Đằng sau phát ngôn gây sốc mới nhất của giới chức Mỹ về Triều Tiên

11:04, 14/12/2017
|

(VnMedia) - Sau khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson gây bất ngờ bằng tuyên bố sẵn sàng đối thoại với Triều Tiên mà không cần bất kỳ điều kiện tiên quyết nào, giới chức Mỹ lại gây sốc bằng một phát biểu hoàn toàn khác. Nhiều người tin rằng, sự mâu thuẫn này cho thấy Washington hoàn toàn bế tắc và lúng túng trong việc đối phó với một Triều Tiên cứng rắn và khó lường.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson thường xuyên có phát biểu mâu thuẫn nhau về vấn đề Triều Tiên
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson thường xuyên có phát biểu mâu thuẫn nhau về vấn đề Triều Tiên

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert hôm qua (13/12) đã có phát biểu cho thấy một “sự rút lui” của Washington trước tuyên bố được Ngoại trưởng Rex Tillerson được đưa ra trước đó. Cụ thể, ông Tillerson đã kêu gọi tiến hành đối thoại trực tiếp với Triều Tiên mà không cần bất kỳ điều kiện tiên quyết gì. Tuy nhiên, phát ngôn viên Nauert trong cuộc họp báo ngày hôm qua lại nhấn mạnh, Bình Nhưỡng sẽ phải ngừng các vụ thử vũ khí trước khi bất kỳ cuộc đàm phán nào được khởi động.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hôm 12/12 đã phát biểu tại cuộc họp Diễn đàn Quỹ Triều Tiên-Hội đồng Đại Tây Dương 2017 ở Washington rằng: “Chúng tôi sẵn sàng đối thoại bất kỳ lúc nào mà Triều Tiên muốn. Và chúng tôi sẵn sàng có cuộc gặp gỡ đầu tiên với Triều Tiên mà không cần bất kỳ điều kiện tiên quyết gì. Chúng ta chỉ cần gặp gỡ. Và sau đó, chúng ta bắt đầu đặt nền móng cho một lộ trình về việc chúng ta sẵn sàng làm gì để thúc đẩy mọi việc tiến lên phía trước”.

Một ngày sau tuyên bố đầy bất ngờ trên của ông Tillerson, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Nauert đã nhanh chóng lên tiếng “đính chính” lại rằng, những gì Ngoại trưởng Mỹ phát biểu không phải là một thông báo về sự thay đổi chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên. Đi xa hơn, bà Nauert còn có phát biểu đi ngược lại hoàn toàn tuyên bố của Ngoại trưởng Tillerson. Theo đó, bà này nhấn mạnh, Triều Tiên sẽ phải ngừng chương trình vũ khí của họ trước khi bất kỳ cuộc đàm phán hay đối thoại nào được khởi động. “Và chúng tôi chắc chắn rằng, ngay lúc này, điều đó chưa diễn ra”, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định.

"Tất cả những gì Ngoại trưởng phát biểu và chính quyền đã từng nói trước đây luôn là chúng tôi sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán và đối thoại với họ nhưng bây giờ không phải là thời điểm thích hợp. Ngoại trưởng chưa đưa ra bất kỳ chính sách nào mới. Chính sách của chúng tôi vẫn giữ nguyên như trước đây”, bà Nauert đã nói như vậy với cánh phóng viên.

Mặc dù Ngoại trưởng Tillerson ám chỉ Mỹ sẵn sàng khởi động tiến trình đàm phán với Triều Tiên mà không cần bất kỳ điều kiện tiên quyết nào nhưng dường như Washington chưa sẵn sàng để tổ chức các cuộc đối thoại với Bình Nhưỡng.

Bình luận về diễn biến trên, chuyên gia Jude Woodward cũng là tác giả cuốn sách vừa xuất bản: “Mỹ với Trung Quốc: Chiến tranh Lạnh mới ở Châu Á?” cho rằng, mâu thuẫn trong phát biểu của giới chức Mỹ cho thấy sự bất ổn trong chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Triều Tiên.

Ông Woodward chỉ ra rằng, Tổng thống Donald Trump liên tục thể hiện sự hoài nghi về việc đối thoại với Triều Tiên có thể tháo gỡ được cuộc khủng hoảng hạt nhân. “Đây không phải là lần thứ nhất hay thứ hai Ngoại trưởng Mỹ đưa ra một phát biểu nào đó về Triều Tiên – một phát biểu quan trọng, và sau đó Tổng thống nhảy vào, thường thông qua Twitter, để khẳng định: ‘Chúng tôi sẽ không làm điều như vậy’. Đó là tình huống thật sự khó xử. Nó hạ thấp hình ảnh của chúng ta trước các đối tác nước ngoài và nói thẳng ra là nó khiến chúng ta trở thành nước yếu hơn”, cựu quan chức CIA Kiriakou nhận định.

Ông Woodward – một chuyên gia về Trung Quốc cũng chia sẻ quan điểm trên của ông Kiriakou, nói rằng: "Tôi không biết chính xác họ đang nói gì ở Trung Quốc nhưng tôi cho rằng điều rõ ràng ở đây là các bạn đang có một cửa xoay ở Nhà Trắng và rằng đang có sự khác biệt trong khi ông Trump không thể xây dựng được một chính sách đối ngoại ổn định, khiến mọi người phải chạy quanh, nhảy từ lập trường này sang lập trường khác”.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc