Có Nga, Syria tự tin thách thức Mỹ?

16:51, 23/10/2017
|

(VnMedia) - Theo tuyên bố vừa được Bộ trưởng Thông tin Syria đưa ra, sự hiện diện quân sự của Mỹ trên lãnh thổ Syria cũng như việc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ xâm nhập vào tỉnh Idlib đều được coi là hành động xâm lược. Tuyên bố này có thể được xem như một lời thách thức của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad đối với sự có mặt của Mỹ trên chiến trường Syria.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bộ trưởng Thông tin Mohammed Ramiz Tarjaman đã thẳng thắn cho biết, Syria xem việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân đội vào tỉnh Idlib và sự hiện diện quân sự của Mỹ ở al-Tanf là hành động xâm phạm chủ quyền của Syria cũng như vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Vì thế, Syria có quyền đáp trả, ông Tarjaman nhấn mạnh trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin RIA Novosti.

"Chúng tôi không xem bất kỳ thành phố nào là đã được giải phóng khi mà quân đội Syria chưa tiến vào khu vực đó để giành quyền kiểm soát cũng như treo lá cờ Syria ở đó. Điều này được áp dụng với mọi khu vực có mặt trên bản đồ của đất nước Syria”, Bộ trưởng Tardjaman nhấn mạnh.

Vị quan chức Syria khẳng định, Damascus coi việc lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) rút ra khỏi Raqqa là một sự kiện tích cực nhưng vẫn yêu cầu quân đội của Syria phải tiến vào thành phố này để thiết lập quyền kiểm soát. Chỉ có như vậy, Raqqa mới được coi là đã được giải phóng hoàn toàn.

Lực lượng Dân chủ Syria hôm 20/10 đã đánh bại lực lượng IS và giành quyền kiểm soát thành phố Raqqa sau 4 năm IS thiết lập quyền thống trị ở đây và đặt nó như thủ phủ của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo tự xưng. Chiến dịch giải phóng Raqqa của Lực lượng Dân chủ Syria nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ và tích cực của liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu. Lực lượng Dân chủ Syria đã phát động chiến dịch nói trên từ hồi tháng 6 và phải mất 4 tháng họ mới hoàn thành được mục tiêu quét sạch IS ra khỏi Raqqa. Tổng thống Mỹ Donald Trump miêu tả chiến thắng của Lực lượng Dân chủ Syria ở Raqqa là một “thắng lợi mang tính đột phá cao” đồng thời khẳng định “quá trình chuyển giao sang một giai đoạn mới” ở Syria sẽ sớm được khởi động.

Đây không phải là lần đầu Syria thể hiện sự không hài lòng trước việc Mỹ đưa quân vào lãnh thổ của họ.

Cách đây không lâu, một quan chức cấp cao trong chính quyền của ông Assad đã có một tuyên bố được miêu tả như lời “thách đấu” trực diện nhằm vào siêu cường Mỹ. Cụ thể, cố vấn hàng đầu của Tổng thống Assad - ông Bouthaina Shaaban đã tuyên bố cứng rắn rằng, quân đội Syria sẵn sàng chiến đấu chống lại bất kỳ lực lượng nào, kể cả đội quân nổi dậy đang được Mỹ hậu thuẫn mạnh mẽ. Mỹ đang hỗ trợ nhiệt tình cho Lực lượng Dân chủ Syria trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

"Dù đó là Lực lượng Dân chủ Syria hay IS (còn gọi là Daesh) hoặc là bất kỳ lực lượng nước ngoài bất hợp pháp nào có mặt trên lãnh thổ Syria…, chúng tôi đều sẵn sàng chiến đấu chống lại họ vì mục tiêu giải phóng hoàn toàn đất nước của chúng tôi khỏi tay bất kỳ kẻ xâm lược nào”, ông Bouthaina Shaaban nhấn mạnh trong cuộc trả lời phỏng vấn đài truyền hình Al Manar của Hezbollah.

Trước đây, khi quân đội của ông Assad còn chưa khẳng định được vị thế vững chắc trên chiến trường, chính quyền của Tổng thống Assad chưa trực tiếp lên tiếng thách thức sự hiện diện của liên quân và Mỹ trên chiến trường Syria. Tuy nhiên, hiện tại, mọi việc đã khác.

Nga bắt đầu đưa quân tham chiến vào Syria hồi tháng 9 năm 2015 theo đề nghị của đồng minh Bashar al-Assad. Mục tiêu của chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria được giới chức Moscow tuyên bố là để chống lại lực lượng khủng bố, cụ thể ở đây là tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Lực lượng của Nga đóng tại Căn cứ Không quân Khmeimim.

Với chiến dịch không kích dồn dập của mình ở Syria, Nga đã gây tổn thất nặng nề cho lực lượng khủng bố và giúp đảo chiều cuộc chiến tranh ở Syria theo hướng có lợi cho đồng minh Assad. Với những chiến thắng liên tiếp trên chiến trường, vị thế của chính quyền Assad ngày càng được củng cố một cách vững chắc. Đây là lý do khiến Syria tự tin, sẵn sàng thách thức Mỹ.

Cuộc nội chiến ở Syria - cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất thế giới hiện giờ chứng kiến cuộc đối đầu giữa hai cường quốc Nga và Mỹ. Dù hai nước này đang chung tay nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc chiến ở Syria nhưng mâu thuẫn giữa họ vẫn còn tồn tại, khiến nỗ lực này khó thành công. Mỹ ủng hộ cho phe nổi dậy Syria trong khi Moscow hậu thuẫn mạnh mẽ cho lực lượng của chính quyền Tổng thống Assad.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc