Trước đó, hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả các cuộc thăm dò dư luận tại Mỹ trong vài tháng qua, thậm chí sát ngày bầu cử, đều cho rằng bà Clinton sẽ giành chiến thắng, rằng ông Trump không có “cửa” vào Nhà Trắng và bà Clinton đang dẫn ở các bang quan trọng hay bang “chiến địa”.
Theo hãng thăm dò dư luận RealClearPolitics, kết quả điều tra của các hãng thăm dò, hãng tin có uy tín như Bloomberg Politics, CBS News, Fox News, Reuters/Ipsos, USA TODAY/Suffolk, Quinnipiac, Monmouth, Economist/YouGov và NBC News/SM đều luôn khẳng định bà Clinton sẽ thắng.
Bà Hillary Clinton |
Có duy nhất một ngoại lệ. Đó là cuộc thăm dò dư luận của tờ Los Angeles Times phối hợp cùng với Đại học Nam California (USC). Theo như kết quả thăm dò của họ, ông Trump sẽ giành chiến thắng. Kết quả đó đã bị giới chuyên gia chính trị chế nhạo.
Trong số 67 cuộc thăm dò dư luận quốc gia theo dõi cuộc đua 4 chiều (của 4 ứng viên tổng thống Mỹ), chỉ có 4 cuộc do ông Trump dẫn đầu. Còn trong số 61 cuộc thăm dò quốc gia về cuộc đua 2 chiều (chỉ có 2 ứng viên Trump và Clinton) trong thời gian đó, chỉ có 6 cuộc cho biết ông Trump đang dẫn trước. Và tất cả 6 cuộc thăm dò đó đều là của LA/USC.
Do vậy, chiến thắng của ông Trump đã giáng một đòn nặng nề vào độ tin cậy của các hãng thăm dò dư luận hàng đầu của Mỹ. Nhiều người đặt nghi vấn về các thuật toán, các giả định và phương pháp điều tra của họ.
Ông Donald Trump, người vừa đắc cử Tổng thống Mỹ. |
Theo NBC, các cuộc thăm dò dư luận dường như đã đánh giá cực thấp số lượng cử tri đang âm thầm ủng hộ ông Trump, những người chắc chắn bỏ phiếu cho ông vào Ngày bầu cử nhưng chưa bao giờ xuất hiện trước mặt các điều tra viên.
Ông Arie Kapteyn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Xã hội và Kinh tế Dornsife của đại học USC, người tham gia tiến hành cuộc thăm dò, cho biết, một số cử tri rõ ràng cảm thấy ngại ngùng khi thừa nhận với các điều tra viên rằng họ đang ủng hộ ông Trump. Chính vì vậy, cuộc thăm dò được tiến hành qua internet của LATimes và USC đã cho kết quả chính xác hơn cả.
Cuối ngày 8/11, ông Kapteyn cho biết: "Có một số ý kiến cho rằng những người ủng hộ bà Clinton sẽ có khả năng thể hiện sự ủng hộ đối với bà Clinton hơn là những người ủng hộ ông Trump nói họ đang ủng hộ ông Trump”.
Ngoài ra, theo ông Kapteyn, nhiều thăm dò dư luận có thể đã loại trừ sai khi cho rằng, những người đã không bỏ phiếu năm 2012 sẽ không bỏ phiếu năm 2016.
Ông nói: "Những người không bỏ phiếu ở lần bầu cử trước lại là những người có nhiều khả năng ủng hộ ông Trump. Do vậy, nếu bạn loại bỏ những người không bỏ phiếu lần trước, bạn có thể đã loại bỏ quá nhiều người ủng hộ ông Trump”. Ông nhận định, các cuộc thăm dò của LATimes/USC cũng chú ý hơn đến việc cử tri được hỏi các tham gia bỏ phiếu không.
Tuy nhiên, theo ông Michael Traugott, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Chính trị tại Đại học Michigan, sự khác biệt giữa các cuộc thăm dò trên internet và các cuộc thăm dò qua điện thoại đã giải thích cho sai sót trong kết quả thăm dò. Ông nói rất khó để đánh giá xem một người có bỏ phiếu hay không.
Ông cho rằng, quyết định điều tra của FBI đối với email của bà Clinton cũng có tác động đến quyết định của các cử tri.
Ngoài ra, theo NBC, một trong những nguyên nhân chính khác khiến các cuộc thăm dò dư luận có kết quả không chính xác là họ đã đánh giá cao sự ủng hộ đối với bà Clinton trong nhóm thiểu số và đánh giá thấp sự ủng hộ đối với ông Trump của các cử tri da trắng.
Ví dụ, ở một số bang quan trọng hay bang chiến địa, ông Trump đã có kết quả tốt hơn mong đợi rất nhiều. Ví dụ, tại Wisconsin, các cuộc thăm dò gần đây chốt bà Clinton được 46,8% và ông Trump được 40,3% phiếu ủng hộ. Nhưng đến Ngày Bầu cử, ông Trump đã hơn bà Clinton tới hơn 4 điểm phần trăm.
(Theo Infonet)
Ý kiến bạn đọc