Bí mật về tàu ngầm "rắn đang tiêu hóa mồi " của Mỹ

20:32, 07/12/2016
|
Halibut là loại tàu ngầm mang tên lửa tầm xa cỡ lớn Regulus II có một không hai của Hải quân Mỹ. Hình dáng bên ngoài của nó được ví như “con rắn đang tiêu hóa mồi”.

Tàu USS Halibut là một loại tàu ngầm có hình dáng rất khác thường, và nó đã hoạt động dưới biển sâu trong thời gian dài. Nó đã thực hiện rất nhiều nhiệm vụ tuyệt mật của Mỹ trong thời Chiến tranh Lạnh.

Tạp chí National Interest cho biết, tàu Halibut là một trong những tàu ngầm mang tên lửa tầm xa của Mỹ. Hình dáng bên ngoài của nó khá khác thường, được ví như “con rắn đang tiêu hóa mồi”, được thiết kế để mang các tên lửa hành trình cỡ lớn Regulus II. Tên lửa này sẽ được phóng đi từ boong tàu ngầm và có khoang chứa tổng cộng năm quả tên lửa. Halibut còn có 6 ống phóng ngư lôi dùng để tự vệ.

Tàu ngầm USS Halibut.
Tàu ngầm USS Halibut.

Halibut là loại tàu ngầm có một không hai. Với chiều dài hơn 105m, chiều rộng gần 9m, khoang chứa của tàu cùng với các thiết bị được lắp đặt đã khiến trọng lượng của nó lên tới 5.000 tấn. Lò phản ứng hạt nhân S3W cho phép tàu có tốc độ tối đa là 20 hải lý/giờ và tầm hoạt động gần như không giới hạn. Điều này cho phép khả năng của tên lửa Regulus II, có tầm bắn vào khoảng 1.600km, được phát huy tối đa.

Sau này, Regulus II được thay thế bằng tên lửa đạn đạo Polaris, với động cơ tên lửa mới cho phép kích cỡ của nó giảm xuống, đồng thời tầm bắn được nâng cao. Sự xuất hiện của Polaris cùng các tàu ngầm lớp George Washington, và việc tên lửa Regulus II bị ngừng sản xuất 17 ngày trước khi tàu Halibut hạ thủy đã đe dọa sự tồn tại của nó.

Dù vậy, trong bốn năm đầu, tàu Halibut vẫn tiếp tục được đưa vào sử dụng. Năm 1965, nhận thấy được giá trị của một tàu ngầm có khoang chứa lớn, Hải quân Mỹ đã cho Halibut vào xưởng đóng tàu và cải tạo với tổng chi phí 70 triệu USD (tương đương 205 triệu USD ngày nay). Tàu sau đó có khoang cho người nhái vào và ra khỏi tàu khi lặn, đồng thời có chế độ hoạt động giúp tàu có thể giữ nguyên vị trí dưới nước.

Ngoài ra, tàu Halibut còn có khoang để vận hành hai thiết bị điều khiển từ xa đặc biệt mang tên "Con cá". Thiết bị lặn này có chiều dài 3,6m và được lắp đặt hệ thống camera, đèn pha và thiết bị xôna để tìm kiếm những vật thể ở dưới độ sâu 7.600m. Để xử lý những dữ liệu mà “Con cá” thu được, một máy tính 24 bit, được coi là hiện đại nhất vào thời đó, được lắp đặt trên tàu.

Sau khi được cải tạo, tàu Halibut được coi là một tàu ngầm tấn công thông thường và tham gia thực hiện các nhiệm vụ do thám tìm kiếm và thăm dò. Giữa tháng 7/1968, Halibut được cử đi để bí mật dò tìm xác một tàu ngầm K-129 lớp Golf II của Liên Xô (cũ) bị chìm vào tháng 3 cùng năm tại địa điểm cách quần đảo Hawaii 1.600 hải lý.

Tàu Halibut cùng thủy thủ đoàn.
Tàu Halibut cùng thủy thủ đoàn.

Khi bị đắm, tàu vẫn mang theo ba quả tên lửa đạn đạo tầm trung R-21. Đây là tên lửa có tầm bắn vào khoảng 890 hải lý và được lắp đặt đầu đạn hạt nhân có sức công phá 8 kiloton. Với Mỹ, đây là cơ hội ngàn vàng để thu giữ loại tên lửa này và nghiên cứu.

Với những thiết bị trên tàu, Halibut là sự lựa chọn hoàn hảo để thực hiện nhiệm vụ. Khi tàu đến địa điểm đã định, nó triển khai các thiết bị “Con cá” và dò tìm bằng âm thanh dưới đáy biển. Sau một thời gian tìm kiếm và chụp hơn 20.000 bức ảnh, đội ngũ tàu Halibut cuối cùng đã phát hiện xác tàu ngầm Liên Xô (cũ). Nhờ công lao này, tàu Halibut và thủy thủ đoàn đã được trao tặng bằng biểu dương của Tổng thống Mỹ nhờ “tham gia vào những nhiệm vụ mang tầm quan trọng lớn về khoa học cho Chính phủ Hoa Kỳ”. Công lao của tàu Halibut đã bị giữ kín nhiều thập kỷ sau đó.

Năm 1970, tàu Halibut được cải tạo một lần nữa để cho phép các thợ lặn sâu có thể hoạt động trên tàu. Một năm sau, nó lại ra khơi và thực hiện nhiệm vụ lắp đặt máy nghe trộm vào đường dây cáp liên lạc nối giữa căn cứ tàu ngầm của Liên Xô (cũ) tại thành phố Petropavlovsk, thuộc bán đảo Kamchatka, với trụ sở chính của Hạm đội Thái Bình Dương tại thành phố Vladivostok cũng thuộc khu vực trên.

Hệ thống nghe trộm đã cho phép Mỹ có thể lén bắt được tín hiệu liên lạc tới lực lượng vũ khí hạt nhân của Liên Xô. Nhiệm vụ này đã được tiến hành một cách bí mật và khẩn trương để đề phòng Liên Xô phát hiện và ngừng sử dụng đường dây liên lạc. Một lần nữa thủy thủ đoàn của tàu đã được Tổng thống Mỹ tuyên dương.

Tàu Halibut bị ngừng sử dụng vào ngày 01/11/1975, sau 1.232 lần ra khơi làm nhiệm vụ và 16 năm hoạt động trong quân đội. Thay thế cho nó, ngày nay tàu USS Jimmy Carter, một tàu được thiết kế để hoạt động bí mật, được cho là đang thực hiện việc thu thập thông tin tình báo.

Theo Infonet


Ý kiến bạn đọc