EU "bạc nhược", suy yếu trước Nga

06:55, 25/10/2016
|

(VnMedia) - Giới lãnh đạo EU đã không thể giữ được một “thế trận” đoàn kết trước Nga trong hội nghị thượng đỉnh vừa diễn ra hồi cuối tuần vừa rồi. Trong khi một số nước thành viên sẵn sàng đưa lời đe dọa về các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga vì tình hình Syria vào tuyên bố cuối cùng của liên minh sau hội nghị thì các thành viên khác lại phản đối điều này. Cuối cùng, chỉ có một vài cá nhân lãnh đạo trong EU công khai cảnh báo Nga.

Ông Tusk - một quan chức chống Nga hàng đầu trong EU
Ông Tusk - một quan chức chống Nga hàng đầu trong EU

Với việc ngay cả đưa lời đe dọa trừng phạt Nga vào tuyên bố chung còn không thể thành hiện thực thì khả năng EU thực sự tung thêm những đòn trừng phạt mới vào Nga vì Syria dường như lại càng xa vời hơn.

Trước khi hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra vào ngày 20/10, đã có nhiều thông tin được đưa ra xoay quanh việc liên minh phương Tây phác thảo một bản tuyên bố chung với đầy những lời lẽ cứng rắn và cả lời đe dọa trừng phạt công khai nhằm vào Nga. Tuy nhiên, khi hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra, giới lãnh đạo liên minh này đã không thể tìm kiếm được một sự đồng thuận cho bản phác thảo tuyên bố mà họ đã chuẩn bị. Điều này đồng nghĩa với việc bản phác thảo đã bị bác bỏ.

Thủ tướng Italia Matteo Renzi là một trong những nhà lãnh đạo EU công khai phản đối khả năng áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt Nga. “Chúng ta nên làm mọi điều có thể để có được một thỏa thuận hòa bình ở Syria nhưng khó có thể tưởng tượng được rằng điều này lại liên quan đến việc áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga”, ông Renzi đã nói như vậy.

Trái ngược với các nguồn tin đưa ra dày đặc trước đó, Thủ tướng Áo Christian Kern cho hay, “không ai đòi áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt” nhằm vào Nga trong ngày đầu tiên diễn ra hội nghị thượng đỉnh. Ông Kern đồng thời cho biết, các nước thành viên “đã tiến được một bước tiến quan trọng” trong việc vạch ra một chiến lược đồng bộ đối với Nga.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi một phương pháp tiếp cận nghiêm khắc hơn nếu Nga tiếp tục không kích thành phố Aleppo.

EU bắt đầu áp dụng các biện pháp trừng phạt mạnh tay nhằm vào Nga từ năm 2014, sau khi cuộc xung đột ở miền đông Ukraine bùng phát và Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Mỹ, EU cùng với các đồng minh liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, kích động cuộc xung đột ở miền đông nam Ukraine.

Bất chấp việc Nga liên tục lên tiếng bác bỏ những cáo buộc trên, phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Nhiều trong số này là những biện pháp trừng phạt đang gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga khi nó nhằm vào các ngành then chốt như ngân hàng, năng lượng và quốc phòng. Đáp lại, Moscow cũng đáp trả bằng cách áp dụng một gói biện pháp trừng phạt nhằm vào tất cả các nước đang tham gia chiến dịch trừng phạt Nga. Nga và EU vốn là hai đối tác thương mại và năng lượng quan trọng của nhau nên kết quả tất yếu của “cuộc chiến” trừng phạt là cả hai bên đều bị tổn thất nặng nề.

Vì thấm “đòn đau” từ chính sách trừng phạt Nga, nhiều nước thành viên của Liên minh Châu Âu đang có xu hướng muốn từ bỏ chính sách này, hàn gắn, khôi phục lại quan hệ với Nga để tránh phải tiếp tục hứng chịu những mất mát gây ra từ cuộc chiến trừng phạt. Trong bối cảnh như vậy, sẽ thật sự khó khăn để EU một lần nữa thiết lập một mặt trận thống nhất, đoàn kết nhằm tung thêm các biện pháp trừng phạt Nga vì vấn đề Syria.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc