Đồng minh bị đánh, Nga quyết đấu với Mỹ trên chiến trường Syria?

06:51, 20/06/2017
|

(VnMedia) - Sau khi Mỹ bắn hạ máy bay của Syria, Nga đã tung ra lời cảnh báo sắc lạnh chưa từng có, đồng thời đã ra tay hành động, khiến Washington phải lo lắng tìm cách kết nối lại với phía Moscow.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Lời cảnh báo sắc lạnh

Nga tuyên bố, máy bay Mỹ đang hoạt động ở Syria “sẽ được xem như... là những mục tiêu”. “Bất kỳ chiếc máy bay nào, trong đó có cả máy bay có người lái và máy bay không người lái thuộc liên quân quốc tế đang hoạt động ở phía tây sông Euphrates sẽ bị lực lượng phòng không của Nga theo dõi cả trên bầu trời lẫn dưới mặt đất và chúng sẽ được xem như là những mục tiêu”, Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố được phát đi ngày hôm qua (19/6).

Lời đe dọa sắc lạnh này được đưa ra đúng một ngày sau khi liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu bắn hạ một chiếc máy bay của quân đội Syria - đồng minh thân thiết của Nga.

Tuyên bố của Nga đánh dấu một bước leo thang lớn trong cuộc xung đột ở Syria - nơi đang chứng kiến không chỉ cuộc chiến đẫm máu giữa quân chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad và phe nổi dậy mà cả mâu thuẫn ngày càng sâu sắc giữa Nga với Mỹ.

Trước đó, hôm 18/6, liên minh quốc tế chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu vừa lên tiếng xác nhận họ đã bắn rơi một máy bay của quân chính phủ Syria. "Vào lúc 6h43 chiều qua (theo giờ địa phương), một máy bay SU-22 của quân chính phủ Syria đã thả bom xuống gần lực lượng chiến binh SDF ở phía nam Tabqah và theo luật chiến tranh cũng như luật phòng thủ tập thể của lực lượng liên quân, chúng tôi đã ngay lập tức bắn hạ một chiếc máy bay chiến đấu F/A-18E Super Hornet," tuyên bố của lực lượng liên quân cho hay.

Theo liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu, họ đã bắn rơi chiếc máy bay để ngăn cản không cho lực lượng của chính phủ Syria tiến lại gần các cứ điểm của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) ở phía nam Tabqah.

Trụ sở chỉ huy của Liên quân cho biết, họ đã thông báo với phía Nga về việc họ nhằm mục tiêu vào máy bay của Syria thông qua hệ thống liên lạc mà hai nước thiết lập hồi năm ngoái. Tuy nhiên, Nga phủ nhận điều này.

Việc Mỹ bắn rơi máy bay Syria là dấu hiệu mới nhất cho thấy nước này đang mở rộng vai trò quân sự ở Syria. Đây là lần thứ 4 liên quân do Mỹ dẫn đầu thực hiện các tấn công trực diện nhằm vào lực lượng thân Assad.

Nga tức giận ra đòn

Không chỉ tung ra lời đe dọa sắc lạnh, Nga còn tức giận tung đòn trừng phạt Mỹ. Cụ thể, Bộ Quốc phòng Nga thông báo ngừng hợp tác với đối tác Mỹ trong khuôn khổ Biên bản ghi nhớ về việc Ngặn chặn các Sự cố và Đảm bảo An toàn bay ở Syria bắt đầu từ ngày 19/6.

Bộ Quốc phòng Nga yêu cầu phải tiến hành một cuộc điều tra toàn diện về vụ việc lực lượng Mỹ bắn rơi máy bay quân sự của chính phủ Syria và chia sẻ kết quả điều tra với phía Nga.

Nga cho rằng, hành động của Không quân Mỹ thực tế là “một hành động gây hấn quân sự” nhằm vào Syria. Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh, các chiến đấu cơ của họ đang làm nhiệm vụ ở không phận Syria khi liên quân do Mỹ chỉ huy tấn công vào chiếc Su-22 của Syria. Liên quân đã không dùng đến đường dây liên lạc được thiết lập với Nga nhằm ngăn chặn những vụ việc không đáng có xảy ra.

Bộ Quốc phòng Nga xem hành động của Mỹ là “sự cố tính không tuân theo các nghĩa vụ được đưa ra trong Biên bản Ghi nhớ về việc Ngặn chặn các Sự cố và Đảm bảo An toàn bay ở Syria và vì vậy quyết định ngừng hợp tác với phía Mỹ trong khuôn khổ biên bản ghi nhớ này bắt đầu từ ngày 19/6”.

Những diễn biến trên cho thấy, cuộc chiến ở Syria đang có chiều hướng leo thang nghiêm trọng hơn, phức tạp hơn khi có thêm một cuộc đối đầu mới - cuộc đối đầu giữa lực lượng thân Assad và liên quân. Nguy hiểm ở chỗ, cuộc đối đầu này có thể sẽ dẫn đến cuộc đấu trực tiếp giữa hai cường quốc quân sự hàng đầu thế giới là Nga và Mỹ. Moscow gần đây đã nhiều lần thể hiện sự tức giận trước những cuộc tấn công liên tiếp của liên quân nhằm vào đồng minh Syria thân thiết của họ.

Tình hình càng trở nên đáng lo ngại khi quân đội Mỹ đã lần đầu tiên đưa Hệ thống Pháo Phản lực Cơ động Cao (HIMARS) từ Jordan vào chiến trường phía nam Syria. HIMARS là một hệ thống vũ khí được đặt trên xe tải và có thể phóng tên lửa xa đến tận 300km.

Nga lo ngại Mỹ có thể dùng hệ thống vũ khí mạnh nói trên để thực hiện các cuộc tấn công vào lực lượng của chính phủ Syria.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc