Tổng thống Donald Trump đang đối mặt với khủng hoảng nhân sự

08:35, 18/03/2017
|

Các nhà phân tích cho rằng cách tiếp cận của ông Trump trong vấn đề nhân sự vô tình cho thấy sự hiểu lầm căn bản của ông về cách chính phủ hoạt động.

Bộ Ngoại giao là công sở vốn thường rất rộn ràng nay im lặng như tờ, gần như không một bóng người. Tại Lầu Năm Góc, những nhiệm vụ quân sự tại vài khu vực bất ổn nhất thế giới đang được điều hành bởi một bộ trưởng chưa tuyển được ai vào đội ngũ của mình.

Theo New York Times, từ khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân sự thực sự, bắt đầu từ sự hỗn độn tại các vị trí lãnh đạo cấp cao trong nội các. Bảy tuần sau khi trở thành tổng thống, ông Trump vẫn lúng túng bởi khởi đầu trễ nải, chậm hàng tháng so với những dự đoán của các chuyên gia từ cả hai đảng.

Thế giới không dừng lại đợi ông Trump

Sự trì trệ này khiến các trung tâm quyền lực quan trọng rơi vào tình trạng thiếu lãnh đạo trong lúc ông Trump nỗ lực thúc đẩy các ưu tiên chính sách cho những vấn đề như chăm sóc sức khỏe, thuế, thương mại và môi trường.

“Không nghi ngờ gì khi nói rằng đây là cuộc chuyển giao quyền lực chậm nhất trong hàng thập kỷ qua”, R. Nicholas Burns, cựu quan chức Bộ Ngoại giao tham gia vào các quá trình chuyển giao quyền lực từ năm 1988, cho biết.

"Đây là một sai lầm rất, rất lớn. Thế giới vẫn chuyển động. Nó không ngừng lại 'đợi' cuộc chuyển giao", ông Burns nhận định.

Một số vị trí chủ chốt trong nội các của Tổng thống Trump. Đồ họa:
Một số vị trí chủ chốt trong nội các của Tổng thống Trump. Đồ họa: Châu Vũ.

Trong khi đó, ông Trump đã nhấn mạnh rằng các vị trí bị bỏ trống trong chính phủ của ông không phải là một thiếu sót mà là bước tiên phong của kế hoạch cắt giảm quy mô bộ máy liên bang.

"Có rất nhiều vị trí mà tôi không muốn chỉ định bởi vì không cần thiết phải có", ông Trump nói với Fox News tháng trước. "Tôi bảo, 'Tất cả những người này làm gì?' Bạn không cần những vị trí đó".

Tuy nhiên, ngài tổng thống không đưa ra bất kỳ kế hoạch gì để cắt xén những vị trí cao cấp quan trọng, và phát ngôn viên Nhà Trắng Lindsay E. Walters cho biết ông Trump cuối cùng đã lên kế hoạch lấp đầy các vị trí này.

Các vấn đề về nhân sự của ông Trump bắt nguồn từ nỗ lực chuyển giao quyền lực đầy rối loạn khiến ông không có được một đội ngũ ứng viên nội các đáp ứng tiêu chuẩn về an ninh và tài chính để sẵn sàng làm việc ngay ngày đầu tiên.

Trong những tuần sau đó, sự rối loạn này còn kết hợp với những rào chắn do chính ông gây ra: một bài kiểm tra lòng trung thành trong một số trường hợp đã loại bỏ các ứng cử viên đủ tiêu chuẩn; một lệnh cấm vận động hành lang 5 năm làm nản lòng một vài ứng viên tiềm năng nhất và cảm giác chung về sự thay đổi ở Nhà Trắng đã khiến nhiều người khác chùn bước.

Những con số biết nói

Các quan chức liên quan được báo cáo tình hình đồng ý tiết lộ thông tin với điều kiện giấu tên. Họ không muốn bị trích dẫn là đang chê trách Trump hay chính quyền của ông.

Thế nhưng, những con số đã vẽ nên một bức tranh không thể nhầm lẫn. Mặc dù 18 thành viên nội các đã được Thượng viện phê chuẩn, ông Trump vẫn chưa đề cử ai cho hơn 500 vị trí quan trọng khác. Tổng thống Mỹ thứ 45 hoàn toàn đi sau những người tiền nhiệm trong việc lấp đầy các vị trí quan trọng cấp hai và cấp ba, những người thực hiện hầu hết chức năng quan trọng hàng ngày của chính phủ.

Tính đến ngày 12/3, ông Trump trình Thượng viện 36 đề cử cho các vị trí quan trọng, tức là bằng hơn một nửa con số 70 đề cử Tổng thống Barack Obama công bố cùng thời điểm năm 2009.

Trong hầu hết trường hợp, chính quyền Trump thậm chí chưa bắt đầu quá trình kiểm tra tốn thời gian, có thể mất từ vài tuần đến hai tháng, mà các ứng viên phải hoàn thành trước khi Thượng viện xem xét phê chuẩn. Theo dữ liệu New York Times thu thập, Văn phòng Đạo đức Chính phủ Mỹ (OGE) chỉ nhận được 63 báo cáo về các ứng viên chính quyền Trump tính đến ngày 5/3, ít hơn một phần ba so với con số 228 mà ông Obama đệ trình vào cùng ngày năm 2009.

Số báo cáo ứng viên nhân viên chính phủ mà chính quyền Trump (năm 2017) và chính quyền Obama (năm 2009) đệ trình, so sánh cùng thời điểm, tính đến 7/3. Đồ họa:
Số báo cáo ứng viên nhân viên chính phủ mà chính quyền Trump (năm 2017) và chính quyền Obama (năm 2009) đệ trình, so sánh cùng thời điểm, tính đến 7/3. Đồ họa: New York Times.

Tại Bộ Ngoại giao, cả hai vị trí phó bộ trưởng vẫn bị bỏ trống, cùng 6 vị trí thứ trưởng và 22 vị trí trợ lý bộ trưởng. Tại Bộ Tài chính, ông Trump vẫn chưa có thứ trưởng, tổng cố vấn hay giám đốc tài chính, cùng 3 thứ trưởng và 9 trợ lý bộ trưởng.Tình hình gần tương tự cũng diễn ra ở Bộ An ninh Nội địa.

Phát ngôn viên Walters phủ nhận bất kỳ sự chậm trễ đáng kể nào trong việc tuyển dụng nhân viên chính phủ, nói rằng chính quyền mới "không hề trễ nải". Tuy nhiên, bà nói thêm rằng chính quyền đang chọn lọc một số lượng lớn ứng viên tiềm năng để chọn ra người cho các vị trí quan trọng. Một viên chức cao cấp của Nhà Trắng cho hay số ứng viên vào khoảng 130 người.

Viên chức này, yêu cầu được bảo mật danh tính vì ông không được quyền tiết lộ thông tin nội bộ, nói rằng kể từ lễ nhậm chức hôm 20/1, Nhà Trắng đã đặt ra tiến độ lấp đầy các vị trí ngang với với tiến độ của các chính quyền trước đây, và giờ đang tiến hành nhanh hết mức có thể quá trình tuyển dụng kỹ lưỡng.

Vị viên chức nói thêm rằng chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Trump có quy mô nhỏ gọn, vì vậy ông không có hàng nghìn trợ lý chính trị mà các vị tổng thống mới khác thường bổ nhiệm vào các vị trí cấp cao.

Khi lòng trung thành với ông Trump được đề cao

Việc chậm trễ bổ nhiệm nhân sự dường như phản ánh sự thiếu kinh nghiệm của ông Trump về quản lý nhà nước cũng như sự nghi ngờ sâu sắc của ông về bất cứ ai có lý lịch như vậy. Đây là hai yếu tố quan trọng trong quá trình chuyển đổi không mấy trơn tru của ông.

Tại Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis đang giám sát các sứ mệnh ở Iraq, Afghanistan và Yemen mà không có đội ngũ lãnh đạo của chính mình. “Ông ấy thực sự thiếu ba, bốn cấp trong đội ngũ lãnh đạo của mình”, Michèle Flournoy, thứ trưởng đặc trách chính sách tại Bộ Quốc phòng dưới thời Obama, nói.

Bà Flournoy đã tự loại mình ra khỏi danh sách cấp phó của ông Mattis vì không đồng ý với các giá trị và chính sách của chính quyền mới. "Hệ thống nhân sự tại Nhà Trắng hiện đã thực sự đề cao lòng trung thành với Trump và họ đã loại trừ bất cứ ai bất bình với ông", bà nhận định.

Tổng thống Trump (giữa) trong một cuộc họp nội các tại Nhà Trắng, bên cạnh ông là Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis (phải) và Ngoại trưởng Rex Tillerson. Ảnh:
Tổng thống Trump (giữa) trong một cuộc họp nội các tại Nhà Trắng, bên cạnh ông là Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis (phải) và Ngoại trưởng Rex Tillerson. Ảnh: Getty.

Một thách thức khác là việc ông Trump cố áp dụng mô hình lãnh đạo doanh nghiệp hàng thập kỷ của ông vào bộ máy quan liêu liên bang rộng lớn. Max Stier, chủ tịch Trung tâm Chuyển giao quyền lực Tổng thống, nói: "Cách tiếp cận mà tổng thống sử dụng khi là doanh nhân và khi còn tranh cử đơn giản là không thể mở rộng để áp dụng cho thách thức lấp đầy phần còn lại trong đội ngũ điều hành chính phủ".

Sự chậm trễ cũng có thể làm suy giảm ảnh hưởng toàn cầu của Tổng thống Trump. Khi các bộ trưởng thương mại của các quốc gia thuộc khu vực Thái Bình Dương, gồm cả Trung Quốc, gặp nhau vào tuần trước tại Chile, người đại diện Mỹ lại là đại sứ Carol Z. Perez, một nhà ngoại giao chuyên nghiệp. Nguyên nhân của việc này là vì quan chức phụ trách thương mại của Mỹ chưa được phê chuẩn.

Thêm một thách thức cho ông Trump là cách tiếp cận nhân sự đôi khi được xem là ngẫu hứng. Ông đột ngột yêu cầu 46 chưởng lý trên toàn quốc nộp đơn từ chức và ngay lập tức dọn dẹp bàn làm việc của họ, để lại cho ông nhiệm vụ tìm kiếm những người thay thế.

Các nhà phân tích nói rằng cách tiếp cận của ông Trump vô tình cho thấy một sự hiểu lầm căn bản về cách chính phủ hoạt động.

“Họ có thể nghĩ đến việc thiếu nhân sự là một chính phủ tinh gọn, nhưng đây không giống như điều hành một doanh nghiệp cỡ nhỏ”, Terry Sullivan, giám đốc điều hành của Dự án Chuyển giao Nhà Trắng, một tổ chức phi đảng phái theo dõi tiến độ việc bổ nhiệm, cho biết.

"Chính phủ liên bang lớn hơn gấp nhiều lần so với tập đoàn lớn nhất của Mỹ. Ngay cả Exxon Mobil cũng phải chào thua. Nó phản ánh suy nghĩ ngây thơ của họ về quy mô to lớn của chính phủ Mỹ", ông Sullivan nói.

Theo Zing


Ý kiến bạn đọc