(VnMedia) - Như một phần của nỗ lực mạnh mẽ chưa từng có nhằm ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Triều Tiên, Trung Quốc và Mỹ đã nhất trí thắt chặt hơn nữa các biện pháp trừng phạt nhằm vào quốc gia ở Đông Bắc Á. Cụ thể, hai nước Mỹ và Trung Quốc đã cấm các doanh nghiệp của mình làm ăn, giao dịch với các đối tác Triều Tiên.
Giới lãnh đạo hàng đầu đến từ Mỹ và Trung Quốc đã có cuộc gặp gỡ để thảo luận về việc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ làm gì để giải quyết vấn đề chung là Triều Tiên. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã có cuộc họp với Ủy viên Quốc vụ viện Yang Jiechi và Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Fang Fenghui trong ngày thứ Tư (21/6).
"Cả hai chúng tôi đều nhất trí rằng, các công ty của chúng tôi không nên làm ăn với bất kỳ thực thể Triều Tiên nào nằm trong danh sách bị trừng phạt của Liên Hợp Quốc theo các nghị quyết đã được thông qua”, Ngoại trưởng Tillerson cho các phóng viên biết sau cuộc họp đồng thời nói thêm rằng Washington coi Triều Tiên là “mối đe dọa an ninh hàng đầu”.
"Chúng tôi đã một lần nữa khẳng định với Trung Quốc rằng họ có trách nhiệm phải tăng cường gây áp lực hơn nữa về ngoại giao và kinh tế nhằm vào chính quyền Triều Tiên nếu họ muốn ngăn chặn không để tình hình căng thẳng tiếp tục leo thang trong khu vực”, ông Tillerson nói thêm.
"Các nước trên thế giới và trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đều đang chung tay nổ lực và chúng tôi hy vọng Trung Quốc sẽ thực hiện trách nhiệm của mình trong đó”, Ngoại trưởng Mỹ cho biết, ám chỉ đến những biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên vừa có hiệu lực từ hồi đầu tháng này. Gói biện pháp trừng phạt đó phần lớn nhằm mục tiêu vào các thể chế tài chính của Triều Tiên như Ngân hàng Koryo và Tập đoàn Thương mại Kangbong.
Trong nhiều năm qua và đặc biệt kể từ khi cuộc khủng hoảng mới nhất bùng nổ trên bán đảo Triều Tiên, Washington đã kêu gọi Bắc Kinh gây áp lực mạnh mẽ hơn lên đồng minh Bình Nhưỡng do nước này phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc về xuất và nhập khẩu. 85% nhập khẩu của Triều Tiên trong năm 2015 là từ Trung Quốc.
Trong phần lớn thời gian gây áp lực của Mỹ, Trung Quốc không làm gì với đồng minh của họ. Cho đến giữa tháng Tư vừa rồi, Bắc Kinh mới chính thức tung ra đòn trừng phạt mạnh tay – một đòn trừng phạt mạnh nhất từ trước đến nay. Cụ thể, Trung Quốc đã tạm dừng nhập khẩu than từ Triều Tiên. Tuy nhiên, theo tờ Nikkei Asian Review của Nhật Bản, Trung Quốc đã giảm nhập khẩu than từ Triều Tiên trong tháng Tư nhưng lại tăng số lượng nhập khẩu sắt lên 4 lần kể từ năm 2016 để bù đắp thiệt hại cho đồng minh.
Trung Quốc luôn được tin là nước duy nhất có ảnh hưởng lớn đến Triều Tiên. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và cũng là nhà cung cấp viện trợ lớn nhất cho Triều Tiên. Trung Quốc cũng luôn đứng ra bênh vực Triều Triêu trong những cuộc đối đầu của nước này với các cường quốc phương Tây và các nước láng giềng. Dù phản đối các hoạt động hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, Bắc Kinh lâu nay vẫn cố gắng tránh không làm tổn thương mối quan hệ với Bình Nhưỡng bởi Triều Tiên có một tầm quan trọng đặc biệt với Trung Quốc. Triều Tiên có vai trò là vùng đệm an toàn cho Trung Quốc. Một Triều Tiên bất ổn sẽ gây bất lợi lớn cho Trung Quốc. Bởi nó có thể đồng nghĩa với việc một làn sóng di cư mạnh mẽ từ Triều Tiên đổ vào Trung Quốc, tạo ra gánh nặng lớn cho nền kinh tế nước này. Đáng lo ngại hơn, một Triều Tiên đổ vỡ đồng nghĩa với việc quân đội Mỹ ở sát ngay ngưỡng cửa của Trung Quốc. Đây là viễn cảnh mà Trung Quốc không bao giờ muốn phải đối mặt.
Tuy nhiên, Bắc Kinh đang ngày càng trở nên mất kiên nhẫn với hàng loạt vụ thử hạt nhân và tên lửa đầy thách thức mà Triều Tiên liên tiếp thực hiện trong thời gian qua.
Triều Tiên đã đẩy mạnh tiến trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo kể từ năm 2009 sau khi nước này tẩy chay các cuộc đàm phán hạt nhân 6 bên liên quan đến Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc và Mỹ. Chỉ từ năm ngoái đến năm nay, Triều Tiên đã tiến hành hai vụ thử hạt nhân và hàng chục vụ phóng tên lửa. Bình Nhưỡng được cho là đang chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân thứ Sáu. Riêng từ đầu năm đến giờ, số vụ thử tên lửa của Triều Tiên được cho là trên 10 vụ, trong đó có nhiều vụ phóng tên lửa đạn đạo. Sự thách thức cao độ và không ngừng nghỉ của Triều Tiên khiến cộng đồng quốc tế hết sức quan ngại. Đây là lý do khiến ngay cả đồng minh thân nhất của Triều Tiên là Trung Quốc cũng phải hành động.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc