(VnMedia) - Cựu Tổng thống Gruzia Mikheil Saakashvili hôm qua (11/11) đã thông báo kế hoạch tạo lập một phong trào đối lập mới ở Ukraine với mục đích lật đổ chính quyền đương nhiệm hiện tại ở Kiev và thúc đẩy tiến hành bầu cử sớm. Đây có thể nói là “một đòn đau điếng” với chính quyền của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko bởi lâu này ông Saakashvili vẫn được coi là đồng minh thân thiết của Kiev và là người chống Nga cực kỳ mạnh mẽ.
Cựu Tổng thống Gruzia Mikheil Saakashvili |
Cựu Tổng thống Gruzia Saakashvili là người ủng hộ nhiệt thành cho cuộc nổi dậy ủng hộ EU ở Ukraine năm 2014. Cuộc nổi dậy này đã lật đổ Tổng thống thân Nga và đưa Ukraine ngả hẳn về phương Tây.
Ông Saakashvili đã được Tổng thống Petro Poroshenko “thưởng” cho những nỗ lực của mình bằng việc bầu ông này làm Thống đốc khu vực Odessa quan trọng của Ukraine hồi tháng 5 năm 2015.
Tuy nhiên, cựu Tổng thống Gruzia nói tiếng Nga thành thạo này hồi đầu tuần đã tuyên bố từ chức với lý do bất mãn. Ông Saakashvili cáo buộc Tổng thống Ukraine và các thành viên trong nội các của ông này ngăn cản không cho ông thực hiện công việc chống tham nhũng.
Ông Saakashvili, 48 tuổi, tuyên bố: “Chúng tôi sẽ tạo ra một lực lượng chính trị rộng khắp, đặt ra một cương lĩnh cho lực lượng mới với mục tiêu là lật đổ bộ máy lãnh đạo chính trị hiện nay”."Mục tiêu của chúng tôi là thúc đẩy tiến hành bầu cử càng sớm càng tốt”, ông Saakashvili cho biết thêm.
Ông Saakashvili còn nhấn mạnh, ông rất nghiêm túc về kế hoạch lật đổ Tổng thống Poroshenko và đưa Ukraine đi theo một tiến trình mới. "Tôi không định đàm phán với bất kỳ ai và sẽ chỉ đàm phán với nhân dân Ukraine”, ông Saakashvili nhấn mạnh.
Ukraine dự kiến sẽ tiến hành bầu cử vào năm 2019.
Quốc hội Ukraine hiện tại đang được dẫn dắt bởi đảng của Tổng thống và Thủ tướng Ukraine. Các thành viên khác trong Quốc hội, gồm những người theo chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa dân túy, có thể sẽ ngả về phía ông Saakashvili.
Viễn cảnh bùng nổ một cuộc rối loạn chính trị mới ở Ukraine diễn ra 7 tháng sau những cáo buộc tham nhũng lan tràn khiến ông Poroshenko phải cải tổ bộ máy trong chính phủ. Cùng với đó, Ukraine tiếp tục phải chiến đấu với lực lượng ly khai ở miền đông trong một cuộc nội chiến đã cướp đi sinh mạng của gần 10.000 người.
Cuộc nội chiến kéo dài 30 tháng qua vẫn âm ỉ và viễn cảnh hòa bình được thiết lập trở lại ở miền đông Ukraine vẫn còn rất xa vời.
Các đồng minh phương Tây của Ukraine từ lâu đã lo ngại về mức độ tham nhũng và giao dịch ngầm bên trong quốc gia Đông Âu. Tình trạng này đang làm tan vỡ dần hy vọng về việc cuộc cách mạng năm 2014 ở Ukraine sẽ đem đến một sự đổi thay mới cho đất nước được liệt vào danh sách một trong những nước nghèo nhất Châu Âu.
Ông Saakashvili từng là một ngôi sao sáng trên chính trường Gruzia và được Mỹ đánh giá cao vì đã có công trong việc quét sạch nạn tham nhũng trong lực lượng cảnh sát Gruzia và đưa đất nước này đi trên con đường minh bạch về kinh tế.
Tuy nhiên, thất bại thảm hại của Gruzia trong cuộc chiến 5 ngày với Nga năm 2008 đã khiến uy tính của ông Saakashvili suy giảm đến mức ông bị đánh bại dễ dàng trong cuộc bầu cử năm 2012 và trở thành mục tiêu của một loạt cuộc điều tra mà ông cáo buộc là có động cơ chính trị.
Cựu Tổng thống Gruzia rời đất nước, đến Ukraine và lao vào cuộc cách mạng Maidan ở đây với tư tưởng chống Nga mạnh mẽ. Ông Saakashvili và ông Poroshenko là những người quen biết lâu năm của nhau và cả hai đều từng tốt nghiệp trường Đại học Quốc gia Taras Shevchenko ở thủ đô Kiev hồi đầu những năm 1990. Nga từng xem việc Ukraine bổ nhiệm “kẻ thù” của mình làm người đứng đầu Odessa là một ví dụ cho thấy sự “vây cánh” trong chính quyền Poroshenko và ông Saakashvili được báo chí Nga miêu tả là một kẻ chạy trốn.
Tuy nhiên, sau một thời gian trở thành đồng minh thân thiết của nhau và cùng ra sức chống Moscow, hai ông này giờ đây lại quay lưng, trở thành “kẻ thù” của nhau.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc