"Học thuyết Trump" biến Mỹ thành "sen đầm quốc tế"

20:48, 12/04/2017
|

“Học thuyết Trump” biến Mỹ thành “sen đầm quốc tế”, khi Ngoại trưởng Rex Tillerson tuyên bố sẽ trừng phạt những kẻ phạm tội “ở bất cứ nơi nào trên thế giới”.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson phát biểu tại Hội nghị cấp bộ trưởng ngoại giao G-7 ở  thành phố Lucca, Italy. Ảnh: Business Insider
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson phát biểu tại Hội nghị cấp bộ trưởng ngoại giao G-7 ở thành phố Lucca, Italy. Ảnh: Business Insider
Liên quan đến việc "Học thuyết Trump" biến Mỹ thành "sen đầm quốc tế", Ngoại trưởng Rex Tillerson tuyên bố tại Hội nghị cấp bộ trưởng ngoại giao G7 ở Italy rằng Mỹ sẽ trừng phạt "tất cả những kẻ chống lại những người vô tội ở bất cứ nơi nào trên thế giới”.
 

Kể từ khi xảy ra cuộc tấn công vũ khí hóa học chưa được điều tra ở Syria, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã phản ánh quan điểm thay đổi đột ngột của chính quyền Trump đối với cuộc chiến Syria. Ý định liên kết với Nga đã được thay thế bằng tình trạng đối đầu trên thực tế.

Quan niệm hiện thời của Mỹ tồn tại được bao lâu?

Tất nhiên, Ngoại trưởng Tillerson biết rằng sự thay đổi quan điểm đột ngột này sẽ được các vị bộ trưởng ngoại giao phương Tây chủ chốt ủng hộ. Italy, Anh, Pháp, Nhật, Canada và Đức không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc “nhắm mắt làm ngơ” trước việc Mỹ tấn công quân sự ở Syria và cách tiếp cận mới của chính quyền Trump đối với cuộc xung đột ở đó. Về nguyên tắc, tất cả các bên tham dự Hội nghị cấp cao G-7 nhất trí rằng Nga phải ra khỏi ngõ cụt mà nước này đã tạo ra với chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad. Nhưng khi nhìn vào những điều tinh tế, tình hình lại trở nên không rõ ràng khi các vị bộ trưởng ngoại giao G7 không thể đạt được thỏa thuận về các biện pháp trừng phạt mới chống Nga.
 
Xét cho cùng thì Ngoại trưởng Rex Tillerson đã thay đổi nhiều lần luận điệu về Syria trong tuần qua.
Bất chấp việc lớn tiếng phản đối Mỹ can thiệp quân sự ở nước ngoài trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống Donald Trump đã tiến hành tấn công Syria. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Rex Tillerson đã tuyên thệ rằng “Mỹ sẽ tấn công bất cứ ai làm hại những người vô tội” trên phạm vi toàn cầu. Điều này cho thấy, Mỹ muốn làm “sen đầm quốc tế” - ngay cả khi không được phép.
 
Quay lại chủ nghĩa can thiệp
 
Tổng thống Donald Trump dường như đang sa vào lối mòn mà cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush đã bỏ lại. Tổng thống Mỹ George W. Bush đã gây chiến với Iraq, điều mà ứng viên tổng thống Donald Trump từng chỉ trích là một sai lầm lớn. Bây giờ, Tổng thống Donald Trump và Ngoại trưởng Rex Tillerson dường như sẵn sàng đối đầu với Nga, Triều Tiên và cả Trung Quốc. Việc chính quyền Trump đe dọa "hành động đơn phương" có thể được giải thích là một cách tiếp cận năng nổ, mạnh mẽ hoặc có thể được xem như một chiêu trò khiêu khích nguy hiểm.
 
Lẽ ra, Ngoại trưởng Tillerson không nên kỳ vọng vào sự hỗ trợ về quân đội hay tiền bạc từ phía các nước Tây Âu để thực hiện chính sách Syria của Mỹ. Những cam kết của các nước Tây Âu trong G-7 chỉ là những câu đưa đẩy “chót lưỡi, đầu môi”. Không một nước nào trong 6 quốc gia thành viên G-7 khác lại muốn bị lôi kéo vào một cuộc xung đột đẫm máu như ở Syria. Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel nói toạc ra rằng khó có thể cuộc đối đầu mới với Nga lại mở ra cơ hội cho tiến trình chính trị hoà bình ở Syria.
 
Liệu Tổng thống Nga Vladimir Putin có can thiệp quân sự vào Syria và để rồi sau đó đột nhiên từ bỏ Tổng thống Syria Bashar al-Assad?
 
Điều này sẽ không xảy ra ngay lập tức, nhưng rất có thể xảy ra trong tương lai, nếu ông Assad không còn hữu ích nữa. Người Nga cũng sẽ chờ xem liệu chính sách đối ngoại của Mỹ có ổn định hay lại ở trong tình trạng thay đổi đột ngột như hiện nay.
 
Vẫn không có chiến lược cụ thể
 
Hiện vẫn chưa có lời giải thích đầy đủ về lý do vì sao Tổng thống Donald Trump đã chuyển đổi quan điểm từ "nước Mỹ trước tiên" sang "nước Mỹ ở khắp mọi nơi".
 
Nhiều nhà quan sát ở Washington tin rằng cô con gái Ivanka của ông Trump đã đứng sau sự quay ngoắt 180 độ này. Những người khác thì lại nói đây là một chiến thuật hướng nội, khi Tổng thống Donald Trump muốn chứng minh rằng Nga đã không hề gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11/2016 và đội ngũ vận động bầu cử của ông vô tội trước những cáo buộc có liên hệ với Moscow.
 
Chuyện gì xảy ra tiếp theo? Phát ngôn viên Nhà Trắng đã không loại trừ các cuộc tấn công Syria khác, nếu chế độ Assad tiếp tục sử dụng bom thùng, điều vẫn xảy ra thường xuyên trong cuộc nội chiến kéo dài này. Liệu Mỹ có thực sự bắt đầu một cuộc can thiệp quân sự quy mô lớn ở Syria? Vậy ông Trump sẽ đòi hỏi những gì từ các đồng minh của Mỹ ở châu Âu và trong NATO?
 
Mỹ sẽ hành xử như thế nào trong cuộc xung đột nổ ra với Triều Tiên, nếu Bình Nhưỡng vẫn cứ tiến hành một cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân nữa?
 
Có thể nói, chính sách đối ngoại của chính quyền Trump đặt ra nhiều câu hỏi hơn câu trả lời, trong khi lại thiếu một chiến lược thực sự rõ ràng.

Theo Kiến thức


Ý kiến bạn đọc