Nga bất ngờ bị cảnh cáo bằng hỏa lực trên chiến trường Syria

15:24, 19/10/2017
|

(VnMedia) - Vài giờ sau cuộc tấn công hiếm hoi của Israel vào giữa lãnh thổ của đất nước Syria, Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố, “nếu có bất kỳ ai làm tổn thương chúng tôi, chúng tôi sẽ khiến họ phải đau đớn”. Hành động bị quân đội Israel xác định là đòn khiêu khích của Syria vào buổi sáng đã trở thành cơ hội để Israel vạch rõ lằn ranh đỏ ngay vào buổi chiều ngày hôm đó. Điều đáng nói là vụ dội bom của Israel vào Syria được xem là đòn cảnh cáo nhằm thẳng vào Nga.

Israel vừa tấn công phá hủy một hệ thống phòng không của Syria
Israel vừa tấn công phá hủy một hệ thống phòng không của Syria

Vụ việc bất thường xảy ra vào hôm thứ Hai đầu tuần (16/10) giữa Syria và Israel đã thể hiện được điều gì đó về Trung Đông thời hiện đại. Chỉ trong vài giờ đồng hồ, một chuyến bay giám sát định kỳ của Israel ở trên bầu trời Li-băng đã biến thành một cuộc tấn công bằng bom ở khu vực cách thủ đô Damascus của Syria chưa đầy 50km.

Đây là diễn biến các sự kiện theo tuyên bố ngắn gọn được phát ngôn viên Lực lượng Không quân Israel đưa ra: Một máy bay của Không quân Israel đang chụp ảnh ở không phận của Li-băng thì bất ngờ một tên lửa SA-5 được phóng về phía họ. Tên lửa không gây ra đe dọa gì cho chiếc máy bay nhưng Israel quyết định không bỏ qua cho động thái nói trên. Ngay lập tức, chỉ hai giờ sau đó, Israel đã tấn công vào hệ thống radar thuộc một khẩu đội phòng không của Syria và phá hủy nó.

Israel tin rằng, quân đội Syria đã bắn tên lửa về phía máy bay của họ bởi lực lượng này sợ Không quân Israel có ý định phát động một cuộc tấn công. Mới gần đây, cựu Chỉ huy Lực lượng Không quân Israel – ông Amir Eshel vừa tiết lộ với tờ Haaretz rằng, Israel đã thực hiện gần 100 cuộc không kích nhằm vào Syria trong 5 năm qua. Các cuộc tấn công này đều nhằm vào những đoàn xe chở vũ khí cho Hezbollah và các tổ chức khác.

Thỉnh thoảng, các cuộc tấn công của Israel dẫn đến đòn đáp trả của Syria. Ví dụ, hồi tháng Ba, quân đội Syria đã bắn một loạt tên lửa SA-5 về phía những chiếc chiến đấu cơ của Israel khi lực lượng này đang tìm cách dội bom vào một đoàn xe chở vũ khí cho Hezbollah. Vụ việc đó đã gây ra một cơn sóng gió đáng lo ngại bởi Israel vì sợ các tên lửa có thể rơi xuống lãnh thổ của họ đã dùng hệ thống phòng không Arrow để chặn các tên lửa của Syria. Trước đó, đã từng có ít nhất 3 vụ việc tương tự xảy ra như vậy trong suốt 2 năm qua. Trong những vụ việc như vậy, Syria đã phóng tên lửa phòng không về phía các máy bay của Israel.

SA-5, được phát triển từ những năm 1960, được xem là một hệ thống vũ khí lạc hậu, đặc biệt so với nhiều hệ thống phòng không hiện đại trong khu vực. Hệ thống radar ồn ào, cũ kỹ của SA-5 có thể dễ dàng bi phát hiện bởi công nghệ của Israel. Vì thế, sẽ là dễ hiểu khi Không quân Israel biết được lực lượng Syria đang vận hành hệ thống khi máy bay của họ thực hiện chuyến bay giám sát.

Hệ thống SA-5 gần như bất lực trước các máy bay của Israel bởi các máy bay của Nhà nước Do Thái có thể dễ dàng chặn hệ thống radar lạc hậu của SA-5, không để chúng khóa mục tiêu nhằm vào họ. Vì vậy, không ngạc nhiên khi tất cả các tên lửa của Syria đều trượt mục tiêu và máy bay của Israel có nhiều thời gian để chạy trốn và quay về căn cứ an toàn.

Điều đáng nói ở đây là người ta không hiểu vì sao Israel lại thay đổi chính sách phản ứng. Tại sao Israel lại quyết định đánh bom phá hủy khẩu đội phòng không của Syria bất chấp cái giá gây ra từ hành động này là làm leo thang căng thẳng ở khu vực biên giới phía bắc vốn nhạy cảm dù cho lực lượng của Syria chẳng đủ sức gây nguy hiểm cho Israel. Trong quá khứ, Nhà nước Do Thái thường phản ứng một cách thờ ơ hơn rất nhiều và đôi khi chỉ mang tính phòng thủ như bắn đi một tên lửa Arrow để cảnh cáo.

Câu trả lời nằm ở những gì xảy ra 8 tiếng sau đó ở thủ đô Tel Aviv của Israel. Được hộ tống bởi một đoàn xe cảnh sát, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, trong chuyến thăm đầu tiên đến Israel, đã bước vào trụ sở của quân đội Israel để tham gia cuộc gặp với người đồng cấp Avigdor Lieberman. Israel đã chờ đợi rất lâu cho chuyến thăm chính thức của ông Shoigu bởi họ muốn thể hiện lập trường rõ ràng, nếu không nói là thông điệp cảnh báo nghiêm khắc, về những nỗ lực của Iran nhằm củng cố vị thế ở Syria.

Nga không có chung lập trường với Israel về ảnh hưởng của những hoạt động của Iran ở khu vực nói chung và Jerusalem đặc biệt quan ngại về sự khác biệt trong lập trường giữa Moscow và Tel Aviv đối với những hoạt động của Iran ở Syria. Israel tin rằng, Iran coi Syria là một căn cứ để họ thiết lập ảnh hưởng kinh tế và chiến lược lâu dài trong khi Nga cho rằng Iran sẽ rời khỏi Syria một khi cuộc chiến ở đây kết thúc. Vì thế, Israel muốn nhắc nhở và cảnh báo Nga về vai trò của Iran trong cuộc chiến ở Syria. Iran đang là đồng minh sát cánh với Nga trong chiến dịch hậu thuẫn cho quân của Tổng thống Bashar al-Assad trên chiến trường Syria.

Kiệt Linh (theo Haaretz)


Ý kiến bạn đọc