Cuộc chiến nào sẽ xảy ra năm 2012?

06:48, 29/01/2012
|

(VnMedia) - 2011 là năm sóng gió trên chính trường quốc tế khi thế giới phải chứng kiến liên tiếp hàng loạt các cuộc biểu tình, những vụ bạo lực, đối đầu và cả những cuộc nội chiến đẫm máu xuyên suốt cả năm. Xu hướng bất ổn, chiến tranh và bạo lực này được cho là sẽ tiếp tục kéo dài sang cả năm 2012 bởi những mâu thuẫn tồn tại từ năm ngoái vẫn chưa được giải quyết mà có phần còn trở nên nghiêm trọng hơn. Những điểm nóng bỏng có thể leo thang thành chiến tranh trong năm nay là Syria, Triều Tiên và Iran.
 
Điểm nóng Syria  

Syria thực sự đang bên bờ vực của một cuộc nội chiến đẫm máu. Đã có hàng nghìn người người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình bạo lực kéo dài nhiều tháng qua ở đất nước này và số lượng binh lính đào ngũ cầm vũ khí chống lại chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad cũng đang ngày một gia tăng. Khi chính quyền của Tổng thống Assad càng ra tay đàn áp mạnh mẽ các cuộc biểu tình thì sự phản đối ngày càng trở nên quyết liệt hơn. Mỗi ngày qua đi, sự đối đầu giữa lực lượng thân chính phủ với những người biểu tình ngày một căng thẳng hơn, bạo lực hơn và đẫm máu hơn với nhiều người chết hơn. Nếu tình hình cứ tiếp tục như thế này thì viễn cảnh Syria rơi vào một cuộc nội chiến là không thể tránh khỏi.
 
Nguy hiểm hơn, cuộc chiến ở đất nước Syria nếu nổ ra có thể kéo thêm nhiều cường quốc dính líu vào và nó có thể biến thành một cuộc chiến tranh khu vực hoặc thậm chí là chiến tranh thế giới. Người ta có lý do để lo ngại cuộc chiến ở Syria biến thành một cuộc chiến tranh thế giới bởi ở đây có sự đối đầu gay gắt giữa hai cường quốc Nga-Mỹ. Trong khi “chảo lửa” ở Syria đang bốc cháy dữ dội thì phương Tây do Mỹ dẫn đầu tìm cách “đổ thêm dầu vào lửa” bằng các biện pháp trừng phạt nhằm mục đích gây sức ép, dồn chính quyền của Tổng thống Assad vào đường cùng. Ngược lại, Nga lại đứng về phía Tổng thống Assad, phản đối các động thái của phương Tây nhằm vào Syria.
 
Moscow đã công khai tuyên bố sẽ bảo vệ chính quyền của Tổng thống Assad và không để Syria biến thành Libya thứ hai. Để minh chứng cho tuyên bố của mình, Nga đã điều một loạt tàu chiến đến vùng biển ngoài khơi Syria hồi cuối năm ngoái. Ngoài ra, Nga còn tuyên bố sẽ cung cấp cho Syria một loạt tên lửa hành trình siêu thanh đối hạm Yakhont. Đáp lại, Mỹ liên tục kêu gọi Tổng thống Assad từ chức, chỉ trích lập trường của Nga trong vấn đề Syria đồng thời điều một số tàu chiến của mình đến khu vực.
 
Nếu các bên liên quan đến tình hình Syria không kiềm chế, để cuộc chiến ở đất nước Trung Đông này bùng nổ thì hậu quả sẽ kinh khủng hơn ở Libya gấp nhiều lần bởi ở đây có sự tham gia của các cường quốc hàng đầu thế giới ở hai phe đối lập nhau.

Thùng thuốc súng Iran sắp phát nổ
 
Một trong những điểm nóng nhất của thế giới trong năm qua chính là Iran. Nước CH Hồi giáo này được cho là sẽ tiếp tục là điểm nóng đáng lo ngại nhất của thế giới trong năm nay.
 
Quan hệ giữa Iran với các cường quốc phương Tây từ lâu vốn luôn ở trong trạng thái căng như dây đàn, lúc nào cũng như sắp sửa rơi vào miệng hố chiến tranh, chỉ bởi vì chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran. Tuy nhiên, mối quan hệ căng thẳng này bắt đầu leo lên đến gần đỉnh điểm vào hồi tháng 11 năm ngoái khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tung ra một bản báo cáo gây sốc, trong đó lần đầu tiên cơ quan này cáo buộc Tehran đang bí mật sản xuất bom nguyên tử. Thông tin gây chấn động này ngay lập tức trở thành “mồi lửa” kích cho ngọn lửa âm ỉ ở khu vực Trung Đông bùng cháy dữ dội. Ngay lập tức sau đó, tin đồn dấy lên về việc Mỹ, Anh và Israel đang lên kế hoạch tấn công Iran.
 
Những diễn biến căng thẳng trong quan hệ Iran-phương Tây tiếp tục diễn ra liên tiếp suốt từ cuối năm 2011 đến những ngày đầu năm 2012. Điều đáng lo ngại là những diễn biến này có liên quan đến rất nhiều động thái quân sự như các cuộc tập trận, bắn thử tên lửa hay điều tàu chiến ra vào trong khu vực điểm nóng. Phương Tây còn tìm cách “cắt” đường sống của Iran bằng việc thực thi lệnh cấm vận dầu mỏ.
 
Ai dường như cũng có thể cảm nhận rõ độ nóng chưa từng có ở Trung Đông trong thời gian qua. Và chưa lúc nào mà người ta lại lo ngại về sự bùng nổ của một cuộc chiến tranh Iran như thời điểm hiện tại.
 
Nếu nhìn vào những diễn biến đã và đang xảy ra trong mối quan hệ giữa Iran và phương Tây gần đây thì ai cũng có thể tin rằng, chiến tranh đã ập đến cửa đất nước Hồi giáo. Niềm tin này càng được củng cố khi quân đội Mỹ ngay những ngày đầu năm mới đã tuyên bố triển khai một loạt nhóm tàu sân bay tấn công đến vùng Biển Ả-rập.
 
Tuy nhiên, có nhiều lý do để chúng ta có thể lạc quan tin rằng, chiến tranh sẽ không xảy ra ở khu vực Trung Đông trong thời gian trước mắt. Thứ nhất, Tổng thống Mỹ Barack Obama chắc chắn sẽ không muốn châm ngòi cho một cuộc chiến tranh mới ngay trước thềm cuộc bầu cử quan trọng vào tháng 11 tới. Ngoài ra, Mỹ và các nước phương Tây cũng hiểu rõ hơn ai hết về những hậu quả khủng khiếp nếu để khu vực Trung Đông rơi vào một cuộc chiến tranh. Phương Tây sẽ không chỉ phải đối mặt với một mình Iran mà họ sẽ phải đương đầu với một loạt những đồng minh khác của Iran. Vì thế, cuộc chiến tranh Iran nhiều khả năng sẽ lan thành một cuộc chiến khu vực. Hơn nữa, Iran là một đối thủ đáng gờm đối với Mỹ và phương Tây. Với một Libya không hề mạnh về quân sự mà phương Tây còn phải mất nhiều tháng trời mới có thể hạ gục thì với một Iran sở hữu kho vũ khí hiện đại và tinh thần thép, phương Tây chắc chắn sẽ có một cuộc chiến vô cùng khó khăn với tổn thất về người và của không hề nhỏ.
 
Chưa hết, trong bối cảnh các nước phương Tây đang phải “oằn” mình gánh chịu những nỗi đau từ cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ thì liệu họ có dám lao vào một cuộc chiến tranh tốn kém tiền của nữa hay không?

Triều Tiên-Hàn Quốc: đối đầu hay hòa dịu?
 
Triều Tiên cũng là nước được quan tâm hàng đầu trên chính trường thế giới trong năm nay bởi ở nước này vừa diễn ra một cuộc chuyển giao quyền lực. Sau khi Chủ tịch Kim Jong Il đột ngột qua đời hồi tháng 12, con trai ông – Đại tướng trẻ Kim Jong Un đã nhanh chóng tiếp quản quyền lực. Việc ông Kim Jong Un lên cầm quyền ở tuổi còn quá trẻ, khi chưa đầy 30 tuổi, đã khiến cho người dân thế giới rất tò mò và quan tâm không biết ông này sẽ lãnh đạo đất nước Triều Tiên với một lực lượng quân đội đông đảo hàng đầu thế giới ra sao. Người ta cũng đang tự hỏi, vị tướng trẻ này sẽ xử lý mối quan hệ khó khăn và phức tạp với Hàn Quốc như thế nào.
 
Cho đến thời điểm này, câu hỏi về việc tình hình quan hệ liên Triều sẽ tiến triển theo hướng nào trong năm 2012 thực sự đang là một ẩn số khó giải. Liệu có xảy ra một cuộc chiến tranh Triều Tiên-Hàn Quốc mới hay là hai nước này sẽ bắt tay nhau, bắt đầu một tiến trình hòa dịu mới. Có vẻ như xu thế hòa dịu khó xảy ra bởi khi ông Kim Jong Un lên nắm quyền, chính phủ Triều Tiên đã từng thề sẽ không bao giờ quan hệ với chính phủ của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak - người có lập trường cứng rắn với Triều Tiên hơn người tiền nhiệm.
 
Một số nhà phân tích tin rằng, năm 2012 sẽ là năm chứng kiến quan hệ liên Triều rơi vào sóng gió. Những người này cho rằng, Đại tướng Kim Jong Un sẽ tìm cách chứng tỏ bản thân, chứng tỏ quyền lực, khả năng lãnh đạo và sự cứng rắn của mình bằng một số hành động “răn đe” Hàn Quốc.
 
Xu hướng căng thẳng trong quan hệ liên Triều đã bắt đầu lộ dần ngay từ những ngày đầu năm khi Hàn Quốc tập trận bắn đạn thật tại hòn đảo từng bị Triều Tiên nã pháo hôm 26/1 vừa rồi. Đáp lại, Bình Nhưỡng đe dọa sẽ tiến hành một cuộc chiến tranh toàn diện với Hàn Quốc.
 
Rõ ràng, quan hệ liên Triều sẽ không có một tương lai êm đẹp trong năm nay. Tuy nhiên, mối quan hệ căng thẳng này được cho là sẽ không đến mức leo thang thành một cuộc chiến tranh.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc