NATO bị hạ gục bởi đối thủ không ngờ ở phương Đông?

08:30, 10/06/2017
|

(VnMedia) - Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở thủ đô Astana của Kazakhstan vừa chứng kiến một thời khắc mang tính bước ngoặt lịch sử khi đón chào hai thành viên mới là Ấn Độ và Pakistan. Sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên SCO mở rộng.

Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở thủ đô Astana
Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở thủ đô Astana

Các nhà lãnh đạo của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải hôm qua (9/6) đã ký Tuyên bố Astana đồng thời xác nhận tư cách thành viên chính thức của Ấn Độ và Pakistan.

Tiến trình gia nhập vào SCO của Ấn Độ và Pakistan được khởi động tại hội nghị thượng đỉnh SCO ở Ufa của Nga vào năm 2015 và sau hai năm, hai quốc gia Nam Á nói trên đã chính thức trở thành thành viên của SCO.

SCO được thành lập vào tháng Sáu năm 2001 với 6 thành viên sáng lập gồm Nga, Trung Quốc, Uzbekistan, Kazakhstan, Tajikistan và Kyrgyzstan. Sau khi Ấn Độ và Pakistan gia nhập, SCO đã có 8 thành viên. Hiện tại, có 4 nước gồm Afghanistan, Belarus, Iran và Mông Cỏ đang hưởng "quy chế quan sát viên" của SCO trong khi Sri Lanka, Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan, Armenia, Campuchia và Nepal đang là các đối tác đối thoại.

SCO ra đời với mục tiêu làm đối trọng với NATO ở phương Tây. Vì thế, SCO thường được ví là NATO phương Đông hay NATO của Châu Á.

Lâu nay, liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương NATO vẫn được xem là liên minh quân sự lớn nhất, mạnh nhất và không có đối thủ. NATO cũng là liên minh quân sự thành công nhất khi tiếp tục tồn tại mạnh mẽ nhiều thập kỷ qua.

Tuy nhiên, với sự kiện lần đầu tiên mở rộng thêm thành viên mới, SCO đang vươn tầm xa hơn và có khả năng thách thức vị trí thống trị của NATO.

Việc Ấn Độ và Pakistan gia nhập SCO không chỉ mang ý nghĩa mở rộng về mặt địa lý mà còn giúp tổ chức này tăng cường sức mạnh nội tại cũng như ảnh hưởng trên sân khấu thế giới. SCO đã có hai thành viên là những cường quốc hàng đầu thế giới – Nga và Trung Quốc. Giờ đây, tổ chức này tiếp nhận thêm một cường quốc cũng có sức mạnh đáng nể - đó là Ấn Độ.

Với 8 thành viên hiện tại, tổng dân số của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải sẽ là gần 3,5 tỉ dân (chiếm khoảng một nửa dân số thế giới) và tổng GDP của nhóm này sẽ vượt quá 25% tổng GDP toàn cầu (nếu xét theo sức mua tương đương - PPP, con số sẽ còn cao hơn nữa). Như vậy, SCO đã trở thành tổ chức hợp tác khu vực lớn nhất và đông dân nhất thế giới. SCO không chỉ có các thành viên là những nước lớn có ảnh hưởng trên thế giới mà còn là những nền kinh tế nhiều tiềm năng, đang phát triển năng động. Với những đặc điểm trên, SCO giờ đây đã trở thành một liên minh có thể thay đổi cuộc chơi trên toàn cầu.

Với sự mở rộng và lớn mạnh hơn, SCO sẽ có cơ hội đẩy mạnh sự hợp tác theo hướng hiệu quả hơn trong cuộc chiến chống lại “ba lực lượng” gồm chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa ly khai và chủ nghĩa cực đoan trong bối cảnh những mối đe dọa gây ra từ ba lực lượng trên đang ngày một trở nên nguy hiểm và cấp thiết hơn, đặc biệt sau sự kiện các nhóm khủng bố tràn vào tấn công một thành phố ở Philippines. Người ta lo ngại, tổ chức khủng bố khét tiếng thế giới – Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang tìm cách để thiết lập thành trì của chúng ở Châu Á. Giải quyết được thách thức từ chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa ly khai và chủ nghĩa cực đoan sẽ giúp đảm bảo chủ quyền và an ninh của mỗi nước thành viên của SCO, từ đó duy trì hòa bình và sự ổn định trong khu vực.

Mở rộng SCO cũng giúp tổ chức này tăng cường mối quan hệ hợp tác về kinh tế, đẩy mạnh sự hội nhập trong khu vực, đem lại lợi ích cho tất cả các nước thành viên nói riêng và cả khối nói chung.

Thêm hai thành viên mới, SCO đón chờ nhiều cơ hội hơn nhưng cũng phải đối mặt với thách thức không ít. Để thành một liên minh mạnh có thể đối trọng với NATO phương Tây, SCO sẽ phải xử lý nhiều thách thức trong chính nội bộ của tổ chức này. Đó là sự cạnh tranh, mâu thuẫn giữa các nước thành viên như cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa Nga và Trung Quốc; cuộc đối đầu khó giải quyết giữa Ấn Độ và Pakistan; hay các cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Ấn Độ và Trung Quốc.....

Ngoài ra, để trở thành một tổ chức mạnh và có ảnh hưởng, SCO cần phải đưa ra được một tầm nhìn chung, đường hướng phát triển thích hợp và rõ ràng.

Kiệt Linh


Ý kiến bạn đọc