còn lại. Công chúng Mỹ có thể đã hơi thất vọng về Tổng thống Obama vì họ đã đặt quá nhiều kỳ vọng vào ông này. Ông Obama cũng mắc một sai lầm đã đề ra một chương trình nghị sự quá nhiều tham vọng với mục tiêu giải quyết tất cả những thách thức mà nước Mỹ đang phải đối mặt như cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ và hai cuộc chiến tranh đầy mệt mỏi.
 
Dù thành tích mà ông Obama đạt được trong thời gian qua chưa rõ nét nhưng không có nghĩa là ông không làm được điều gì.
 
Dấu ấn rõ nét nhất mà Tổng thống Obama để lại trong thời gian cầm quyền 3 năm qua chính là trên mặt trận đối ngoại. Một trong những thành tựu rõ ràng nhất là ông Obama đã tiêu diệt được trùm khủng bố khét tiếng thế giới Osama Bin Laden – điều mà người tiền nhiệm của ông – Tổng thống Bush đã nỗ lực đổ bao tiền của và công sức trong suốt gần một thập kỷ mà cũng không thể thành công. Nhiều cuộc thăm dò dư luận được tiến hành sau khi thông tin về cái chết của Bin Laden được tung ra cho thấy, tỉ lệ ủng hộ ông chủ Nhà Trắng đã tăng vọt lên hơn 10% điểm, đạt mức cao kỷ lục trong vòng 2 năm trước đó.
 
Cái chết của Tổng thống Libya Muammar Gaddafi cũng như việc Mỹ rút hết quân ra khỏi Iraq hồi cuối năm 2011 cũng được đánh giá là những thành tựu nổi bật của ông Obama trên trường quốc tế. Chắc chắn, những thành tích trên sẽ được ghi nhận khi ông Obama tham gia tái tranh cử nhiệm tới. Tuy nhiên, điều mà người dân Mỹ quan tâm nhất đến lúc này chính là nền kinh tế. Các chuyên gia cũng nhận định, ông Obama có khả năng tái đắc cử hay không phục thuộc rất nhiều vào sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ.
 
Tin mừng cho ông Obama là nền kinh tế Mỹ được đánh giá là đang dần khởi sắc dù có phần chậm chạp. Bản thân nhiều người Mỹ cũng tin rằng nền kinh tế đất nước họ đang tốt lên. Có một vài con số cho thấy niềm tin của người dân Mỹ là đúng. Bất chấp việc khu vực đồng tiền chung châu Âu đang điêu đứng, nền kinh tế Mỹ cho thấy những dấu hiệu phục hồi đáng kể. Doanh số bán lẻ của Mỹ bất ngờ tăng mạnh trong tháng 10/2011. Chỉ số sản xuất tăng 0,6% trong tháng 11. Đây là lần đầu tiên trong 5 tháng, chỉ số này tăng trở lại, dấu hiệu cho thấy hoạt động sản xuất mở rộng trong tháng 11. Tỷ  lệ thất nghiệp ở Mỹ trong tháng 12/2011 là 8,5%, thấp nhất trong vòng 3 năm qua và giảm so với mức 8,7% trong tháng 11. Tỷ lệ thất nghiệp giảm là tin vui rất lớn đối với ông Obama bởi nó sẽ là cú huých mạnh cho ông này trong cuộc đua vào Nhà Trắng đang tới gần.
 
Sự phục hồi về kinh tế nói trên khiến giới phân tích nhớ lại “điều thần kỳ” hồi năm 1984, khi đó, chính sự khởi sắc của nền kinh tế đã bất ngờ giúp Tổng thống Ronald Reagan tái đắc cử một cách ngoạn mục. Nhiều người cho rằng, lịch sử có thể tái lặp lại với Tổng thống Obama.


Hải Yến

Ý kiến bạn đọc