(VnMedia) - Một nguồn tin giấu tên trích dẫn thông tin trong chính phủ Syria cho biết, các nhóm khủng bố ở Syria đang chuẩn bị một cuộc tấn công sử dụng vũ khí hóa học ở tỉnh Dara'a, giống với cuộc tấn công ở Idlib.
"Những kẻ khủng bố sẽ ném bom đạn chứa chất độc vào một trong những khu vực ở tỉnh Dara'a. Kế hoạch được thực hiện tương tự với cuộc tấn công ở Idlib vào đầu năm 2017", nguồn tin giấu tên cho biết.
Trong khi đó, về phía mình, lực lượng phiến quân ở Syria cũng lên tiếng cáo buộc quân đội của chính phủ Syria đã dùng vũ khí hóa học tấn công các tay súng của lực lượng này trong cuộc tấn công mới nhất.
Cụ thể, nhóm nổi dậy Failaq al-Rahman tố quân đội đã dùng khí clo tấn công các tay súng của nhóm này ở khu dân cư Ayn Tarma, ngoại ô phía đông Damacus, nơi lực lượng chính phủ đang tiến hành chiến dịch giành lại quyền kiểm soát từ phe ly khai. Failaq al-Rahman nói rằng 30 người bị khó thở sau vụ tấn công.
Ngay lập tức, truyền thông Nhà nước Syria đã phát đi tuyên bố của quân đội Syria, cho rằng các cáo buộc là bịa đặt và vô căn cứ, bởi từ trước đến nay, chính phủ Syria chưa bao giờ sử dụng vũ khí hóa học và tương lai cũng vậy.
Mỹ tung bằng chứng cáo buộc Syria, Nga "xù lông" bảo vệ
Trước đó, tối 26/6 (theo giờ Mỹ), Nhà Trắng tuyên bố rằng chính phủ Tổng thống Syria Bashar al-Assad có nhiều dấu hiệu cho thấy đang lên kế hoạch tấn công bằng vũ khí hóa học mới ở Syria.
"Assad và quân đội của ông ta sẽ phải "trả giá đắt" nếu thực hiện một cuộc tấn công vũ khí hóa học và Mỹ có lý do để tin rằng các công tác chuẩn bị cho cuộc tấn công này đang được tiến hành", Thư ký báo chí của Nhà Trắng - Sean Spicer tuyên bố.
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Mỹ Heather Nauert tuyên bố Mỹ không trình ra bằng chứng làm rõ cáo buộc trên và sẽ không tiết lộ cụ thể vì đó là thông tin tình báo bí mật.
Tuy nhiên, đến ngày 29/6, hãng Reuters đã trích dẫn bản sao tài liệu báo cáo của Phái bộ tìm kiếm sự thật (FFM) thuộc Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) cho thấy, vụ tấn công vào thị trấn Khan Shaykhun hồi tháng 4 là có sử dụng khí độc Sarin.
Báo cáo này được phân phát đến các thành viên của OPCW ở La Hay (Hà Lan), nhưng không được công bố ra bên ngoài.
Bản báo cáo được lập nên sau khi tổ chức này điều một nhóm đến thực địa để khảo sát về vụ tấn công tại thị trấn Khan Sheikhoun thuộc tỉnh miền Bắc Idlib.
Sau khi phỏng vấn các nhân chứng và xét nghiệm các mẫu phẩm, FFM kết luận rằng "một số lượng lớn người dân, trong đó có những người đã chết, bị phơi nhiễm chất độc thần kinh sarin hoặc một chất giống sarin".
Bản tóm tắt của tài liệu này nêu rõ: "FFM kết luận việc thải chất độc này chỉ có thể được xác định là việc sử dụng sarin như một vũ khí hóa học".
Cũng với cáo buộc tấn công vũ khí hóa học nhằm vào dân thường tại khu vực do lực lượng nổi dậy Syria kiểm soát hồi đầu tháng 4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phát lệnh tấn công tên lửa trực tiếp đầu tiên nhằm vào một căn cứ không quân thuộc chính phủ Syria. Tuy nhiên, chính phủ Syria cũng đã bác bỏ mọi cáo buộc, đồng thời cho rằng Mỹ đã mượn cớ để tấn công quân đội nước này.
Trong khi đó, cũng trong ngày 29/6, Bộ Ngoại giao Nga đã lên tiếng bảo vệ chính phủ Syria, gọi cáo buộc chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad chuẩn bị tấn công hóa học của Nhà Trắng như là một lời mời gọi, khiêu khích khủng bố sử dụng vũ khí hóa học ở Syria.
Bên cạnh đó, Moscow cũng khẳng định sẽ đưa ra những phản ứng “phù hợp” nếu Mỹ có hành động quân sự để đối phó với cái mà Washington gọi là vụ tấn công hóa học của quân đội Chính phủ Syria.
Đan Khanh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc