2012, Mỹ sẽ tiếp tục dồn ép Trung Quốc

06:49, 29/01/2012
|

(VnMedia) - Năm 2011 chứng kiến quan hệ giữa hai cường quốc Trung-Mỹ nổi sóng to gió lớn. Nguyên nhân lớn nhất đẩy quan hệ giữa hai siêu cường hàng đầu thế giới rơi vào căng thẳng nghiêm trọng là do Mỹ tuyên bố quay trở lại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Bắc Kinh tin rằng, đây thực chất là kế hoạch của Mỹ nhằm bao vây, kiềm chế Trung Quốc. Năm 2012, Mỹ chắc chắn sẽ đẩy mạnh việc thực hiện kế hoạch quay trở lại Châu Á mà họ đã khởi động từ năm 2011 và vì vậy, quan hệ Mỹ-Trung được dự báo sẽ tiếp tục sóng gió.
 
Quan hệ Mỹ-Trung giá lạnh trong năm 2011
 
Chỉ mới cách đây 3 năm, khi Tổng thống Barack Obama bước vào Nhà Trắng, ông này đã không ngừng nói đến tiềm năng của mối quan hệ G-2 (Mỹ-Trung). Khi đó, ông Obama đã dự báo về viễn cảnh G-2 sẽ lãnh đạo thế giới. Và quan hệ Mỹ-Trung đã có một thời gian dài phát triển khá suôn sẻ và êm dịu. Tuy nhiên, do giữa hai nước này vốn luôn tồn tại một sự nghi kỵ, thiếu tin tưởng lẫn nhau nên mối quan hệ giữa họ không phát triển được như mong đợi. Kể từ nửa cuối năm 2011, quan hệ Mỹ-Trung đã bất ngờ tuột dốc sau sự khởi sắc đầy triển vọng hồi đầu năm.
 
Nguyên nhân làm xấu đi quan hệ giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới vẫn là những vấn đề muôn thuở rất cũ như việc Mỹ bán vũ khí cho Vùng lãnh thổ Đài Loan, vấn đề Tây Tạng và chính sách tiền tệ của Trung Quốc.
 
Bất chấp sự phản đối quyết liệt và mạnh mẽ của Trung Quốc, Tổng thống Barack Obama hồi tháng 7 năm ngoái vẫn gặp gỡ Lãnh đạo tinh thần của người Tây Tạng – Đạt Lai Lạt Ma. Mặc dù sau đó, vào tháng 8, Phó Tổng thống Mỹ đã có chuyến thăm Trung Quốc nhằm hàn gắn quan hệ hai bên nhưng một sự kiện khác đã giáng đòn mạnh vào mối quan hệ Mỹ-Trung vốn đang lao đao, sóng gió này. Đó là sự kiện chính phủ Mỹ thông qua một hợp đồng bán vũ khí trị giá 5,85 tỉ USD cho Vùng lãnh thổ Đài Loan. Chưa hết, đến tháng 10, Thượng viện Mỹ còn thông qua một dự luật cho phép trừng phạt Trung Quốc vì cái mà họ gọi là “sự thao túng tiền tệ".
 
Tuy nhiên, nguyên nhân lớn nhất đẩy quan hệ giữa hai siêu cường Mỹ-Trung đến bờ vực thẳm chính là việc Washington tuyên bố quay trở lại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Những tháng cuối năm 2011 là thời điểm Mỹ có một loạt những hoạt động, sự kiện nhằm thể hiện họ là một cường quốc Châu Á-Thái Bình Dương. Tổng thống Barack Obama cùng với Ngoại trưởng Hillary Clinton đã thực hiện một loạt chuyến thăm quan trọng đến các nước Châu Á. Trong đó, đáng chú ý nhất là chuyến thăm của Tổng thống Obama đến Australia và chuyến thăm của Ngoại trưởng Hillary đến Philippines. Trong hai chuyến thăm này, ông Obama và bà Hillary đã có một số động thái và phát biểu khiến Trung Quốc cảm thấy bất an. Tại Australia, Tổng thống Obama đã chính thức thông báo kế hoạch triển khai hàng nghìn quân đến xứ sở chuột túi trong vài năm tới. Tiếp đến, Ngoại trưởng Hillary khi ở thăm Philippines đã cam kết sẽ bảo vệ nước này trong một cuộc tranh chấp lãnh hải ở khu vực. Cam kết này rõ ràng ám chỉ đến Trung Quốc bởi giữa nước này với Philippines đang có cuộc tranh chấp lãnh hải ở khu vực Biển Đông. Mỹ còn tuyên bố sẽ triển khai một loạt tàu chiến đến Singapore, Thái Lan, Philippine...
 
Với tất cả những diễn biến liên tiếp nói trên trong nửa cuối năm 2011, quan hệ giữa hai siêu cường Mỹ-Trung đang từ trạng thái hợp tác suôn sẻ chuyển thành đối đầu gay gắt với nhau. 
 
Mỹ sẽ tiếp tục dồn ép Trung Quốc trong năm 2012?
 
Có 2 lý do để tin rằng, quan hệ Mỹ-Trung trong năm 2012 sẽ tiếp tục được thử lửa. Lý do thứ nhất là đây sẽ là năm Mỹ triển khai kế hoạch giành lại ảnh hưởng ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
 
Washington từng nhấn mạnh, tất cả những hoạt động ngoại giao-quân sự sôi động mà Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Hillary tiến hành hồi năm ngoái ở các nước Châu Á-Thái Bình Dương chỉ nhằm để truyền đi thông điệp rằng Mỹ là một cường quốc Châu Á-Thái Bình Dương hòa bình và việc họ triển khai lính thủy đánh bộ ở Australia không phải là nhằm để cô lập Trung Quốc.
 
Tuy nhiên, Bắc Kinh làm sao có thể tin vào những phát biểu nói trên. Cường quốc hàng đầu Châu Á này tin rằng, Mỹ đang tìm cách xâm phạm vào vùng ảnh hưởng của họ và tìm cách bao vây, kiềm chế họ. Bắc Kinh đã có những phản ứng rất gay gắt như lên án Mỹ, tiến hành tập trận ở biển Thái Bình Dương và cảnh báo các nước đứng về phía Mỹ sẽ phải chịu thua thiệt....
 
Với việc Mỹ mới chỉ có tuyên bố quay trở lại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương mà Trung Quốc đã nổi giận như vậy thì không biết khi Washington thực sự bắt tay thực hiện kế hoạch này thì phản ứng của Bắc Kinh sẽ đi đến đâu?
 
Còn một lý do nữa khiến nhiều người dự đoán Mỹ-Trung sẽ tiếp tục đối đầu căng thẳng với nhau là cuộc bầu cử sắp diễn ra ở nước Mỹ. Trong quá khứ, cứ mỗi một lần diễn ra bầu cử tổng thống ở Mỹ là quan hệ Mỹ-Trung sóng gió. Các ứng cử viên tổng thống Mỹ thường có truyền thống “tấn công” Trung Quốc để giành sự ủng hộ của cử tri. Trường hợp của ông Mitt Romney là một ví dụ. Cựu Thống đốc bang Massachusetts đang là ứng cử viên tổng thống hàng đầu của Đảng Cộng hòa. Ông này gần đây đã liên tục nói về mối đe dọa của Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa, quân sự trong chiến dịch tranh của mình.
 
Quan hệ Mỹ-Trung từ lâu nay vốn lên xuống thất thường. Tuy nhiên, với việc Trung Quốc ngày càng lớn mạnh thì sự thất thường trong mối quan hệ này được dự báo sẽ tăng lên. Mỹ được cho là sẽ tìm cách kiềm chế, ngăn cản Trung Quốc nắm quyền bá chủ trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đầy triển vọng. Để đạt được mục tiêu, Mỹ đã thúc đẩy xây dựng một vành đai Thái Bình Dương mới chạy dài từ Nhật Bản tới Australia. Tất nhiên, Trung Quốc hiểu rõ điều này và với vị thế và sức mạnh ngày một tăng, Trung Quốc chắc chắn sẽ không chấp nhận sự kiềm chế của Mỹ. Hơn thế nữa, Trung Quốc cũng đang ấp ủ những tham vọng chính trị rất to lớn và họ có đầy quyết tâm cũng như sự quyết liệt để làm điều này.
 
Quan hệ giữa hai siêu cường Mỹ - Trung Quốc là cặp quan hệ quan trọng nhất thế giới. Mối quan hệ này không chỉ ảnh hưởng đến bản thân hai nước mà còn với cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương và toàn bộ thế giới. Quan hệ Mỹ-Trung thuận hay nghịch đều có tác động tích cực hay tiêu cực đến mỗi nước và đối với toàn bộ quan hệ quốc tế cũng như khu vực. Vì thế, Bắc Kinh và Washington cần phải hiểu rằng, tinh thần xây dựng trong khuôn khổ hợp tác sẽ là điều tốt nhất, mang lại lợi ích nhiều nhất cho bản thân hai nước và cho phần còn lại của thế giới.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc