Căng thẳng Mỹ-Iran đang leo đến đỉnh điểm?

07:52, 13/01/2012
|

(VnMedia) - Ngọn lửa căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Iran tuần này được dịp bùng phát dữ dội khiến nhiều người tin rằng bầu không khí đặc mùi thuốc súng ở khu vực Trung Đông sắp phát nổ.
 
Căng thẳng đang leo đến đỉnh điểm?
 
Quan hệ giữa Iran với các cường quốc phương Tây do Mỹ dẫn đầu bắt đầu trở nên “căng như dây đàn” kể từ sau khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) hồi cuối năm ngoái đưa ra một bản báo cáo ám chỉ Iran đang tìm cách sản xuất vũ khí hạt nhân.
 
Ngay khi bản báo cáo trên được tung ra, các nước phương Tây hối hả tìm cách gây áp lực, dồn ép quyết liệt để Tehran từ bỏ tham vọng hạt nhân. Mỹ, Anh, Canada... đồng loạt thông báo những biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn nhằm vào Iran. Tin đồn cũng dấy lên về việc Mỹ, Anh và Israel đang bàn cách đánh Iran.
 
Cả khu vực Trung Đông chỉ trong một thời gian ngắn đã biến thành một chảo lửa nóng bỏng với những các cuộc tập trận rầm rộ, những lời đe dọa, cảnh báo lẫn nhau. Vẫn chưa dừng lại ở đó, căng thẳng giữa Iran và phương Tây càng lúc càng leo thang vì một loạt diễn biến mới xảy ra trong liên tiếp hai tuần đầu năm mới 2012.
 
Ngay trong tuần đầu năm mới, Iran đã tung hỏa lực mù mịt bằng những màn thử tên lửa và bắn đạn pháo dày đặc trong một cuộc tập trận rầm rộ ở khu vực biển gần Eo biển chiến lược Hormuz. Sau đó, Mỹ, Israel và kể cả Iran lại tung ra thông tin về một loạt những cuộc tập trận mới khiến ai củng cảm nhận rõ độ nóng chưa từng có ở Trung Đông trong một thời gian dài trở lại đây. Tuy nhiên, lúc này, các nhà phân tích vẫn tin rằng, đó chỉ là những màn biểu dương lực lượng nhằm mục đích “nắn gân”, đe dọa, cảnh báo lẫn nhau chứ trên thực tế sẽ khó xảy ra một cuộc chiến tranh.
 
Nhưng với hàng loạt diễn biến dồn dập xảy ra trong tuần này, nhiều người thực sự lo ngại, thùng thuốc súng Mỹ-Iran có thể sắp phát nổ.
 
Ngay đầu tuần, Iran tuyên bố kết án tử hình một gián điệp Mỹ. Amir Mirzai Hekmati, một cựu lính thủy đánh bộ 28 tuổi sinh ra ở Mỹ trong một gia đình gốc Iran, “đã bị kết án tử hình vì tội hợp tác với quốc gia kẻ thù của Iran là Mỹ và làm gián điệp cho Cơ quan Tình báo Trung ương – CIA”, hãng thông tấn ISNA dẫn lời trưởng công tố viên Iran – ông Gholamhossein Mohseni-Ejei, hôm 9/1 thông báo. Đáp lại, Mỹ phủ nhận việc Hekmati là tình báo của CIA đồng thời kêu gọi Iran phóng thích anh này ngay lập tức. Khi Mỹ đang bận suy nghĩ về vụ án gián điệp này thì Tehran đưa ra một thông tin gây sốc về chương trình hạt nhân của họ. Theo đó, Iran tuyên bố đang làm giàu uranium ở mức độ tinh khiết 20% tại một nhà máy ngầm dưới lòng đất. Tiết lộ này đã khiến phương Tây thực sự nổi giận bởi nó chẳng khác nào một hành động thách thức đầy ngạo nghễ của Tehran trong bối cảnh các cường quốc phương Tây đang tìm mọi cách để ngăn cản chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước CH Hồi giáo.
 
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ - bà Victoria Nuland phát biểu, việc Iran làm giàu uranium ở cấp độ 20% ở nhà máy Fordo “là hành động vi phạm nghiêm trọng hơn nữa các nghĩa vụ hạt nhân của nước này”. Ngoại trưởng Anh William Hague thì miêu tả động thái mới của Iran là “một hành động đầy khiêu khích". Trong khi đó, Đức muốn Mỹ và Liên minh Châu Âu nhanh chóng thực thi các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn nữa đối với Iran.
 
