(VnMedia) - Montenegro hôm 5/6 đã chính thức trở thành thành viên thứ 29 của liên minh quân sự lớn nhất thế giới - NATO dù ít nhất một nửa dân số nước này được cho là phản đối con đường trên.
Sự kiện đón thêm thành viên mới Montenegro đem lại một số lợi ích cho NATO bởi giờ đây liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương được tiếp cận với các căn cứ hải quân của Montenegro nằm trên bờ biển Adriatic và về mặt cơ bản là ngăn chặn được bất kỳ khả năng thống nhất trở lại giữa Montenegro và Serbia trong tương lai.
Tuy nhiên, ông Marko Milacic - một nhà hoạt động chính trị và cũng là một trong những nhà lãnh đạo của phong trào Chống lại Sự Tuyệt vọng, đã nói với tờ Sputnik rằng, đa số người dân Montenegro không ủng hộ việc nước này gia nhập NATO. "84% người dân muốn đưa vấn đề gia nhập NATO ra giải quyết thông qua một cuộc trưng cầu dân ý nhưng điều đó đã không bao giờ được thực hiện”, ông Milacic nói.
Theo ông Milacic, trong khi cuộc tranh cãi ngoại giao giữa Moscow và Podgorica cùng với những biện pháp trừng phạt mà Montenegro tung ra nhằm vào Nga từ năm 2014 dường như là một trò lố bịch thì đây cũng là một chính sách nguy hiểm gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với chính Montenegro.
"Các biện pháp trừng phạt – cũng như diễn biến hiện nay là sự tiếp tục của chính sách đó và nó đã có ảnh hưởng tiêu cực đầu tiên và trước hết đối với chính Montenegro, chứ không chỉ đối với nền kinh tế của Montenegro. Các công ty nhà nước như Plantaze (công ty rượu) đang phải chịu tổn thất lớn và tôi tin ngành du lịch cũng sớm phải chịu hậu quả tương tự”, ông Milacic nói thêm.
Ông Milacic còn chỉ ra rằng, việc nghị sĩ Miodrag Vukovic của Montenegro gần đây bị trục xuất khỏi Nga là kết quả trực tiếp từ những biện pháp trừng phạt chống Nga mà Montenegro đang áp dụng.
"Khi nghị sĩ Miodrag Vukovic bị trục xuất khỏi Nga, báo chí Montenegro đã mở ra một chiến dịch truyền thông trong đó miêu tả ông Vukovic như là một nạn nhân vô tội và đổ lỗi cho Nga về việc chèn ép các đại diện của một nước nhỏ. Nhưng khi các bạn nhìn gần hơn vào sự việc, câu chuyện này là dễ hiểu. Năm 2014, Montenegro đã áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Nga và cùng với EU đưa ra một danh sách các công dân Nga không được vào Montenegro. Và bây giờ, họ lại tỏ ra kinh ngạc khi ông Vukovic bị trục xuất. Vấn đề liên quan đến ‘danh sách đen’ đó giúp chính quyền Montenegro miêu tả họ như là một nạn nhân. Mặc dù chúng ta đang nói về những người đồng bào của mình ở đây nhưng tôi tin Nga đáng ra nên thực hiện những biện pháp đó sớm hơn... bởi cơn cuồng chống Nga đã diễn ra trong vài năm qua”, ông Milacic nói thêm.
Theo ông Milacic, trong khi các nhà đầu tư Nga muốn đầu tư vào Montenegro hiện tại có thể bị ảnh hưởng bởi chính sách của Montenegro thì các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, hơn 60% người dân Montenegro xem Nga “là nước anh em, bạn bè”. Vì thế, sẽ không có chuyện du khách Nga phải chịu ảnh hưởng từ chiến dịch chống Nga do chính quyền phát động.
Trong gần một thập kỷ sau khi tách khỏi Serbia năm 2006, Montenegro từng duy trì mối quan hệ không thể tốt đẹp hơn với Nga. “Mối tình” này không chỉ dựa vào sự hợp tác về mặt thương mại, ngoại giao mà còn dựa vào mối quan hệ lịch sử, tôn giáo và ngôn ngữ.
Tuy nhiên, mối quan hệ gắn bó thân thiết giữa Montenegro và Nga đã nhanh chóng đảo chiều một cách chóng mặt sau khi Montenegro giận dữ cáo buộc Nga có âm mưu thực hiện một cuộc đảo chính ở nước họ hồi năm ngoái. Điện Kremlin thẳng thừng bác bỏ cáo buộc trên.
Trong khi chính phủ Montenegro quay lưng với Nga thì người dân Montenegro vẫn giữ tình cảm tốt đẹp với Nga. Họ vẫn coi Nga là người bạn lịch sử – một đồng minh truyền thống chống lại Đế chế Ottoman và là quốc gia đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Montenegro năm 1711. Nhiều người Montenegro vẫn không quên được sự kiện NATO tiến hành dội bom nước họ năm 1999 khiến 10 người vô tội thiệt mạng.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc