(VnMedia) - Gần như đã bước được một chân vào Nhà Trắng, bà Hillary Clinton lại vấp ngã một cách cay đắng và đau đớn đến ngỡ ngàng. Cú vấp ngã thứ hai đã chấm dứt ước mơ và tham vọng trở thành nữ Tổng thống Mỹ đầu tiên của nữ chính khách đầy quyền uy này. Tuy vậy, cuộc đời và sự nghiệp của bà khiến rất nhiều người dân Mỹ nói riêng và người dân thế giới nói chung cảm thấy khâm phục và ngưỡng mộ.
Bà Hillary Clinton |
Chúng ta hãy cùng tiếp tục khám phá cuộc đời của bà từ năm 1999 đến nay. Đây là khoảng thời gian bà Hillary bắt đầu bước lên các nấc thang của quyền lực, thể hiện tài năng, sức ảnh hưởng và sức mạnh tiềm tàng của bà. Đây cũng là khoảng thời gian bà phải trải qua 2 lần vấp ngã trước cửa Nhà Trắng.
1999
"Dám cạnh tranh"
Khi chồng bà đối diện với phiên luận tội, bà Hillary đã hướng về phía trước. Trong khi Thượng viện bỏ phiếu về tương lai của chồng, bà Hillary cân nhắc hành động tiếp theo của mình.
Khi Thượng nghị sĩ đương nhiệm của New York thông báo nghỉ hưu, cái tên của bà Hillary nhanh chóng được đưa vào tầm ngắm. Nhưng bà không tự tin. Tại một sự kiện công cộng, một nữ vận động viên trẻ đã thì thầm vào tai bà “Hãy mạnh dạn cạnh tranh”. Cảm nhận thấy đó là thời điểm của mình, bà Hillary đã đưa tên mình vào cuộc đua và giành chiến thắng. Đây là lần duy nhất một đệ nhất phu nhận được bầu vào một cơ quan của nhà nước.
“Các quyết định khó khăn nhất mà tôi thực hiện trong đời là cưới Bill và chạy đua chức Thượng nghị sĩ của New York”, bà Hillary Clinton cho biết năm 2003.
11/9/2001
9/11
Chưa đầy một năm trong nhiệm kỳ làm Thượng nghị sĩ đầu tiên, bà Hillary đã phải cùng nước Mỹ trải qua một cơn sốc và nỗi đau buồn chưa từng có trong lịch sử khi gần 3.000 người thiệt mạng và hơn 6.000 người bị thương trong loạt trận tấn công khủng bố kinh hoàng ngày 11/9/2001.
Bà Hillary Clinton đã cung cấp 21 tỉ USD viện trợ liên bang cho New York trong những tháng sau đó. Bà tiếp tục đấu tranh cho việc bồi thường cho những người đầu tiên phản ứng với vụ khủng bố gồm cảnh sát, nhân viên y tế và lính cứu hỏa có mặt tại hiện trường vào ngày 11/9. Nhiều trong số họ đã thiệt mạng hoặc vẫn phải đối mặt với những vấn đề về sức khỏe. Sức mạnh và sự nắm bắt vấn đề nhanh nhạy của bà Hillary đã khiến nhiều người trong Đảng Dân chủ ngưỡng mộ.
2008
“18 triệu vết nứt”
Dễ dàng tái đắc cử vị trí Thượng nghị sĩ vào tháng 11/2006, bà Hillary Clinton bắt đầu chú ý đến tham vọng vào Nhà Trắng một lần nữa.
Đối thủ của bà là Thượng nghị sĩ trẻ đang rất đươc yêu thích – ông Barack Obama. Những scandal của thời những năm 1990 tiếp tục gây ảnh hưởng đến danh tiếng của bà và kết quả là thông điệp hy vọng, thay đổi của ông Obama đã hạ gục bà Hillary. Cựu đệ nhất phu nhân phải thừa nhận thất bại trong nỗ lực trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ.
“Mặc dù lần này chúng ta không thể phá vỡ lớp bức trần kính cứng nhất và cao nhất nhưng nhờ các bạn, đã có 18 triệu vết nứt trên đó”, bà Hillary phát biểu năm 2008. Bức trần kính là cụm từ dùng để nói đến rào cản vô hình đối với phụ nữ trong sự nghiệp.