Trong bối cảnh ngọn lửa căng thẳng giữa Iran và phương Tây đang bùng cháy dữ dội thì xảy ra vụ một chuyên gia hạt nhân của Iran bị ám sát. Vụ việc này khiến cho mọi thứ dường như vượt khỏi tầm kiểm soát. Cả đất nước Iran sôi sục trong sự căm phẫn và tức giận. Từ dân thường đến quan chức cao cấp ở nước CH Hồi giáo đều tin rằng, Mỹ và Israel đứng đằng sau vụ ám sát chuyên gia hạt nhân
Mostafa Ahmadi-Roshan của họ. Người Iran có thêm cơ sở để tin rằng, Mỹ và Israel đang phát động một cuộc chiến tranh ngầm với họ bởi trước chuyên gia Roshan, có 3 nhà khoa học hạt nhân khác của Iran bị giết hại chỉ trong vòng 2 năm qua.
 
Phó Tổng thống thứ nhất của Iran – ông Mohammad-Reza Rahimi tuyên bố, kẻ thù nên biết họ sẽ không bao giờ có thể ngăn cản được bước tiến về khoa học của Iran bằng những hành động khủng bố kiểu đó.
 
Sự tức giận của người dân Iran thể hiện ở việc, sau khi tin tức về vụ ám sát Ahmadi-Roshan được đưa ra, Quốc hội Iran dậy sóng với những tiếng hô đầy tức giận “Israel phải chết” , “Mỹ phải chết”. Chưa hết, hôm qua, sinh viên của các trường Đại học ở thủ đô Tehran đã kéo đến cửa các đại sứ quán của Anh, Pháp, Đức để biểu tình phản đối vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân của họ.
 
Tất cả những diễn biến dồn dập trong tuần này đã khiến mối quan hệ căng thẳng giữa Iran với phương Tây do Mỹ dẫn đầu đang leo lên đến đỉnh điểm. Câu hỏi được đặt ra là liệu căng thẳng này có bùng phát thành một cuộc chiến tranh hay không?
 
Thùng thuốc súng có phát nổ?
 
Nếu nhìn vào những diễn biến đã và đang xảy ra trong mối quan hệ giữa Iran và phương Tây gần đây thì ai cũng có thể tin rằng, chiến tranh là điều không thể tránh khỏi. Niềm tin này càng được củng cố khi quân đội Mỹ hôm 11/1 tuyên bố, một nhóm tàu sân bay tấn công mới của nước này vừa đến vùng Biển Ả-rập và một nhóm tàu khác đang trên đường đến khu vực. Dù Mỹ phủ nhận các động thái quân sự này có liên quan đến căng thẳng gần đây với Iran nhưng việc điều động tàu chiến của Mỹ trong thời điểm căng thẳng bùng phát này khiến người ta không thể không nghi ngờ Mỹ sắp đánh Iran.
 
Tuy nhiên, có nhiều lý do để chiến tranh không xảy ra ở khu vực Trung Đông trong thời gian trước mắt. Thứ nhất, Tổng thống Mỹ Barack Obama chắc chắn sẽ không muốn châm ngòi cho một cuộc chiến tranh mới ngay trước thềm cuộc bầu cử quan trọng vào năm sau. Nếu phát động thêm một cuộc chiến tranh trong bối cảnh nước Mỹ đang gặp khó khăn về kinh tế thì rõ ràng ông Obama đã tự làm mình thua trong nỗ lực tái tranh cử nhiệm kỳ mới.
 
Mỹ và các nước phương Tây cũng hiểu rõ hơn ai hết về những hậu quả khủng khiếp nếu để khu vực Trung Đông rơi vào một cuộc chiến tranh. Phương Tây sẽ không chỉ phải đối mặt với một mình Iran mà họ sẽ phải đương đầu với một loạt những đồng minh khác của Iran. Vì thế, cuộc chiến tranh Iran nhiều khả năng sẽ lan thành một cuộc chiến khu vực. Hơn nữa, Iran là một đối thủ đáng gờm đối với Mỹ và phương Tây. Với một Libya không hề mạnh về quân sự mà phương Tây còn phải mất nhiều tháng trời mới có thể hạ gục thì với một Iran sở hữu kho vũ khí hiện đại và tinh thần thép, phương Tây chắc chắn sẽ có một cuộc chiến vô cùng khó khăn với tổn thất về người và của không hề nhỏ.

Phương Tây cũng không muốn dính thêm vào một cuộc chiến tranh tốn kém khi họ đang phải vật lộn với một nền kinh tế chồng chất khó khăn. Đánh Iran đồng nghĩa với việc phương Tây tự hại chính họ bởi cuộc chiến này sẽ khiến cho nền kinh tế của các nước phương Tây thêm lao đao.
 
Ngoài những lý do trên, cuộc chiến ở Iran nếu xảy ra sẽ vấp phải sự phản đối của nhiều nước, đặc biệt là hai cường quốc Nga và Trung Quốc. Liệu Mỹ và phương Tây có muốn đối đầu với Nga, Trung trong thời điểm mà họ rất cần sự hỗ trợ của hai cường quốc này, đặc biệt là Trung Quốc, trong nỗ lực thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay? Và liệu Mỹ có muốn mất thêm điểm trong mắt người dân thế giới?


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc