Thủ tướng Nhật Bản lần đầu tiên đến thăm Trân Châu Cảng

09:39, 06/12/2016
|

Thủ tướng Shinzo Abe sẽ là lãnh đạo Nhật Bản đầu tiên đến thăm Trân Châu Cảng, nơi diễn ra cuộc tấn công lịch sử của Nhật trong Thế chiến 2.

Chiến hạm Mỹ bốc cháy trong trận chiến Trân Châu cảng
Chiến hạm Mỹ bốc cháy trong trận chiến Trân Châu cảng

Trong một thông báo ngày 5/12, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết sẽ đến thăm Hawaii trong 2 ngày 26 – 27/12 để cầu nguyện cho những người đã chết trong trận chiến Trân Châu Cảng. Ông Abe sau đó sẽ có cuộc gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama, theo Reuters.

"Đây sẽ là chuyến thăm để an ủi linh hồn của những người đã khuất. Tôi muốn cho thế giới thấy rằng sự kinh hoàng của chiến tranh không bao giờ nên lặp lại", ông Abe tuyên bố.

Hải quân Nhật Bản sáng 7/12/1941 mở cuộc tấn công bất ngờ bằng máy bay thả ngư lôi, máy bay ném bom và máy bay tiêm kích nhắm vào hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ ở Trân Châu Cảng.

Đòn tấn công quân sự bất ngờ của Hải quân Nhật Bản đã dẫn đến việc Mỹ tuyên chiến với Nhật Bản và sau đó quyết định tham gia các chiến dịch quân sự ở Thái Bình Dương trong Thế chiến 2.

Tuyên bố ngày 5/12 của ông Abe được đưa ra 2 ngày trước thời điểm đánh dấu 75 năm cuộc chiến Trân Châu Cảng (7/12/1941 – 7/12/2016). Ông Abe sẽ là lãnh đạo Nhật Bản đầu tiên đến thăm nơi này.

Sáu tháng trước, ông Obama cũng trở thành tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Mỹ đến thăm thành phố Hiroshima, nơi Mỹ thả quả bom nguyên tử vào tháng 8/1945 trong những ngày cuối của Thế chiến 2. Ít ngày sau khi Mỹ thả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, Nhật Hoàng Hirohito đã đọc tuyên bố đầu hàng đồng minh.

Chuyến thăm của ông Obama đã bị nhiều người dân Mỹ phản đối trong khi được người Nhật hoan nghênh. Thủ tướng Abe ngày 5/12 cho biết thông điệp của ông Obama về một thế giới không vũ khí hạt nhân đã chạm đến trái tim của nhiều người dân Nhật Bản.

Trong khi đó, Nhà Trắng ngày 5/12 cho rằng chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản đến Trân Châu Cảng sẽ nhấn mạnh mối quan hệ đồng minh giữa 2 nước từng là cựu thù trong chiến tranh. "Chuyến thăm của hai lãnh đạo sẽ cho thấy sức mạnh của sự hoà giải đã giúp biến những cựu thù thành đồng minh thân cận nhất, đoàn kết với nhau nhờ những lợi ích và giá trị chung".

(Theo Thanh Niên)


Ý kiến bạn đọc