2009
Ngoại trưởng
Sau khi thất bại trong cuộc đua giành chiếc ghế ứng cử viên của Đảng Dân chủ, bà Hillary quay lại ủng hộ nhiệt thành cho đối thủ Obama trong chiến dịch tranh cử chức tổng thống. Khi ông Obama đánh bại đối thủ bên Đảng Cộng hòa John McCain, chuông điên thoại của bà đã reo vang. Đó là ông Obama.
Bà Hillary đã được đề nghị nhận vị trí Ngoại trưởng quyền lực của nước Mỹ. Thay vì chấp nhận, bà đã đưa ra một danh sách những ứng cử viên khác. Tuy nhiên, cuối cùng bà Hillary cũng nhận lời ngồi vào chiếc ghế Ngoại trưởng. Bà nói, "nếu vai trò bị đảo ngược, tôi vô cùng muốn có ông ấy trong nội các của mình”. Bà Hillary là người phụ nữ thứ ba trong lịch sử Mỹ được nắm giữ chức vụ Ngoại trưởng danh giá. Bà đã thực hiện chuyến thăm đến 112 quốc gia trong thời kỳ đương chức. Kinh nghiệm của một Đệ nhất phu nhân trở nên quý giá khi bà thiết lập quan hệ với lãnh đạo các nước bên ngoài cũng như giới chức trong nước.
“Gần như mỗi chiến thắng về chính sách đối ngoại trong nhiệm kỳ hai của Tổng thống Barack Obama đều có dấu ấn của Ngoại trưởng Clinton”, ông Harry Reid, lãnh đạo của Đảng Dân chủ trong Thượng viện, đã nói như vậy.
2012
"4 người Mỹ mất mạng"
Bất chấp một loạt ngợi khen của nhiều đồng nghiệp Đảng Dân chủ, nhiệm kỳ Ngoại trưởng của bà Hillary không phải không có những tranh cãi.
Vào ngày 11/9/2012, những kẻ tấn công đã nã súng và xông thẳng vào Lãnh sự quán Mỹ tại Benghazi, Libya. 4 công dân Mỹ thiệt mạng, trong đó có Đại sứ Chris Stevens. Giới truyền thông và Đảng Cộng hòa nổi giận, chỉ trích chính quyền Tổng thống Obama và cụ thể là Bộ Ngoại giao của bà Hillary đã không chú ý đến những lời cảnh báo an ninh trước cuộc tấn công. Trong bối cảnh sự chỉ trích lên cao, bà Hillary rút khỏi chiếc ghế Ngoại trưởng vào tháng Hai năm 2013 nhưng cuộc điều tra vẫn tiếp tục.
2015
Scandal e-mail
Trong cuộc điều tra cách xử lý của Hillary đối với vụ việc ở Benghazi, người ta hầu như không phát hiện bằng chứng nào về việc Ngoại trưởng đã hành động không đúng nhưng một ủy ban thứ hai đã được thành lập để tiến hành điều tra xa hơn, sâu rộng hơn. Kết quả là scandal email đã bị phơi bày. Bà Hillary Clinton bị phát hiện sử dụng hệ thống email cá nhân riêng cho công việc khi đang đương chức và những người chỉ trích cho rằng, hành động đó vi phạm thủ tục an ninh, gây nguy hiểm cho các tài liệu mật của Mỹ. Họ kêu gọi truy tố bà Hillary nhưng FBI vừa rồi khẳng định bà không bị truy tố về việc này. Các đối thủ chính trị của bà Hillary vẫn tiếp tục đòi bắt giữ bà.
2016
Đánh bại Bernie
Năm 2015, bà Hillary Clinton tuyên bố sẽ tham gia tái tranh cử vào Nhà Trắng một lần nữa. Là ứng cử viên nổi bật nhất, bà nhanh chóng đánh bại Thượng nghị sĩ Bernie để giành chiếc ghế ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ.
11/2016
Ngày 8/11/2016, hàng triệu người Mỹ đã đi bỏ phiếu chọn tổng thống tiếp theo của nước Mỹ và cái tên Hillary Clinton được xướng tên trên khắp các mặt báo như là ứng cử viên nắm chắc phần thắng trong tay.
Nhưng trong một diễn biến không thể gây ngỡ ngàng hơn, kết quả bầu cử năm nay đã gọi tên Donald Trump. Bà Hillary đã một lần nữa vấp ngã ngay trước cửa Nhà Trắng, đáng tiếc hơn khi bà gần như đã đặt một chân vào tòa nhà quyền lực tối cao này.
Kiệt Linh (theo BBC)
Ý kiến bạn đọc