(VnMedia) - Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 5 chi nhánh ở Ukraine của các ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước Nga, văn phòng báo chí của Tổng thống Ukraine cho biết.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko |
Các biện pháp trừng phạt được áp dụng sau khi quyết định này được thông qua bởi Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine một ngày trước đó. Những ngân hàng bị trừng phạt gồm Sberbank, VS Bank, Prominvestbank, VTB Bank và BM Bank.
Các biện pháp trừng phạt bao gồm lệnh cấm các chi nhánh ngân hàng Nga rút tiền ra khỏi Ukraine cũng như rút nguồn lợi tức; lãi suất; tiền lãi từ các khoản vay, khoản thế chấp liên ngân hàng hay nguồn tiền từ các tài khoản nợ.
Phản ứng trước đòn trừng phạt bất ngờ nói trên, cựu Bộ trưởng Tài chính cũng là người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược của Nga – ông Alexey Kudrin cho rằng, hành động của Kiev sẽ có hậu quả tiêu cực đối với chính Ukraine và sẽ có tác dụng ngược lại.
"Các ngân hàng của Nga đóng vai trò quan trọng trong hoạt động đầu tư vào hệ thống tài chính Ukraine và hành động của Kiev chỉ làm cho hệ thống tài chính của Ukraine thêm tồi tệ”, ông Kudrin cảnh báo.
Ông Kudrin nhấn mạnh, việc Kiev tung đòn trừng phạt nhằm vào các ngân hàng của Nga chỉ mang lại hình ảnh Ukraine là một đất nước bất ổn – nơi các quyền lợi không được bảo vệ trong suốt một thời gian dài và sẽ làm giảm nguồn đầu tư vào nước này. "Đó là những bước đi siêu đắt đỏ, gây hại đến các lợi ích của Ukraine”, ông Kudrin nói thêm.
Chính quyền của Tổng thống Poroshenko đã tung ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào 5 ngân hàng của Nga trong bối cảnh chiến sự ở miền đông Ukraine gần đây leo thang liên tục. Kiev và phương Tây luôn cáo buộc Nga hậu thuẫn cho lực lượng ly khai miền đông Ukraine, gây ra cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở quốc gia Đông Âu. Moscow bác bỏ cáo buộc này.
Quan hệ giữa Nga và Kiev hiện nay giống như những “kẻ thù không đội trời chung”. Cuộc đối đầu giữa hai bên xuất phát từ cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng bùng lên ở Ukraine hồi cuối năm 2013. Cuộc khủng hoảng này xuất phát ban đầu từ làn sóng biểu tình phản đối quyết định của Tổng thống Yanukovych hồi cuối năm 2013 trong việc dừng ký kết các thỏa thuận với Liên minh Châu Âu (EU) để ưu tiên cho mối quan hệ gắn bó hơn với Nga. Bước đi này đã làm dấy lên làn sóng biểu tình của hàng nghìn người ở thủ đô Kiev. Kết quả là ông Yanukovych bị lật đổ và Crimea được sáp nhập vào Nga. Cùng với đó, cuộc nổi dậy ở miền đông Ukraine bắt đầu bùng lên.
Chính quyền Kiev hiện nay đang theo đuổi một chính sách chống Nga mạnh mẽ và quyết liệt.
Kiệt Linh (theo Itar-Tass)
Ý kiến bạn đọc