(VnMedia) - Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang quyết tâm "chinh phạt" thị trường Châu Phi, tranh giành "chiếc bánh" đầy hấp dẫn này với các cường quốc khác, đặc biệt là với nước láng giềng Trung Quốc.
Hội nghị quốc tế Tokyo về phát triển châu Phi lần thứ 6 (TICAD-6) vừa diễn ra hồi cuối tuần trước không chỉ gây chú ý bởi những thay đổi khác thường của nó mà còn bởi số tiền khổng lồ mà Nhật Bản cam kết đầu tư cho Châu Phi.
Đằng sau những chi tiết gây chú ý này là cả một kế hoạch đầy tham vọng của chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe trong quyết tâm “chinh phạt” thị trường Châu Phi, tranh giành “chiếc bánh” đầy hấp dẫn này với các cường quốc khác, đặc biệt là với Trung Quốc.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại TICAD-6 |
Được đánh giá là một thị trường tiềm năng hàng đầu thế giới, Châu Phi đang trở thành điểm đến của hàng loạt các nước đến từ khắp nơi trên thế giới. Từ phương Đông đến phương Tây, các nước đổ xô đến Châu Phi để tìm kiếm những cơ hội làm ăn béo bở.
Trung Quốc trong những năm gần đây đang tiến mạnh vào thị trường này và đã gây dựng được một vị thế vững chắc ở nơi đây. Tuy nhiên, đường tiến của Bắc Kinh đang có nguy cơ bị chặn lại bởi một đối thủ khó chịu là nước láng giềng Nhật Bản. Tokyo trên thực tế đã tìm đến với Châu Phi từ lâu bởi lục địa đen này có thể bù đắp cho sự thiếu hụt về tài nguyên thiên nhiên mà Nhật Bản không may mắn có được.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, Nhật Bản vẫn chưa thể tận dụng được hết những lợi ích tiềm năng từ Châu Phi. Nhận thức được điểm yếu này, Nhật Bản đã quyết định tổ chức Hội nghị TICAD-6 sớm hơn 2 năm để có thể “sửa sai”. Tokyo muốn thông qua sự kiện lần này để có thể tiến sâu hơn vào Châu Phi, tận dụng được tối đa các lợi ích ở nơi này.
Hội nghị quốc tế Tokyo về phát triển châu Phi bắt đầu được tổ chức từ năm 1993 theo định kỳ 5 năm một lần và đều được tổ chức trên đất Nhật Bản. Tuy nhiên, năm nay có những thay đổi đặc biệt. TICAD 2016 được tổ chức ở Châu Phi và nó diễn ra chỉ 3 năm sau TICAD 2013. Hai sự thay đổi này phản ánh sự ưu tiên của Nhật Bản dành cho Châu Phi trong chính sách của họ.
Tại TICAD-6 diễn ra trong hai ngày 27 và 28/8 ở thủ đô Nairobi, Kenya, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã cam kết sẽ đầu tư 30 tỉ USD cho châu Phi trong 3 năm tới, trong đó có 10 tỉ USD dành cho phát triển cơ sở hạ tầng.
“Đây là khoản đầu tư đặt niềm tin vào tương lai của Châu Phi, một sự đầu tư để Nhật Bản và Châu Phi cùng phát triển”, Thủ tướng Abe phát biểu tại hội nghị. Tokyo muốn đổ một số tiền khổng lồ vào Châu Phi để tạo ra bước khởi đầu đầy ấn tượng khi “tấn công” vào thị trường này nhằm mục đích có thể đạt được tối đa các lợi ích về kinh tế, thương mại, đầu tư, năng lượng và cả lợi ích về chính trị.
Nhật Bản vốn nghèo tài nguyên thiên nhiên nên việc họ tìm đến một lục địa giàu tài nguyên như Châu Phi là điều đương nhiên. Thị trường tiềm năng như Châu Phi cũng là thứ mà chính quyền Thủ tướng Abe cần để thúc đẩy nền kinh tế lớn nhưng đang rơi vào trì trệ của Nhật Bản.
Nhật không muốn để Trung Quốc “hưởng trọn” những tiềm năng to lớn ở Châu Phi như Bắc Kinh đang làm hiện nay. Trong khi tổng thương mại song phương giữa Trung Quốc và Châu Phi trong năm 2015 đạt mức 179 tỉ USD thì con số ngày giữa Nhật Bản và Châu Phi chỉ vỏn vẹn 24 tỉ USD. Về đầu tư, Trung Quốc đã đầu tư 2 tỉ USD cho một mình Guinea Xích đạo - một quốc gia giàu dầu mỏ, trong khi tổng đầu tư trực tiếp của Nhật Bản với toàn Châu Phi chỉ đạt 1,24 tỉ trong năm 2015. Tokyo đang muốn giành một phần của miếng bánh béo bở ở Châu Phi từ tay Trung Quốc.
“Chúng tôi thấy rằng đây là thời điểm để tận dụng mọi khả năng của nước Nhật, mọi năng lực của các công ty Nhật vì sự đi lên của châu Phi. Trong phát triển kinh tế - xã hội, các bạn tìm kiếm không gì khác ngoài chất lượng”, Thủ tướng Abe đã phát biểu như vậy trước các nhà lãnh đạo châu Phi. Với phát biểu này, ông Abe đã cho thấy định hướng cạnh tranh của Nhật Bản với Trung Quốc ở Châu Phi, theo đó, Tokyo sẽ cạnh tranh bằng chất lượng – một khía cạnh mà Nhật Bản có ưu thế hơn hẳn Trung Quốc.
Nhật Bản cũng quyết dấn sâu vào Châu Phi để xây dựng ảnh hưởng chính trị tại đây, từ đó có thể giúp họ trên con đường vận động cho một cuộc cải tổ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mà ở đó Nhật Bản sẽ giành được một chiếc ghế thường trực.
Châu Phi tất nhiên là sẽ mở rộng vòng tay đón Nhật Bản bởi họ không dại gì bỏ qua cơ hội tận dụng thêm một nguồn lực mạnh để giúp đẩy mạnh tiến trình phát triển của khu vực. Châu Phi đang cần tiền và công nghệ để phát triển và Nhật Bản hoàn toàn có thể đáp ứng hai điều này.
Rõ ràng, Nhật Bản và Châu Phi mang lại cơ hội phát triển thực sự cho nhau và cả hai đều có lợi trong mối quan hệ hợp tác nhiều mặt. Trung Quốc chắc chắn sẽ rất khó chịu khi bị nước láng giềng Nhật Bản “chặn đường” giữa lúc đang đà đi lên mạnh mẽ.
Kiệt Linh
Ý kiến bạn đọc