Theo tờ Sputnik, dù Ả Rập Xê Út và các đồng minh tìm cách cô lập Qatar với cáo buộc nước này tài trợ chủ nghĩa khủng bố thì vẫn còn rất nhiều cường quốc khác ở Trung Đông đã “ra mặt” thách thức động thái này.
Hồi đầu tháng 6, Ả Rập Xê Út, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Bahrain và khoảng 6 quốc gia khác tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Doha, cáo buộc Qatar tài trợ cho các nhóm khủng bố và gây bất ổn ở Trung Đông.
Tuy nhiên, ngay sau đó, Thổ Nhĩ Kỳ và một số quốc gia Trung Đông khác từ chối ủng hộ động thái này, đồng thời tiến hành các hoạt động nhằm giúp Qatar vượt qua “cơn bão” ngoại giao này.
Ngày 14/6, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã tới Doha, gặp gỡ người đồng cấp Qatar Mohammed bin Abdulrahman al Thani và Tiểu vương Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani. Thêm vào đó, sau các cuộc hội đàm này, ông Cavusoglu dự kiến sẽ tới Ả Rập Xê Út, quốc gia khởi xướng cho cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện sự ủng hộ đối với Tiểu Vương Qatar. Nguồn: AP |
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trước đó cũng tuyên bố “việc cô lập Qatar là một sai lầm chết người, trái ngược với các giá trị của đạo Hồi”. Ông Erdogan cũng nhấn mạnh thêm rằng Doha đang tích cực chống lại tổ chức khủng bố IS. Lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng ra lệnh điều 3.000 binh lính tới Qatar để giúp quốc gia này duy trì “hòa bình và ổn định trong khu vực”.
Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi cũng tuyên bố rằng các biện pháp trừng phạt chống Qatar chỉ làm tổn thương người dân thường chứ không phải giới lãnh đạo của đất nước này. Kuwait, Oman, Morocco và Jordan cũng quyết định không ủng hộ kế hoạch “chống Qatar” của một số quốc gia Ả Rập.
Giáo sư Grigory Kosach, khoa nhân văn, ĐH quốc gia Liên bang Nga cho rằng trên thực tế Qatar đang nắm giữ sự thống trị nhất định ở một số quốc gia Trung Đông thông qua các tổ chức đầy quyền lực đại diện cho lực lượng Anh em Hồi giáo. Ông cũng nhận định rằng Qatar có thể nhận được sự hỗ trợ và ủng hộ tương đối từ châu Âu.
“Các nhà nhập khẩu khí đốt của Qatar từ châu Âu không muốn tình hình ở khu vực xấu đi và sẵn sàng kêu gọi giải quyết cuộc khủng hoảng này càng sớm càng tốt. Tất cả điều đó cho thấy có một liên minh được hình thành xung quanh Qatar và liên minh này có thể đứng lên chống lại Ả Rập Xê Út và các đồng minh”, Giáo sư Grigory Kosach giải thích.
Bộ trưởng Ngoại giao Ả Rập Xê Út Adel al-Jubeir từng tuyên bố việc “đóng băng” các quan hệ với Doha thực chất không phải là sự cô lập và rằng Riyadh đã chuẩn bị để cho phép vận chuyển lương thực và các thiết bị y tế tới hỗ trợ Doha nếu cần thiết.
Trong khi đó, Bộ trưởng Hàng không dân dụng Ai Cập Sherif Fathy cũng cho biết các hãng hàng không của Qatar không còn bị cấm sử dụng không phận của Ai Cập nữa. Còn Tổng thống Abdel Fatah al-Sisi khẳng định cuộc khủng hoảng ngoại giao Qatar không được phép biến thành một cuộc chiến tranh.
Một chiếc xe bus vẽ hình Tiểu Vương Qatar để bày tỏ sự ủng hộ Doha. Nguồn: Reuters |
Vì vậy, có lẽ những người sáng lập ra phong trào “tẩy chay Qatar” đã nhận ra rằng họ không thể cô lập được Doha hoàn toàn và bắt đầu muốn “quay đầu trở lại”.
Theo Sputnik, cần phải biết thêm rằng, bất chấp cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh đang diễn ra, hai tàu chiến Hoa Kỳ mới đây đã cập cảng Doha để tham gia tập trận chung với quân đội nước này. Thêm vào đó, nhiều nguồn tin cho biết Lầu Năm Góc đã “chốt” hợp đồng cung cấp 36 máy bay chiến đấu F-15QA Eagle cho Qatar với trị giá 12 tỷ USD.
Căng thẳng ngoại giao tại vùng Vịnh đã bùng phát từ ngày 5/6, sau khi Ả Rập Xê Út, Ai Cập, UAE, Bahrain cùng một số nước khác cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, vì cho rằng Doha ủng hộ khủng bố, can thiệp vào vấn đề nội bộ các nước khu vực. Qatar cực lực bác bỏ những cáo buộc trên, đồng thời cho rằng các nước láng giềng đang tìm cách can thiệp vào chính sách đối ngoại của Doha.
(Theo Infonet)
Ý kiến bạn đọc