(VnMedia) - Vũ khí hạng nặng, bao gồm xe tăng chiến đấu M1A2 Abrams và phương tiện chiến đấu bộ binh Bradley, đã đến thành phố phía bắc Tapa của Estonia như một phần nỗ lực của Mỹ nhằm đối phó với cái họ gọi là mối đe dọa từ Nga.
Ảnh minh họa |
Hơn 50 thiết bị quân sự của Mỹ, gồm 4 xe tăng chiến đấu và 15 phương tiện chiến đấu bộ binh, đã được đưa đến Tapa, Lực lượng Phòng thủ Estonia cho biết trong một tuyên bố. Trước đó, lực lượng binh sĩ Mỹ cũng đã đến Estonia và họ sẽ tham gia vào lễ diễu binh Ngày Quốc khánh của Estonia.
Mỹ có kế hoạch đưa 87 xe tăng Abrams M1A1, 20 pháo tự hành Paladin và 136 phương tiện chiến đấu Bradley đến Đông Âu. 4.000 quân Mỹ cũng sẽ được triển khai đến Ba Lan và các nước Baltic, Bulgaria và Rumani trên cơ sở luân phiên.
Hồi tháng 1, Mỹ đã triển khai hàng loạt xe tăng, phương tiện bọc thép, vũ khí quân sự và các lực lượng binh sĩ đến Ba Lan.
NATO gọi các hoạt động triển khai lực lượng nói trên ở gần biên giới của Nga là biện pháp phòng thủ dựa trên cái cớ là vụ sáp nhập Crimea vào Nga năm 2014 cũng như cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Moscow xem những hành động của liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương là mang tính gây hấn và làm phương hại đến sự cân bằng an ninh ở lục địa Châu Âu.
Hồi tháng 11 năm ngoái, Lầu Năm Góc đã chuyển hơn 600 container đạn dược đến cho các lực lượng của họ ở Châu Âu. Đây là số lượng đạn dược lớn nhất mà Mỹ đưa vào khu vực trong vòng 2 thập kỷ qua.
Moscow đã đáp trả bằng cách đưa những vũ khí và đạn dược tối tân nhất đến triển khai ở khu vực biên giới phía tây, trong đó có vùng Kaliningrad. Đồng thời, Nga cũng liên tiếp tiến hành các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn trên lãnh thổ của mình để răn đe NATO.
Mối quan hệ giữa Nga và NATO đang rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất từ trước đến nay kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát. Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine. Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia.
Việc NATO tiến sát đến biên giới Nga đi ngược lại những cam kết mà liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đưa ra trong Dự luật Nga-NATO. Dự luật này quy định liên minh quân sự phương Tây không được phép triển khai một số lượng binh lính đáng kể đến lãnh thổ của các nước thành viên NATO mới nằm sát Nga. Những bước đi của NATO khiến Nga không thể ngồi yên. Moscow bắt đầu thực hiện một loạt bước đi nhằm đáp trả NATO.
Kiệt Linh (theo RT)
Ý kiến bạn đọc