Bất ngờ với giả thiết sau trận động đất mới ở Triều Tiên

08:34, 24/09/2017
|

Trận động đất mới xảy ra tại Triều Tiên ngày 23/9 nhiều khả năng không phải do Triều Tiên vừa thực hiện thử hạt nhân, nhưng lại có thể liên quan đến những lần thử trước đó của nước này.

Vào khoảng 15h30 theo giờ Việt Nam, cơ quan địa chấn Trung Quốc phát hiện trận động đất khoảng 3,4 độ richter xảy ra ở gần khu vực gần bãi thử hạt nhân, tuy nhiên nhiều chuyên gia nhận định rằng trận động đất này là hiện tượng tự nhiên chứ không phải hoạt động thử nghiệm vũ khí hạt nhân của Triều Tiên gây ra.

“Để đưa ra kết luận xem 1 trận động đất do con người gây ra hay không, phương pháp chính được sử dụng là phân tích các đợt sóng địa chấn hoặc các đợt sóng âm thanh. Trong trường hợp này chúng tôi không thấy bằng chứng đây là trận động đất do con người gây ra. Do đó tính đến thời điểm hiện tại, chúng tôi phân loại đây là trận động đất tự nhiên”, một quan chức Hàn Quốc giấu tên cho biết.

Trận động đất này được cơ quan địa chấn Hàn Quốc đánh giá có cường độ khoảng 3 độ richter, xảy ra ở thành phố Kilju, tỉnh Bắc Hamgyong, nơi Triều Tiên thiết lập bãi thử hạt nhân Punggyeri, quan chức Hàn Quốc này cho biết.

Điểm đáng chú ý là cả 6 vụ thử hạt nhân trước đây của Triều Tiên đều gây ra động đất có cường độ từ 4,3 độ richter trở lên, vụ thử gần nhất ngày 3/9 gây ra trận động đất mạnh 6,3 độ richter. Các chuyên gia nhận định sau khi Triều Tiên thử hạt nhân ngày 3/9, trận động đất thứ 2 xảy ra khi đường hầm trong núi bị sụp xuống sau vụ thử nghiệm.

Bộ các tình trạng khẩn cấp của Nga cho biết mức độ phóng xạ ở khu vực gần Vladivostok đang ở ngưỡng bình thường, do đó nhiều khả năng trận động đất này không phải do hoạt động thử vũ khí hạt nhân của Triều Tiên gây ra. Cơ quan khảo sát địa chấn của Mỹ cho biết hiện tại chưa thể xác nhận được rằng trận động đất này là tự nhiên hay do con người gây ra.

Tuy nhiên, không loại trừ khả năng các hoạt động thử nghiệm hạt nhân trước đó của Triều Tiên có thể gây ra trận động đất này. Ngày 5/9, các nhà khoa học tại Đại học khoa học và công nghệ Trung Quốc ở Hợp Phì, An Huy nhận định rằng ngọn núi nơi Triều Tiên thực hiện thử hạt nhân có thể sụp đổ, hiện tượng này có thể gây ra động đất.

Một số ý kiến cho rằng, những vụ thử hạt nhân của Triều Tiên có thể khiến ngọn núi lửa Trường Bạch nằm ở biên giới Triều Tiên – Trung Quốc phun trào trở lại, và hiện tượng núi lửa phun trào thường gắn với hiện tượng động đất. Trong khi đó, bãi thử hạt nhân Punggyeri của Triều Tiên nằm cách núi Trường Bạch khoảng 114 km về phía đông nam.

Theo hãng tin Yonhap đưa tin, ngày 13/9 một quan chức Trung Quốc cho biết tạm thời đóng cửa khu vực sườn phía nam của ngọn núi này để đảm bảo an toàn cho du khách, do họ phát hiện có hiện tượng đá lở tại đây. Sườn phía nam của núi Trường Bạch là nơi nằm gần nhất địa điểm thử hạt nhân của Triều Tiên, do đó nhiều ý kiến cho rằng hoạt động thử hạt nhân của Triều Tiên gây ra vụ lở núi này.

Năm 2016, tờ Daily Telegraph dẫn lời một số chuyên gia cho rằng hoạt động thử hạt nhân của Triều Tiên có thể khiến núi lửa Trường Bạch phun trở lại. Tuy nhiên Cơ quan khảo sát địa chấn của Mỹ cho rằng điều này khó có thể xảy ra.

Trên thực tế, năm 1971 Mỹ thử nghiệm 1 quả bom nhiệt hạch với sức công phá 5 megaton dưới lòng đất tại đảo Amchitka, thuộc quần đảo Aleutian – đây là quần đảo thuộc vành đai gồm 62 ngọn núi lửa đang hoạt động và ngủ yên. Mặc dù vụ nổ có sức công phá rất lớn, xong vụ thử nghiệm này không gây ra bất kỳ đợt phun trào nào của những ngọn núi lửa ở khu vực quần đảo Aleutian.

Do vậy, nhiều khả năng hoạt động thử nghiệm hạt nhân của Triều Tiên tại bãi thử Punggye-ri khó lòng có thể khiến núi lửa Trường Bạch hoạt động trở lại. Song các nhà khoa học từng đưa ra nhận định đây là ngọn núi lửa hết sức bất thường và hoạt động tự nhiên của núi lửa Trường Bạch có thể gây ra trận động đất ngày 23/9 tại Triều Tiên. Cho đến thời điểm hiện tại, nguyên nhân của vụ động đất này vẫn đang được các chuyên gia làm rõ.

Theo VTC


Ý kiến bạn đọc