Bất kỳ nỗ lực nào để ngăn chặn xuất khẩu năng lượng, đặc biệt là khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), đều có thể gây ra phản ứng nghiêm trọng từ các khách hàng của Qatar trên toàn cầu.
Qatar là một trong những nhà sản xuất dầu mỏ nhỏ nhất của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) với sản lượng 618.000 thùng mỗi ngày. Vì thế thị trường dầu mỏ dường như không bị ảnh hưởng quá lớn bởi nguy cơ địa chính trị khi bốn nước, bao gồm Ả Rập Xê Út, Ai Cập, Bahrain và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cắt đứt quan hệ ngoại giao, đồng thời áp đặt các lệnh cấm vận chưa từng thấy về đường hàng không, đường biển với Qatar. Tuy nhiên, thị trường khí đốt của Qatar mới thực sự là vấn đề đáng quan tâm khi nước này là quốc gia xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng lớn nhất thế giới, với sản lượng khổng lồ khoảng 1,3 triệu thùng/ngày.
Theo Bloomberg, bất kỳ nỗ lực nào trong việc ngăn chặn xuất khẩu khí đốt của Qatar vào thời điểm này cũng sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng lớn và kéo theo những phản ứng gay gắt từ các khách hàng lớn của Qatar như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Ấn Độ.
Jera, công ty nhập khẩu khí đốt lớn của Nhật Bản đã được Qatar Gas, nhà sản xuất LNG hàng đầu thế giới, đảm bảo rằng nguồn cung cấp sẽ không bị gián đoạn. Ngay cả khi bị Ả Rập Xê Út và UAE không cho vận chuyển qua vùng biển của họ, thì Qatar vẫn có thể đi qua vùng biển của Iran, và sau đó vượt qua eo biển Hormuz để qua làn đường vận chuyển thông thường ở lãnh thổ Oman để giao hàng tới các nước nhập khẩu khí của mình. Bên cạnh đó, hiện tại Qatar vẫn có quyền đi qua Kênh đào Suez để đưa LNG tới châu Âu.
Được biết, UAE cũng mua khí đốt từ Qatar. Do đó, nếu các vấn đề chính trị - ngoại giao tiếp tục leo thang, thì có thể Qatar sẽ áp dụng một cuộc trả đũa nghiêm trọng là cắt giảm xuất khẩu khí đốt tự nhiên cho UAE qua đường ống Dolphin. Trong trường hợp điều này xảy ra, cho dù UAE vẫn có các lựa chọn khác để thay thế, thì sản lượng nhập khẩu vẫn tương đối hạn chế và không đủ để trang trải hoàn toàn cho lượng khí đốt từ Qatar. Và khả năng là UAE sẽ phải vá lỗ hổng bằng cách dùng một lượng lớn dầu diesel đắt tiền để làm nhiên liệu thay thế trong các nhà máy điện của họ. Các chuyên gia cũng cho rằng việc cắt giảm nguồn cung khí đốt sẽ là đòn bẩy, là bước đi rất nghiêm túc cho Qatar trong việc đàm phán để thoát khỏi cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện tại.
Những mâu thuẫn giữa các nước Vùng Vịnh không phải chỉ mới xảy ra gần đây, mà thực tế đã sôi sục trong một thời gian dài. Các quốc gia Ả Rập nhiều lần chỉ trích Qatar làm mất ổn định khu vực vì đã ủng hộ một nhóm Hồi giáo được coi là tổ chức khủng bố. Không những thế, sự khác biệt ngoại giao còn được thúc đẩy bởi niềm tin rằng Qatar đã quá gần gũi với Iran, “kẻ thù” của Ả Rập Xê Út. Tuy nhiên, Qatar cho rằng những cáo buộc này là “vô căn cứ”. Song, ngày nào những xung đột này còn chưa được giải quyết rõ ràng, thì ngày đó Qatar và các nước láng giềng vẫn còn phải đổ mồ hôi với một “mùa hè nóng nhất trên Vịnh”.
Theo Thanh Niên
Ý kiến bạn đọc