(VnMedia) - Trái với không khí ăn mừng ở Triều Tiên về sự kiện được Chủ tịch Kim Jong Un miêu tả là vụ thử thành công “hệ thống vũ khí hoàn hảo”, các nước như Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đang rơi vào tâm trạng lo lắng thực sự trước bước tiến mạnh mẽ của Bình Nhưỡng trên con đường chinh phục vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Triều Tiên ăn mừng
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đã không giấu nổi sự vui mừng sau khi thử thành công một tên lửa mà ông này miêu tả là “hệ thống vũ khí hoàn hảo”. Bình Nhưỡng tuyên bố họ đã phóng thành công một tên lửa đạn đạo tầm trung có khả năng mang “một đầu đạn hạt nhân hạng nặng có kích cỡ lớn”.
Công bố những bức ảnh đầu tiên của vụ phóng tên lửa ngày hôm qua (14/5) – điều mà Bình Nhưỡng thường làm với những vụ thử thành công, báo chí Triều Tiên đưa tin, họ vừa phóng thử “một tên lửa đạn đạo chiến lược tầm xa đất đối đất” được gọi là Hwasong-12. Tên lửa này có thể mang theo một đầu đạn hạt nhân, hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên cho hay.
Vụ thử tên lửa thành công đã đem lại sự tự tin của Triều Tiên. Nước này nhanh chóng tung ra những lời cảnh báo và đe dọa nhằm vào Mỹ. “Nếu Mỹ dám có hành động khiêu khích về quân sự nhằm vào Triều Tiên, chúng tôi sẵn sàng đáp trả. Nếu Mỹ tìm cách khiêu khích Triều Tiên, họ sẽ không thoát khỏi thảm họa lớn nhất trong lịch sử loài người”, hãng thông tấn KCNA dẫn lời Chủ tịch Kim đe dọa.
Ông Kim còn nói thêm rằng, “Mỹ không nên coi thường hay phán đoán sai thực tế về việc lục địa Mỹ và khu vực hoạt động ở Thái Bình Dương của Mỹ nằm trong tầm tấn công của Triều Tiên và Triều Tiên có mọi phương tiện mạnh mẽ để tấn công trả đũa Mỹ”.
Mặc dù Bình Nhưỡng vốn nổi tiếng về những phát biểu khoa trương nhưng giới chuyên gia tin rằng, vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên cho thấy bước tiến mạnh mẽ của nước này trong mục tiêu chế tạo được một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của thể đe dọa cường quốc số 1 thế giới.
Tên lửa được phóng đi vào sáng ngày hôm qua (14/5) dường như đã thể hiện một bước tiến dài của Triều Tiên trên con đường phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có thể vươn tới lục địa Mỹ, giới khoa học tên lửa của Mỹ đã đưa ra nhận định như vậy. “Vụ thử tên lửa thành công mới nhất của Triều Tiên đã cho một thấy một mức độ phát triển chưa từng có trong chương trình tên lửa của nước này”, ông John Schilling – một kỹ sư không quân chuyên nghiên cứu về tên lửa, nhận định. Cũng theo ông này, thành công vừa rồi đồng nghĩa với việc Triều Tiên có thể chỉ mất một năm chứ không phải 5 năm như dự đoán trước đây để có trong tay một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Sáng sớm ngày hôm qua, Triều Tiên đã phóng đi một quả tên lửa đạn đạo được gọi là Hwasong-12 . Giới phân tích cho rằng, Hwasong-12 có thể là “tên lửa bí ẩn” mà Bình Nhưỡng đã trình làng trong lễ diễu binh hoành tráng ở thủ đô của họ hồi tháng trước. Tên lửa loại này là phiên bản nhỏ hơn của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa KN-08.
“Đây là một tên lửa đạn đạo tầm trung xa nhất từ trước đến nay mà Triều Tiên trình làng và nó có thể là một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa”, bà Melissa Hanham đến từ Trung tâm Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân James Martin ở California cho biết.
Mỹ, Nhật Bản hốt hoảng kêu gọi họp khẩn về Triều Tiên
Trái với không khí ăn mừng ở Triều Tiên về sự kiện được Chủ tịch Kim Jong Un là vụ thử thành công “hệ thống vũ khí hoàn hảo”, các nước như Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đang rơi vào tâm trạng có phần hoảng hốt. Những nước này được tin là đã không lường trước được bước tiến mạnh mẽ của Triều Tiên trong chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.
Mỹ và Nhật Bản đã nhanh chóng lên tiếng kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc triệu tập một cuộc họp khẩn về Triều Tiên. Cuộc họp dự kiến sẽ diễn ra vào chiều ngày mai (16/5).
Nhà Trắng cho rằng, vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên cho thấy, nước này là “mối đe dọa hiển hiện”. Mỹ kêu gọi các nước đồng minh tung ra những biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn với Bình Nhưỡng. "Không có bất kỳ lý do gì để bào chữa cho hành động của Triều Tiên. Mối đe dọa từ Triều Tiên là có thật”, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc – bà Nikki Haley nhấn mạnh.
Hàn Quốc và Nhật Bản cũng lên tiếng chỉ trích gay gắt vụ thử tên lửa của Triều Tiên.
Ở Brussels, phát ngôn viên của NATO Oana Lungescu miêu tả hành động của Bình Nhưỡng là “sự vi phạm trắng trợn một loạt nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc” và là “mối đe dọa đối với an ninh và hòa bình quốc tế”.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc